TẠI SAO MỘT SỐ NGƯỜI LỚN LẠI LẠM DỤNG TÌNH DỤC TRẺ EM?
Để bắt đầu chủ đề này, chúng ta phải trả lời được câu hỏi quan trọng là tại sao chúng ta phải hỏi tại sao? Chẳng phải việc lạm dụng tình dục trẻ em là vi phạm pháp luật và họ phải bị trừng trị thích đáng?
Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Hiểu lý do tại sao một người lại lạm dụng tình dục với trẻ em rất quan trọng vì nó có thể giúp chúng ta ngăn chặn họ thực hiện hành vi xâm hại và tìm ra những cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em.
Vậy lý do thực sự là gì?
Khi quyết định lạm dụng tình dục một đứa trẻ, có một loạt những yếu tố có thể xảy ra. Có thể vì chính những người lớn lạm dụng có khó khăn về tâm lý như xu hướng tính dục, các vấn đề về thiếu kiểm soát, mong muốn quyền lực, gần gũi, những trải nghiệm trong quá khứ, những yếu tố tác động từ bên ngoài…
Xu hướng tính dục có phải là tất cả?
Các nghiên cứu gần đây ở sinh viên đại học là nam giới cho thấy mức độ phổ biến về việc họ cảm thấy bị kích thích tình dục bởi trẻ em và các ức chế xã hội đã ngăn cản hành động kích thích của họ. Các nghiên cứu về những người lạm dụng trẻ em cho thấy rằng một số lượng lớn có khuynh hướng tính dục đối với trẻ em tuổi thiếu niên (1).
Điều này không có nghĩa một người có khuynh hướng tính dục với trẻ em sẽ có hành vi lạm dụng tình tình dục. Ái nhi (pedophilia) là một rối loạn tâm lý liên quan sự thu hút tình dục (chính yếu hoặc duy nhất) đối với trẻ em trước tuổi dậy thì. Trong khi, lạm dụng tình dục (sexual abuse) là một tội ác và là hành vi sai trái về mặt đạo đức nghiêm trọng. Sự đánh tráo khái niệm khiến những người mắc chứng ái nhi gặp khó khăn khi điều trị, họ dần trở nên sợ hãi và chán ghét bản thân. Những người ái nhi có suy nghĩ lệch lạc và mong muốn phạm tội sẽ bất chấp hậu quả để hành động vì dù sao, họ cũng không được xã hội chấp nhận (3) (4).
Động cơ và nhận thức sai lệch
Có thể thấy xu hướng tính dục không phải là yếu tố nhân quả dẫn đến hành vi lạm dụng tình dục ở trẻ em. Một số động cơ khác có thể bao gồm:
- mong muốn kiểm soát ai đó và cảm thấy mạnh mẽ,
- cần quản lý hoặc giải quyết những cảm xúc khó khăn,
- mong muốn có được địa vị trong mắt người khác,
- nhu cầu cảm thấy gần gũi với ai đó.
Những người bạo hành cảm thấy dễ dàng hành động theo mong muốn của mình hơn bằng cách tự thuyết phục rằng những gì họ muốn làm là tốt, rằng hành vi lạm dụng không có hại, rằng họ xứng đáng được hưởng nó, rằng một phần bản năng của đàn ông bị chi phối về tình dục, hoặc rằng đứa trẻ đồng ý (2).
Những khó khăn về tâm lý
Những khó khăn tâm lý có thể đến từ việc họ có thể có các vấn đề trong việc kiểm soát cảm xúc, suy giảm khả năng cảm nhận đối với người khác hoặc hiểu các quy tắc xã hội (2). Các rào cản cũng bị phá vỡ thông qua việc sử dụng chất kích thích, rượu bia khiến họ mất khả năng kiểm soát (1).
Những khó khăn tâm lý cũng có thể đến từ quá khứ. Chẳng hạn, việc lớn lên với bạo lực gia đình có thể khiến việc kiềm chế những cảm xúc mãnh liệt trở nên khó khăn hơn và dễ khiến họ tin rằng việc kiểm soát người khác là tốt (2).
Yếu tố xã hội
Cách trẻ em trai và trẻ em gái được xã hội hóa có thể đóng một phần nào đó trong cách họ phản ứng với trải nghiệm bị lạm dụng. Trẻ em gái có xu hướng tin rằng lạm dụng là lỗi của họ và dẫn đến việc tự hủy hoại bản thân, chán ăn tâm căn và chấp nhận vai trò nạn nhân. Tuy nhiên, các bé trai thường có xu hướng kéo dài trải nghiệm bị lạm dụng. Hồi tưởng liên quan đến kinh nghiệm đau thương và ký ức về những hành vi lạm dụng định hình hoạt động tình dục của các bé trai. Ký ức về sự lạm dụng xen lẫn với sự phát triển tính dục và được củng cố bởi định kiến phổ biến về “sự nam tính” trên các phương tiện truyền thông. Sự bất lực liên quan đến quá khứ lạm dụng dẫn đến nhu cầu tìm kiếm một ai đó để thay thế bản thân bị tổn thương và trả thù đời (1).
Truyền thông và xã hội cũng đóng một phần lớn trong việc hình thành cách nghĩ của những người lạm dụng và giúp họ có thể sẵn sàng đưa ra những lời bào chữa. Chúng ta thường miêu tả con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, là đối tượng của tình dục. Một số tạp chí sử dụng hình ảnh người mẫu trẻ em gợi cảm. Nhiều phương tiện truyền thông khiêu dâm hóa quyền lực và sự hung hăng (một tỷ lệ lớn các kịch bản tình dục trong khiêu dâm chính thống bao gồm thao túng, ép buộc hoặc thuyết phục) (1) (2).
Xã hội vẫn thường đối xử tử tế với nạn nhân của lạm dụng, điều này khiến những người lạm dụng cảm thấy tự tin hơn rằng họ sẽ thoát khỏi nó. Vì vậy một mặt, xã hội đang phẫn nộ vì lạm dụng, mặt khác, nhiều thông điệp của nó lại cổ vũ và khuyến khích hành vi lạm dụng (2).
Yếu tố cơ hội
Việc ai đó muốn lạm dụng trẻ em sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời cơ. Ví dụ, nhiều kẻ xâm hại “tiềm năng” sẽ không theo đuổi hành vi lạm dụng nếu họ không có cơ hội ở một mình với một đứa trẻ hoặc nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng bị bắt. Ngay cả những việc nhỏ và gián tiếp như thiết kế các tòa nhà, trường học và nâng cao kiến thức của trẻ em về quyền của chúng cũng có thể tạo ra sự khác biệt (2).
Những người xung quanh một cá nhân lạm dụng cũng rất quan trọng. Người lạm dụng có thể tìm kiếm những người bạn “cùng chí hướng” khuyến khích hành vi lạm dụng, hoặc ít nhất là làm cho nó có vẻ ổn và bình thường hơn. Động lực nhóm có thể dẫn đến hành vi lạm dụng ngày càng leo thang – ví dụ như mọi người có thể thực hiện hành vi lạm dụng nghiêm trọng hơn để thể hiện với những người xung quanh. Việc lạm dụng trong một số tổ chức cũng dễ xảy ra hơn, bao gồm cả những tổ chức hoặc cơ sở có ít mối quan hệ chân thành, tích cực giữa người lớn và trẻ em cũng như nơi có hệ thống phân cấp cứng nhắc và mọi người khó được lắng nghe (2).
Tổng kết
Có thể thấy có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến lạm dụng tình dục ở trẻ em. Với vai trò là một thành phần trong xã hội, hiểu lý do tại sao giúp chúng ta tạo ảnh hưởng tích cực hoặc chí ít là không gián tiếp củng cố hành vi của người lạm dụng. Quan trọng hơn hết là giúp bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ nguy hiểm.
Tổng hợp dịch và viết bài: Thu Hà (ha.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Tài liệu tham khảo:
- Why do adults sexually abuse children? https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1678329/pdf/bmj00030-0006.pdf
- Why do people sexually abuse children? https://www.thinkuknow.co.uk/parents/articles/why-do-people-sexually-abuse-children/
- Child Molesters: A Behavioral Analysis https://www.ncjrs.gov/pdffiles1/Digitization/149252NCJRS.pdf
- Pedophilia and Child Sexual Abuse Are Two Different Things — Confusing Them is Harmful to Children https://blogs.bmj.com/medical-ethics/2017/11/11/pedophilia-and-child-sexual-abuse-are-two-different-things-confusing-them-is-harmful-to-children/