NHỮNG ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN NÓI VỚI MỘT ĐỨA TRẺ VỀ CÁI CHẾT
Những cách thức giúp cha mẹ nâng đỡ con trải qua đau buồn mất mát người thân. Đương đầu với cái chết chưa bao giờ là dễ dàng. Người lớn còn bị đả kích, huống hồ với những đứa trẻ. Thật khó để chúng có thể vượt qua điều này. Mặc dù chúng ta đều biết cái chết là một điều không thể tránh khỏi nhưng không hề dễ để trò chuyện về cái chết bởi vì đây là một chủ đề đầy đau thương. Như hầu hết chúng ta đã biết, cái chết xảy ra theo nhiều cách khác nhau. Nó có thể đến một cách đột ngột hoặc đã được dự báo trước, kéo dài theo thời gian hoặc là tai nạn. Một phần của trải nghiệm là tìm những cách thức để giải thích, hiểu rõ và cuối cùng chấp nhận những gì đã diễn ra.
Dưới đây là một vài cách giúp bạn trò chuyện về cái chết với con của mình:
NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM
- Nói sự thật về những gì đã xảy ra ngay lập tức. Sự thật sẽ là lời giải thích cho những giọt nước mắt và nỗi đau của bạn. Hãy cởi mở và thể hiện cảm xúc của mình để giúp con của bạn học cách thể hiện thương tiếc.
- Hãy chuẩn bị cho những phản ứng cảm xúc đa dạng khác nhau. Bạn nên biết rằng dù bạn tiếp cận với chủ đề này theo cách nào đi chăng nữa, con của bạn vẫn sẽ buồn và có lẽ, thậm chí giận giữ với sự mất mát này. Chấp nhận những phản ứng cảm xúc của đứa trẻ. Bạn sẽ có thời gian để nói mọi chuyện một lần nữa sau khi con của bạn có thời gian xử lý sang chấn ban đầu.
- Đảm bảo rằng bạn sử dụng từ chết. Nhiều người thấy không thoải mái khi dùng từ chết và thích sử dụng các từ như mất, qua đời, chìm vào giấc ngủ, lên thiên đường nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng từ thực tế mô tả cái chết giúp ích cho quá trình đau buồn.
- Chia sẻ thông tin theo liều lượng. Đo lường những gì mà đứa trẻ có thể chịu được bằng cách đưa ra thông tin từng chút từng chút một. Bạn sẽ biết cần làm gì nhiều hơn dựa vào những câu hỏi của đứa trẻ.
- Hãy thoải mái khi nói rằng, “Ba/Mẹ không biết”. Không phải là dễ dàng để có tất cả câu trả lời, đặc biệt trong thời điểm đau lòng như vậy. Sẽ là hữu ích khi bạn nói với con của bạn rằng bạn có thể không biết về một số điều nhất định, như, “Ông chết như thế nào?” “Điều gì xảy đến với dì Rita tại nhà tang lễ,” “Điều gì làm cho Spike chạy ra ngoài đường vậy mẹ?” hoặc những câu hỏi không thể trả lời khác.
- Khóc. Khóc cùng với nhau. Khóc thường xuyên. Nó là một việc lành mạnh và giúp chữa lành.
- Cho phép con bạn tham gia vào các nghi thức. Hãy để đứa trẻ chọn quần áo cho người đã mất, chụp những bức hình tưởng niệm, chọn một bài hát hay bài đọc tôn giáo. Điều này sẽ giúp chúng dần kiểm soát được sang chấn do mất người thân.
- Hãy để con bạn buồn theo cách riêng của chúng. Cho phép đứa trẻ giữ im lặng về cái chết. Việc đứa trẻ cảm thấy cô đơn và tự cô lập chính mình vào thời điểm này cũng là một điều tự nhiên. Và cũng là điều bình thường nếu trẻ không bị ảnh hưởng bởi mất mát đang có. Không có một cách thức đúng đắn nào để đau buồn.
- Chuẩn bị cho con của bạn những gì chúng sẽ nhìn thấy ở nhà tang lễ hoặc dịch vụ tang lễ. Nói cho chúng nghe về những gì chúng sẽ thấy, ai sẽ ở đó, mọi người có thể sẽ cảm thấy như thế nào và họ sẽ làm gì. Với những đứa trẻ nhỏ, hãy mô tả về những gì sẽ diễn ra xung quanh một cách cụ thể. Ví dụ như mô tả về quan tài, quần áo hay tư thế của người đã khuất. Hoặc nếu đó là một buổi lễ tưởng niệm, nói cho trẻ nghe thi thể hiện đang ở đâu nếu như đã được hoả táng, hay đang ở trong chiếc quan tài được đóng kín hoặc đã được chôn cất. Nếu bạn muộn phiền rối trí thì hãy nhờ ai đó đi cùng để người đó có thể giúp bạn chăm sóc cho con mình.
- Chuẩn bị cho con bạn ở tương lai khi không còn sự hiện diện của người đã khuất. Nói về việc sẽ cảm thấy ra sao khi trong những ngày sinh nhật, những ngày lễ kỷ niệm, những kỳ nghỉ lễ và những khoảnh khắc đặc biệt trong đời sẽ không có sự hiện diện của người đó. Hãy nhờ con bạn hỗ trợ bạn để lên kế hoạch làm thế nào để vượt qua ở sự kiện sắp tới.
- Hãy chuẩn bị để nói về những cảm xúc và suy nghĩ một cách thường xuyên. Có khả năng bạn sẽ hương về chủ đề cái chết nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng tới. Hãy luôn sẵn sàng cho các buổi thảo luận sẽ được tiếp diễn vì tang chế là cả một quá trình.
- Nhớ chăm sóc chính bản thân bạn. Là ba mẹ, chúng ta đôi lúc quên mất là mình cần phải chăm sóc bản thân trong giai đoạn này. Trẻ em học những gì mà chúng nhìn thấy, vì vậy hãy là một tấm gương mẫu mực về tự chăm sóc trong thời điểm quan trọng này.
NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN:
- Đừng giấu sự đau khổ của bạn với con của mình. Nhìn thấy bạn đau buồn trong thời gian tang chế và suốt thời gian dài sau khi người thân yêu mất sẽ cho đứa trẻ biết được rằng, đó là một điều bình thường và lành mạnh khi mình khóc và cảm thấy buồn sau khi mất đi một ai đó có ý nghĩa với mình
- Đừng sợ khi chia sẻ kỷ niệm về người đã khuất. Đôi khi ba mẹ cảm thấy lo lắng khi nói về người đã khuất và cho rằng điều đó sẽ gây đau đớn cho người khác. Nghiên cứu chỉ ra rằng nỗi đau của những ký ức sống lại và câu chuyện được chia sẻ thực sự giúp chữa lành.
- Đừng tránh kết nối với đứa trẻ bởi vì bạn cảm thấy bất lực, không thoải mái hay không biết phải nói gì. Đôi khi, một cái nhìn cảm thông có thể là sự kết nối mạnh mẽ. Thậm chí một cái chạm hay một cái ôm cũng tạo ra một điều tuyệt vời.
- Đừng đổi chủ đề khi con bạn tiến vào phòng. Làm như vậy sẽ đặt một dấu hiệu cấm kỵ đối với chủ đề cái chết. Thay vào đó, hãy điều chỉnh cách nói và mức độ thông tin khi đứa trẻ hiện diện tại đó.
- Đừng thay đổi hoạt động thường ngày của bạn. Trẻ em cần sự nhất quán. Cố gắng để giữ thói quen hằng ngày của bạn ở nhà và ở nơi làm việc như bình thường nhiều nhất có thể. Tương tự, cố gắng đảm bảo rằng con của bạn tiếp tục tham gia hoạt động thường nhật như các sự kiện xã hội và ở trường.
- Đừng nghĩ rằng cái chết ngăn cấm tiếng cười. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, nụ cười là liều thuốc chữa lành tuyệt vời. Niềm vui khi nghĩ về những kỷ niệm hoặc khoảnh khắc với người đã khuất chỉ ra rằng sự hiện diện của họ quan trọng trong đời sống của bạn.
- Đừng đặt giới hạn về thời gian cho sự đau buồn do mất người thân của con bạn – hoặc của chính bạn. Mỗi người đau buồn theo cách riêng của họ. Ý thức rằng một “sự bình thường mới” sẽ xuất hiện – và rằng để thích nghi lại với cuộc sống bình thường sau khi mất người thân yêu thì cần có thời gian. Nếu bạn cần thêm sự hỗ trợ, hãy liên hệ với trường học của con, bác sĩ hoặc cộng đồng tôn giáo. Bạn cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ một nhà trị liệu sức khỏe tâm thần được đào tạo về lĩnh vực tang thương.
Lược dịch: Thùy Dung – CTV Ban biên tập NCTT (Dung.Le@nucuoitraitim.com)
Biên tập: Uyên Phượng
Tác giả bài viết là Serani, D. đã đồng ý cho phép Nụ Cười Trái Tim dịch bài viết này.
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fan page của Nụ Cười Trái Tim”. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn:
Serani, D. (2016, December 04th). The Do’s and Don’ts of Talking with a Child about Death. Retrieved from https://www.psychologytoday.com/us/blog/two-takes-depression/201612/the-dos-and-donts-talking-child-about-death