CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN TRONG ĐẠI DỊCH COVID
Sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã gây không ít trở ngại cho nhiều quốc gia trên mọi vùng lãnh thổ và đe dọa đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Vì thế việc quan tâm đến sức khỏe tầm thần cũng quan trọng không kém việc chăm sóc sức khỏe thể chất trong thời gian này.
Tổ chức y tế thế giới WHO (2018) đã định nghĩa sức khỏe tâm thần là “không chỉ là không bị mắc các rối loạn về tâm thần, sức khỏe tâm thần là một tình trạng sức khỏe mà mỗi cá nhân nhận thức rõ về khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả, thành công và có thể đóng góp cho cộng đồng’.
Như vậy, nếu sức khỏe tâm thần không ổn định, chúng ta sẽ có nguy cơ mắc phải một số rối loạn tâm lý và gặp khó khăn trong việc sinh hoạt hằng ngày. Hãy sử dụng khoảng thời gian này một cách hiệu quả nhất khi có thể và hãy thử áp dụng một số gợi ý sau đây vào cuộc sống của bạn:
1. Hạn chế đọc nhiều tin tức tiêu cực và sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng.
Trên tất cả các mặt báo online ngày nay đều được phủ sóng với tin tức về số ca nhiễm và tử vong do covid hằng ngày, việc đọc liên tục các tin tức này có thể gây hoang mang và lo lắng cho bạn.
Dù việc cập nhật thông tin là quan trọng, bạn nên hạn chế xem các tin tức này. Thay vào đó, hãy cho thêm các hoạt động tích cực khác vào thời gian biểu.
Mạng xã hội cũng nên được sử dụng cẩn trọng vì các thông tin được đưa lên đó chưa chắc đã chính xác và rõ ràng. Bạn nên cập nhật thông tin ở các trang web chính thống của bộ Y tế hoặc chính phủ.
2. Giữ thái độ bình tĩnh nếu rơi vào trạng thái lo lắng.
Khi thói quen sinh hoạt hằng ngày bị thay đổi như việc phải ở nhà nhiều hơn, bạn có thể sẽ rơi vào trạng thái lo lắng, tuyệt vọng hay chán nản. Hãy nhớ rằng bạn không trải qua cảm giác này một mình và trên thực tế thì đây là cảm giác mà bạn nên trải qua.
Nhà tâm lý học Lisa Damour – một tác giả có sách bán chạy nhất trên New York Times, đã nói ‘Trong một thời gian dài, các nhà tâm lý đã xem sự lo âu là một chức năng khỏe mạnh và bình thường của cơ thể. Nó cảnh báo cho chúng ta về các nguy hiểm hay thử thách sắp xảy ra và giúp chúng ta bắt tay vào việc chuẩn bị các phương án bảo vệ bản thân’ (Unicef, n.d.).
3. Tạo ra các hoạt động mà bạn yêu thích.
Sự lo lắng có thể lấy mất đi thời gian và sự quan tâm dành cho các hoạt động mà bạn yêu thích, hãy lên một danh sách các hoạt động đó và tham gia nhiều nhất có thể. Hãy tự hỏi bản thân liệu từ trước tới giờ có hoạt động này bạn yêu thích mà vẫn chưa làm không? Và hoạt động đó có phù hợp để làm trong thời điểm này không?
Hãy đảm bảo rằng bạn tuân thủ theo các phương pháp phòng chống dịch, luôn rửa tay sạch và hạn chế chạm vào mắt, mũi hay miệng.
4. Chăm sóc cơ thể.
- Tăng thời gian vận động và di chuyển trong không gian an toàn, hoặc tập thể thao mỗi ngày cũng giúp bạn giải tỏa căng thẳng và lo âu hiệu quả. Vận động nhiều sẽ giúp tiết ra hormone endorphin – một loại hormone giúp giảm đau và giúp tâm trạng cảm thấy vui vẻ
- Quan tâm đến cảm xúc của bản thân, đừng né tránh mà hãy quan sát, xoa dịu, chấp nhận và để nó lướt qua.
- Hãy ngủ đủ giấc và uống đủ nước trong một ngày.
- Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga, đồ ăn dầu mỡ vì chúng có thể khiến tâm trạng của bạn tệ hơn.
- Hạn chế sử dụng quá mức bia rượu và các chất kích thích.
5. Thêm các hoạt động giải tỏa căng thẳng như Yoga, thiền định.
Sự hiệu quả của yoga và thiền trong việc giúp cơ thể giải tỏa căng thẳng, tăng sự tập trung, giảm đau nhức cơ khớp, tăng sự lưu thông máu…đã được giới khoa học chứng minh từ nhiều năm nay. Bạn có thể dành thời gian cho 2 hoạt động này mỗi khi thấy căng thẳng. Hãy tham khảo thêm thông tin trên các trang web uy tín hoặc nhờ đến sự trợ giúp cho hoạt động thiền nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu.
6. Giữ sự kết nối với người khác.
Dù phải trải qua giãn cách xã hội và không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với người khác, bạn vẫn có thể duy trì sự kết nối qua các ứng dụng online hoặc các nền tảng mạng xã hội. Hãy chia sẻ cảm xúc và liên hệ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay đội nhóm của bạn hằng ngày. Các hoạt động như chơi trò chơi, xem phim online cùng nhau…cũng rất thú vị.
7. Liên hệ các chuyên gia sức khỏe về trị liệu tâm lý khi cần.
Nếu cảm thấy việc tự giảm sự căng thẳng không hiệu quả, hoặc bạn đang trải qua một chương trình trị liệu tâm lý, hãy liên hệ với chuyên gia sức khỏe của bạn theo đúng lịch đã được đề ra. Hãy tìm đến sự giúp đỡ khi bạn cần và tiêm vaccine covid để bảo vệ chính mình và người khác.
Tổng hợp dịch và viết bài: Kim Anh (anh.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn tham khảo:
Centers for disease control and prevention (CDC), (22 January, 2021). Coping with stress. Retrieved from: www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/daily-life-coping/managing-stress-anxiety.html
Conway Medical Center, (11 May, 2020).7 Ways to Take Care of Your Mental Health During COVID-19. Retrieved from: www.conwaymedicalcenter.com/news/mental-health-during-covid-19/
UNICEF, (n..d). How to protect your mental health during the coronavirus (COVID-19) pandemic. Retrieved from: www.unicef.org/serbia/en/how-protect-your-mental-health-during-coronavirus-covid-19-pandemic
World Health Organization (WHO), (30 March, 2018). Mental health: strengthening our response. Retrieved from: www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/mental-health-strengthening-our-response