TRẦM CẢM SAU SINH
Do sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố liên quan đến quá trình mang thai và sinh nở, một số bà mẹ sau khi sinh bắt đầu trải qua giai đoạn trầm cảm. Mặc dù trầm cảm nhẹ, hay còn gọi là “baby blues” rất phổ biến và cũng có thể phản ánh những thay đổi về lối sống khi mới làm mẹ, khoảng 3 – 6% phụ nữ trải qua giai đoạn trầm cảm nặng trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi sinh. Tình trạng này thường kèm theo lo âu ở mức nghiêm trọng và thậm chí là các cơn hoảng loạn. Trong một số ít trường hợp, trầm cảm có thể đi kèm với các đặc điểm rối loạn tâm thần như hoang tưởng và ảo giác. Các chuyên gia nhận thấy rằng 50% các giai đoạn trầm cảm được coi là sau sinh thực ra khởi phát trước khi sinh – được gọi là trầm cảm có khởi phát chu sinh (peripartum onset). Các nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có các triệu chứng về khí sắc và lo âu khi mang thai sẽ có nguy cơ mắc phải giai đoạn trầm cảm sau sinh chính hệ (postpartum major depressive episode) cao hơn.
Triệu chứng
Dạng trầm cảm sau sinh nhẹ nhất và phổ biến nhất được biết đến với tên gọi “baby blues”. Các triệu chứng tự phát trong 10 ngày đầu tiên sau khi sinh và có xu hướng đạt đến đỉnh điểm khoảng 3-5 ngày. Mặc dù các triệu chứng gây đau khổ nhưng chúng thường giảm dần trong vòng 24 đến 72 giờ. Các triệu chứng phổ biến bao gồm lo âu, trầm cảm, dễ kích động, lú lẫn, khóc lóc, rối loạn giấc ngủ và thèm ăn, thờ ơ với em bé.
Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong năm đầu tiên sau khi sinh – thường là trong vòng 4 tuần nhưng đôi khi vài tháng sau đó. Các triệu chứng phải xuất hiện ít nhất 2 tuần và phải ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của người mẹ. Nhiều bệnh nhân mắc các triệu chứng sau sáu tháng kể từ khi khởi phát.
Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong năm đầu tiên sau khi sinh – thường là trong vòng 4 tuần nhưng đôi khi vài tháng sau đó. Các triệu chứng phải xuất hiện ít nhất 2 tuần và phải ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của người mẹ. Nhiều bệnh nhân mắc các triệu chứng sau sáu tháng kể từ khi khởi phát.
Các sự kiện khiến phụ nữ bị trầm cảm sau sinh bao gồm:
- Từng bị trầm cảm sau sinh trước đây; một lần mắc trước đó có thể làm tăng nguy cơ tái xuất hiện lên đến 70%
- Trầm cảm không liên quan đến thai kỳ; trầm cảm trước đó có thể tăng nguy cơ lên 30%
- Hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng
- Điều kiện hôn nhân, gia đình, nghề nghiệp hoặc tài chính căng thẳng
- Mang thai không mong muốn hoặc xung đột về việc có thai
Các triệu chứng được báo cáo về trầm cảm sau sinh bao gồm:
- Tâm trạng trầm uất phần lớn thời gian trong ngày và diễn ra gần như mỗi ngày
- Mất hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây
- Mất hy vọng và tuyệt vọng
- Suy nghĩ đến việc tự tử và /hoặc giết con
- Sợ làm hại em bé
- Thiếu quan tâm hoặc quan tâm quá mức đến em bé
- Cảm giác tội lỗi, kém cỏi và vô dụng
- Tập trung kém và trí nhớ suy giảm
- Những suy nghĩ kỳ quái
- Ảo giác
- Ác mộng
- Cơn hoảng loạn
- Kích động hoặc hôn mê
Loạn thần sau sinh (postpartum psychosis) xảy ra với tỷ lệ 1-2 trong số 1.000 ca đẻ. Các triệu chứng thường xảy ra trong vòng 4 tuần đầu tiên nhưng có thể biểu hiện bất cứ lúc nào lên đến 90 ngày sau khi sinh. Nó được đặc trưng bởi sự khởi phát nhanh chóng và nghiêm trọng. Phụ nữ mắc chứng rối loạn này bị suy giảm nghiêm trọng và mắc chứng hoang tưởng và ảo giác — đôi khi có ảo giác ra lệnh giết em bé hoặc hoang tưởng rằng trẻ bị chiếm hữu — và có nguy cơ tự sát và /hoặc giết người.
Nguyên nhân
Trong khi các yếu tố sinh học, tâm lý xã hội và văn hóa ảnh hưởng đến tình trạng bệnh, thì nguyên nhân chính xác của chứng trầm cảm sau sinh vẫn chưa được biết rõ.
Mức độ nội tiết tố thay đổi đáng kể trong suốt thời kỳ mang thai, sinh nở và sau khi sinh. Các nhà nghiên cứu đang xem xét mối quan hệ có thể có giữa sự thay đổi đột ngột của nồng độ nội tiết tố và chứng trầm cảm sau sinh.
Rối loạn điều hòa (dysregulation) của tuyến giáp sau khi sinh có thể đóng một vai trò nào đó. Tuyến giáp điều chỉnh một số nội tiết tố và giảm sản xuất đột ngột sau khi sinh, sau đó trở lại hoạt động bình thường trong khoảng thời gian vài tháng. Những thay đổi về tuyến giáp có thể góp phần gây nên cảm giác mệt mỏi mà những người mẹ sau sinh thường gặp.
Các yếu tố xã hội và tâm lý cũng có thể góp phần khởi phát chứng rối loạn sau sinh.
Các bà mẹ mới sinh cần có nhiều sự hỗ trợ trong vai trò mới của họ, và chứng trầm cảm sau sinh kéo dài có liên quan đến việc thiếu hỗ trợ xã hội. Các bà mẹ mới sinh không chỉ cần sự hỗ trợ về mặt tinh thần mà còn cần sự hỗ trợ của gia đình, bao gồm giúp đỡ các công việc nhà và chăm sóc con cái. Sự hỗ trợ như vậy có thể thiếu đối với một bà mẹ đơn thân hoặc phụ nữ có ít thành viên gia đình bên cạnh.
Mất ngủ và mệt mỏi là những phàn nàn phổ biến sau khi sinh con. Sinh con đòi hỏi sức mạnh của người phụ nữ và có thể mất vài tuần để hồi phục. Sinh mổ là cuộc phẫu thuật lớn và cần nhiều thời gian phục hồi hơn. Cộng với năng lượng dành cho việc chăm sóc em bé suốt ngày đêm cũng như lo cho các trách nhiệm khác, các bà mẹ mới sinh gần như không có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ. Kết quả là mệt mỏi có thể làm tăng tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Việc thay đổi vai trò của người mẹ có thể gây ra cảm giác hụt hẫng.
Thái độ của một người phụ nữ đối với việc mang thai có thể ảnh hưởng đến nguy cơ trầm cảm sau sinh hoặc chu sinh. Người phụ nữ thường cảm thấy nghi ngờ về việc mang thai, đặc biệt là khi không có kế hoạch. Tỷ lệ trầm cảm cao hơn được báo cáo ở những phụ nữ có quan điểm không đồng nhất về việc mang thai. Mất mẹ sớm hoặc mối quan hệ mẹ con không tốt có thể khiến người phụ nữ cảm thấy không tự tin về đứa con mới chào đời của mình. Cô ấy có thể sợ rằng việc chăm sóc đứa trẻ sẽ dẫn đến đau đớn, thất vọng hoặc mất mát.
Tăng cân khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và tăng nguy cơ trầm cảm, cũng như các vấn đề về hô hấp.
Những phụ nữ sinh con bằng phương pháp sinh mổ thường cảm thấy chán nản và tự ti hơn so với những phụ nữ sinh thường qua đường âm đạo.
Những bà mẹ có con sinh non thường trở nên trầm cảm. Sinh sớm dẫn đến những thay đổi bất ngờ trong thói quen và là một nguyên nhân gây căng thẳng thêm.
Một em bé bị dị tật bẩm sinh khiến cho việc điều chỉnh của các bậc cha mẹ càng trở nên khó khăn hơn.
Khoảng thời gian người mẹ ở trong bệnh viện có thể liên quan đến hạnh phúc về cảm xúc (emotional well-being). Có bằng chứng cho thấy việc xuất viện sớm làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm.
Sinh con đầu lòng là một sự kiện đặc biệt căng thẳng đối với các bà mẹ mới sinh và dường như có mối liên hệ với chứng trầm cảm nhiều hơn so với việc sinh con thứ hai hoặc thứ ba.
Các nghiên cứu đa văn hóa chỉ ra rằng tỷ lệ mắc chứng trầm cảm sau sinh (nhưng không phải loạn thần) thấp hơn nhiều ở các nền văn hóa không phải phương Tây. Những nền văn hóa này dường như cung cấp cho người mẹ một mức độ hỗ trợ tinh thần và thể chất mà hầu như không có trong xã hội phương Tây. Văn hóa truyền thống hơn, người ta càng nhận ra nhiều nhu cầu làm mẹ. Như vậy, người mẹ mới nhận được sự đảm bảo rằng sự khó chịu mà cô ấy đang trải qua sẽ qua đi và cô ấy sẽ không phải đối mặt với những cảm giác đó một mình.
Điều trị
Trầm cảm sau sinh được điều trị giống như các loại trầm cảm khác. Các phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến nhất là liệu pháp tâm lý và tham gia vào một nhóm hỗ trợ, dùng thuốc chống trầm cảm hoặc kết hợp các phương pháp điều trị đó.
Các loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị trầm cảm là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs).
Giống như trường hợp của các loại thuốc khác, thuốc chống trầm cảm có thể đi vào sữa mẹ. Phụ nữ cho con bú nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Nhiều hình thức trị liệu tâm lý, bao gồm một số liệu pháp ngắn hạn (10 đến 20 tuần), có thể giúp những người trầm cảm. Các liệu pháp trò chuyện có thể giúp bệnh nhân hiểu sâu hơn và giải quyết vấn đề của họ thông qua trao đổi bằng lời nói với nhà trị liệu, đôi khi kết hợp với các bài tập về nhà giữa các buổi trị liệu. Các nhà trị liệu hành vi giúp bệnh nhân học cách đạt được sự hài lòng và phần thưởng nhiều hơn thông qua hành động và loại bỏ các mô hình hành vi góp phần gây ra hoặc là kết quả từ chứng trầm cảm của họ. Ngoài ra, litrị liệu có thể giúp một người hiểu điều gì gây ra các triệu chứng của họ và cách tốt nhất để ứng phó với sự đau khổ.
Tổng hợp dịch và viết bài: Thu Hà (ha.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn:
Postpartum Disorder – Diagnosis Dictionary – Psychology Today https://www.psychologytoday.com/us/conditions/postpartum-disorder