ÁI NHI (PEDOPHILIA)
Ái nhi (Pedophilia) là tình trạng hấp dẫn tình dục (sexual attraction) với trẻ em trước tuổi dậy thì. Nó được coi là lệch lạc tình dục (paraphilia), tình trạng một người có kích thích và thỏa mãn tình dục bằng cách tưởng tượng, tham gia vào hành vi tình dục không điển hình và cực đoan. Ái nhi được định nghĩa là những tưởng tượng kích thích tình dục có tính lặp lại và dữ dội, ham muốn tình dục (sexual urge) hoặc hành vi liên quan đến tình dục với trẻ em trước tuổi dậy thì – thường từ 13 tuổi trở xuống – trong khoảng thời gian ít nhất sáu tháng. Người ái nhi thường là nam và có thể bị thu hút bởi cả một hoặc hai giới. Mức độ họ quan tâm đến người lớn cùng giới hoặc khác giới là khác nhau.
Rối loạn ái nhi (pedophilic disorder) có thể được chẩn đoán ở những người sẵn sàng tiết lộ chứng bệnh này, cũng như ở những người từ chối bất kỳ sự hấp dẫn tình dục nào đối với trẻ em nhưng có bằng chứng khách quan chứng minh được họ mắc chứng ái nhi. Để chẩn đoán được, một cá nhân phải hành động theo sự ham muốn tình dục của họ hoặc trải qua sự đau khổ đáng kể hoặc khó khăn trong mối quan hệ với người khác vì sự ham muốn hoặc tưởng tượng của họ. Nếu không có hai tiêu chí này, một người có thể có khuynh hướng tình dục ái nhi (pedophilic sexual orientation) nhưng không mắc rối loạn ái nhi.
Tỷ lệ lưu hành người mắc chứng rối loạn ái nhi chưa được xác định, nhưng tỷ lệ cao nhất có thể xảy ra ở nam giới theo lý thuyết là khoảng 3-5%. Tỷ lệ lưu hành ở dân số nữ được cho là bằng một phần nhỏ so với tỷ lệ ở nam giới.
Ước tính có khoảng 20% trẻ em Mỹ đã từng bị quấy rối tình dục, điều này khiến ái nhi trở thành một bệnh lệch lạc tình dục phổ biến. Người phạm tội thường là họ hàng hoặc bạn bè của gia đình. Các loại hành vi quấy rối đang dạng và có thể chỉ cần nhìn trẻ hoặc cởi quần áo và chạm vào trẻ. Tuy nhiên, các hành vi thường liên quan đến quan hệ tình dục bằng miệng hoặc chạm vào bộ phận sinh dục của trẻ hay người phạm tội. Các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em cảm thấy không được chăm sóc hoặc cô đơn có thể có nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao hơn.
Triệu chứng
Theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần, Ấn bản lần thứ năm (DSM-5), để chẩn đoán rối loạn ái nhi, phải đáp ứng các tiêu chí sau:
- Những tưởng tượng, ham muốn hoặc hành vi tình dục tái diễn, mãnh liệt liên quan đến hoạt động tình dục với trẻ em trước tuổi dậy thì (thường từ 13 tuổi trở xuống) trong thời gian ít nhất 6 tháng.
- Những ham muốn tình dục này đã xảy ra hoặc đã gây đau khổ hoặc suy giảm chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác một cách đáng kể.
- Người đó ít nhất 16 tuổi, và ít hơn 5 tuổi so với trẻ trong tiêu chí đầu tiên. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho cá nhân ở cuối tuổi vị thành niên tham gia vào một mối quan hệ tình dục đang diễn ra với một đứa trẻ 12 hoặc 13 tuổi.
Ngoài ra, chẩn đoán rối loạn ái nhi cần chỉ rõ liệu cá nhân có bị thu hút chỉ bởi riêng trẻ em hay không, giới tính bị thu hút và liệu các ham muốn tình dục có giới hạn ở tội loạn luân hay không.
Có một số thách thức trong việc chẩn đoán chứng ái nhi. Những người mắc chứng này hiếm khi tự nguyện tìm kiếm sự giúp đỡ – việc tham vấn và điều trị thường là lệnh từ tòa án. Các cuộc phỏng vấn, giám sát hoặc hồ sơ internet thu được thông qua điều tra tội phạm có thể là bằng chứng hữu ích trong việc chẩn đoán chứng rối loạn. Sử dụng rộng rãi nội dung khiêu dâm trẻ em là một chỉ số chẩn đoán hữu ích về rối loạn ái nhi. Ngoài ra, kích thích sinh dục (genital sexual arousal) có thể được đo trong phòng thí nghiệm thông qua các kích thích tình dục và dựa trên sự thay đổi tương đối trong phản ứng của dương vật.
Lệch lạc tình dục như là một nhóm có tỷ lệ mắc bệnh đi kèm cao với nhau và tỷ lệ mắc bệnh đi kèm khác như lo âu, trầm cảm chính hệ hoặc rối loạn khí sắc hay rối loạn lạm dụng chất kích thích.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của chứng ái nhi (và các chứng lệch lạc tình dục khác) chưa được xác định. Có một số bằng chứng cho thấy ấu dâm có thể truyền trong gia đình, mặc dù không rõ liệu điều này bắt nguồn từ di truyền hay hành vi đã học.
Tiền sử bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu là một nhân tố tiềm năng khác trong phát triển chứng ái nhi, mặc dù điều này chưa được chứng minh. Các mô hình học tập hành vi cho thấy rằng một đứa trẻ là nạn nhân hoặc quan sát các hành vi tình dục không phù hợp có thể có điều kiện bắt chước những hành vi tương tự này. Những cá nhân này không được tiếp xúc xã hội và tình dục bình thường, có thể tìm kiếm sự thỏa mãn thông qua các phương tiện ít được xã hội chấp nhận hơn.
Các mô hình sinh lý học đang nghiên cứu mối quan hệ tiềm ẩn giữa hormone và hành vi, đặc biệt là vai trò của sự gây hấn và hormone sinh dục nam. Những người ái nhi đã được chứng minh là thấp hơn trung bình và có nhiều khả năng thuận tay trái, cũng như có chỉ số IQ thấp hơn so với dân số chung. Các bản scan não chỉ ra rằng họ có ít chất trắng hơn – mạch liên kết trong não – và ít nhất một nghiên cứu đã chỉ ra rằng họ có nhiều khả năng bị chấn thương đầu thời thơ ấu hơn những người không mắc chứng ái nhi.
Các cá nhân có thể nhận thức được hứng thú tình dục của mình đối với trẻ em vào khoảng thời gian dậy thì. Tình trạng ái nhi có thể là tình trạng kéo dài suốt đời, nhưng rối loạn ái nhi thì có thể thay đổi theo thời gian, bao gồm các yếu tố như đau khổ, suy giảm tâm lý xã hội và xu hướng hành động theo ham muốn cá nhân.
Điều trị
Nghiên cứu đã bác bỏ quan điểm cho rằng tội phạm tình dục đặc biệt dễ tái phạm. Trên thực tế, tỷ lệ tái phạm tội tình dục thấp hơn tất cả các loại tội phạm chính khác và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (U.S. Department of Justice) đã phát hiện ra rằng chỉ khoảng 3% những người lạm dụng tình dục trẻ em phạm tội tình dục khác trong vòng ba năm sau khi mãn hạn tù. Phân tích tổng hợp của hàng trăm nghiên cứu xác nhận rằng một khi họ bị phát hiện, hầu hết những người bị kết án không bao giờ tái phạm tội tình dục. (Không phải tất cả những người phạm tội tình dục với trẻ em đều là người ái nhi; chỉ khoảng 40% những người phạm tội tình dục bị kết án đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán về chứng rối loạn này.)
Mặc dù việc điều trị có thể giúp những người ái nhi chống lại hành động bị thu hút bởi trẻ em, nhưng nhiều người không tìm kiếm giúp đỡ lâm sàng vì nguy cơ dẫn đến hậu quả pháp lý do luật báo cáo bắt buộc đối với các chuyên gia được cấp phép, bao gồm cả nhà trị liệu.
Đối với những người mắc chứng rối loạn ái nhi tìm kiếm sự giúp đỡ, nghiên cứu cho thấy rằng các mô hình điều trị nhận thức – hành vi có thể hiệu quả. Các mô hình như vậy có thể bao gồm điều kiện hóa ác cảm (aversive conditioning), đối mặt với sự méo mó về nhận thức, xây dựng sự thấu cảm với nạn nhân (chẳng hạn như bằng cách cho họ xem video về hậu quả với nạn nhân), đào tạo tính quyết đoán (assertiveness training) (đào tạo kỹ năng xã hội, quản lý thời gian, cấu trúc), phòng ngừa tái nghiện (xác định tiền đề của hành vi [các tình huống có nguy cơ cao] và cách phá vỡ các tiền đề đó), hệ thống giám sát (cộng sự gia đình giúp giám sát hành vi của bệnh nhân) và duy trì suốt đời.
Thuốc có thể được sử dụng cùng với liệu pháp tâm lý để điều trị chứng rối loạn ái nhi. Các loại thuốc như vậy bao gồm medroxyprogesterone acetate (Provera) và leuprolide acetate (Lupron), các chất kháng nội tiết tố để giảm ham muốn tình dục. Cường độ ham muốn tình dục không liên quan nhất quán đến hành vi lệch lạc tình dục và mức độ testosterone tuần hoàn cao không khiến nam giới trở thành người lệch lạc tình dục. Các hormone như medroxyprogesterone acetate và cyproterone acetate làm giảm mức độ testosterone tuần hoàn, có khả năng làm giảm ham muốn tình dục và gây hấn. Những hormone này, thường được sử dụng song song với các phương pháp điều trị hành vi và nhận thức, có thể làm giảm tần suất cương cứng, tưởng tượng tình dục và bắt đầu hành vi tình dục, bao gồm cả thủ dâm và giao hợp. Thuốc chống trầm cảm như fluoxetine cũng được phát hiện là làm giảm ham muốn tình dục nhưng không nhắm mục tiêu hiệu quả đến hành vi tưởng tượng tình dục.
Các liệu pháp nhận thức bao gồm tái cấu trúc các biến dạng nhận thức và đào tạo sự thấu cảm. Tái cấu trúc những sai lệch về nhận thức liên quan đến việc điều chỉnh suy nghĩ của người ái nhi rằng đứa trẻ mong muốn được tham gia vào hoạt động này. Đào tạo về sự thấu cảm bao gồm việc giúp người phạm tội nhìn nhận quan điểm của nạn nhân, đồng nhất với nạn nhân và hiểu được tác hại mà họ đang gây ra. Các tiếp cận điều kiện hóa tích cực tập trung vào đào tạo kỹ năng xã hội và các hành vi thay thế, phù hợp hơn. Tái điều kiện hóa, chẳng hạn, bao gồm việc cho bệnh nhân một phản hồi ngay lập tức có thể giúp họ thay đổi hành vi.
Các phòng khám của Dự án Phòng ngừa Dunkelfeld (The Prevention Project Dunkelfeld) ở Đức, sử dụng phương pháp nhận thức hành vi để dạy khách hàng cách kiểm soát các xung động tình dục của họ, đã điều trị cho hơn 5.000 người tự nguyện tìm kiếm dịch vụ. (Đức không có luật báo cáo bắt buộc tương đương với luật ở Mỹ.) Phòng khám cũng cung cấp các biện pháp can thiệp về dược phẩm tâm thần, bao gồm thuốc làm giảm testosterone để giảm ham muốn tình dục khi cần. Kết quả ban đầu của dự án, mặc dù dựa trên các mẫu nhỏ, có vẻ đáng khích lệ: Những người tham gia đã được chứng minh là cải thiện khả năng tự điều chỉnh và giảm thái độ ủng hộ quan hệ tình dục với trẻ em.
Tiên lượng về việc giảm ham muốn tình dục khó xác định, vì những tưởng tượng tình dục về trẻ em đã lâu dài có thể khó thay đổi. Nhà thực hành có thể cố gắng giảm cường độ của những tưởng tượng và giúp bệnh nhân phát triển các chiến lược đối phó, nhưng cá nhân đó phải sẵn sàng nhận ra rằng có vấn đề đang tồn tại và sẵn sàng tham gia điều trị để có cơ hội thành công. Liệu pháp tâm động, kỹ thuật hành vi, phương pháp tiếp cận hóa học và thậm chí cả can thiệp phẫu thuật mang lại nhiều kết quả khác nhau. Duy trì suốt đời có thể là cách tiếp cận thực dụng và thực tế nhất.
Tổng hợp dịch và viết bài: Thu Hà (ha.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn:
Pedophilia – Diagnosis Dictionary – Psychology Today https://www.psychologytoday.com/us/conditions/pedophilia?fbclid=IwAR1PPiWMDY5XF8r9oCzXOFWm2Ylo8sr2bnFA3A_E_r2-O1tYxhZcLtNYWyg#:~:text=Pedophilia%20is%20defined%20as%20recurrent,to%20either%20or%20both%20sexes