TÂM LÝ HỌC VỀ RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ (OCD)
Tại sao một số người lại xuất hiện ám ảnh và cưỡng chế?
Vào một lần trong những năm 1970, khi các nhà tâm lý học mới bắt đầu nghiên cứu chi tiết về ám ảnh và cưỡng chế, họ đã quyết định đưa một người tham gia thực nghiệm có vấn đề ám ảnh kiểm tra nghiêm trọng vào bệnh viện, để các nhà nghiên cứu có thể đo lường và đánh giá các nghi thức kiểm tra nhiều lần trong một môi trường được kiểm soát. Khi anh ta nhập viện, hầu hết các hành vi kiểm tra đã biến mất, và anh thực hiện hoạt động thường ngày của phòng khám một cách khá bình thường, dễ dàng và không có lo lắng. Điều này làm cho các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên.
Ban đầu, nguyên nhân dẫn đến việc mất đi triệu chứng đột ngột và đáng kể này không rõ ràng-có lẽ nó là một sự hồi phục tự phát, phi thường. Nhưng ngay khi anh ấy trở về nhà, tất cả các nghi thức cũ lặp lại một cách nghiêm trọng như trước đây. Rất nhanh sau đó, những điều xảy ra trở nên rõ ràng hơn và điều này làm sáng tỏ cho một trong những nhân tố tâm lý quan trọng nhất gây ra và duy trì hành vi, như cưỡng chế kiểm tra và cưỡng chế tẩy rửa.
Nhiều biện pháp cưỡng chế được kích hoạt bởi vì người mắc rối loạn tin rằng nó sẽ ngăn cản điều tồi tệ xảy đến. Kiểm tra bếp để tránh nguy cơ cháy nổ khí ga, kiểm tra khóa cửa ra vào và cửa sổ ngăn cản việc trộm cắp, rửa tay đến khi trầy da để tránh nhiễm bệnh và khả năng lây bệnh cho người khác. Những hành vi này được cho là trách nhiệm của người kiểm tra và người tẩy rửa để đảm bảo rằng điều xấu sẽ không xảy đến.
Những ai mắc OCD không chỉ có xu hướng cảm thấy có trách nhiệm đảm bảo rằng điều tồi tệ sẽ không xảy đến, mà tinh thần trách nhiệm của họ cao quá mức đến nỗi gây ra cảm giác tội lỗi và xấu hổ về khả năng xảy ra những điều tồi tệ nếu nghi thức cưỡng chế không được hoàn thành đúng cách[1]. OCD là một rối loạn khởi phát chậm, nhưng chúng ta có thể theo dõi sự khởi đầu của ám ảnh và cưỡng chế ở một sự kiện căng thẳng trong đời sống hay một thay đổi trong cuộc sống mang lại nhiều trách nhiệm hơn cho cá nhân, như công việc mới, sinh con hoặc thậm chí là tuổi dậy thì. Nhiều người rất coi trọng trách nhiệm mới của họ và thổi phồng trách nhiệm, để rồi gây lo lắng và thúc đẩy mong muốn nhằm đảm bảo rằng họ không để bản thân và người khác thất vọng vì điều tồi tệ xảy đến.
Những nghiên cứu đầu tiên về OCD thường không khiến những người mắc OCD thực hiện hành vi cưỡng chế và nghi thức trong phòng thí nghiệm như cách họ làm trong những tình huống khác. Cuối cùng, rõ ràng là khi họ ở trong phòng thí nghiệm, những người tham gia sẽ chuyển đổi trách nhiệm cho bất kì điều không may mắn nào xảy đến cho người thực nghiệm, vì vậy họ không cần quan tâm nhiều đến việc kiểm tra và tẩy rửa nữa [2]. Điều này cũng giải thích hành vi của bệnh nhân nằm viện trong đoạn mở đầu – việc nhập viện đã chuyển giao trách nhiệm của những điều không may mắn bất kỳ cho nhân viên bệnh viện.
Trách nhiệm bị thổi phồng là một trong những đặc điểm nhận thức quan trọng nhất của OCD. Đó là lý do tại sao những người kiểm tra hay xem xét lại mọi chuyện và những người tẩy rửa lại thường lau chùi. Nhưng đó cũng là lý do tại sao những người có suy nghĩ ám ảnh thấy những suy nghĩ này có ác cảm – bởi vì nếu họ có suy nghĩ xâm nhập về điều tồi tệ (ví dụ, nếu họ theo tôn giáo mà lại có hành vi xúc phạm, hay ý nghĩ về việc giết chính con ruột của mình), họ tin rằng họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về những suy nghĩ này (mặc dù họ có thể không có khả năng kiểm soát những suy nghĩ xâm nhập như trên), và điều này đẩy mức độ lo âu, tội lỗi và xấu hổ của họ tăng cao. Trị liệu nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy – CBT) nhắm vào mức độ trách nhiệm tăng cao quá mức và cố gắng giảm bớt cảm giác trách nhiệm để dẫn đến kết quả trị liệu đáng kể, thường giảm 50-100% triệu chứng sau một thời gian điều trị[3]
Bây giờ chúng ta sẽ đến với một vài điều khá khác biệt. Điều gì thôi thúc một người giết chết người khác – một đặc điểm nhân cách, một sự thù hận, một cơn giận, một hành vi bốc đồng? Có thể, nhưng Adam Shaw tin rằng anh ấy sẽ giết người với một suy nghĩ. Một ngày nọ, anh ta đi ngang qua quầy lễ tân ở một sân bay tại Arizona và chú ý đến người lễ tân trẻ tuổi ở bàn làm việc.
“Tôi sẽ bóp cổ cô ấy”, anh ấy suy nghĩ. “Điều đó nghĩa là tôi sẽ làm. Vì vậy, tôi là một người nguy hiểm; họ sẽ bắt tôi và tống cổ tôi vào bệnh viện tâm thần hoặc nhà tù. Tôi không thể đẩy suy nghĩ này ra khỏi đầu. Đây thực sự là một suy nghĩ tồi tệ; nó có nghĩa là tôi sẽ làm điều đó”[4]
Không, Adam không giết nhân viên lễ tân, anh ấy chỉ tin rằng nếu anh ấy có suy nghĩ về điều gì đó, đồng nghĩa với việc anh ấy sẽ thực hiện nó. Adam là người sáng lập quỹ từ thiện sức khỏe tâm thần The Shaw Mind Foundation và đồng tác giả của cuốn sách Pulling the Trigger, một cuốn sách đã mô tả quá trình đấu tranh của Adam với OCD[5].
Niềm tin của Adam rằng anh ấy có thể giết người chỉ bởi một suy nghĩ được biết đến là sự hợp nhất suy nghĩ – hành động (thought-action fusion) và đây là một đặc tính phổ biến của những ai xuất hiện triệu chứng của OCD. Đó là niềm tin rằng suy nghĩ và hành động được liên kết với nhau và một suy nghĩ không được chấp nhận cũng có thể ảnh hưởng đến thế giới thực, điều đó nghĩa là có một suy nghĩ về một hành động cũng có giá trị tương đương như một hành động.
Hợp nhất suy nghĩ-hành động là một cách mà trong đó việc đánh giá những suy nghĩ xâm nhập và không mong muốn là có ý nghĩa không chỉ làm tăng cảm giác đau khổ và trách nhiệm, mà còn tăng mong muốn hóa giải và ngăn chặn những suy nghĩ không mong muốn. Như bạn có thể tưởng tượng, hợp nhất suy nghĩ-hành động được biết đến ở mức độ cao hơn ở những cá nhân có OCD hơn những người khác (non-clinical samples)[6]. Không có lý do rõ ràng tại sao một vài người thể hiện sự hợp nhất suy nghĩ-hành động, trong khi một vài người khác thì không, nhưng một vài nghiên cứu cho rằng nó có thể liên quan đến đặc điểm nhân cách như suy nghĩ ma thuật, khi con người có những niềm tin mạnh mẽ vào các hiện tượng tâm linh (như cảm giác rằng họ có thể giao tiếp thần giao cách cảm với người khác) và tin rằng một vài điều có thể ảnh hưởng đến những điều khác theo cách chưa từng được biết đến bởi khoa học[7].
Nhưng khi tạo ra triệu chứng OCD gây đau khổ, hợp nhất suy nghĩ-hành động là một đặc điểm có thể điều chỉnh thành công bởi trị liệu tái cấu trúc nhận thức. Điều này giúp những người mắc phải học cách nhận ra những điều vô lý của hợp nhất suy nghĩ-hành động và thay thế suy nghĩ vô lý (“tôi có thể đi lang thang trên đường và gây ra tai nạn”) thành một suy nghĩ hợp lý và có chứng cứ hơn (“tôi có suy nghĩ này nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi lang thang trên đường và gây ra tai nạn”).
Với ví dụ tiếp theo, tôi (tác giả) muốn bạn dành vài giây để tưởng tượng có một con thỏ xanh trong suốt đang ngồi trên đầu bạn. Bạn đã tưởng tượng xong chưa? Bạn có thể cảm thấy nó đang ngồi đó không? Bạn có thể nhìn thấy màu xanh của nó không? Bây giờ tập trung vào đôi tai có lông tơ, màu xanh lá, trong suốt. Đúng rồi, tiếp theo đếm đến năm, và khi đếm xong, tôi muốn bạn dành 60 giây tiếp theo ngừng suy nghĩ về bất kì điều gì, đừng suy nghĩ hình dáng hay hình dạng của chú thỏ xanh trong suốt đang ngồi trên đầu bạn.
Bạn có cảm thấy khó khăn khi kiềm chế suy nghĩ về chú thỏ tưởng tượng, và bạn có trải nghiệm hình ảnh của con thỏ đột nhiên nhảy vào dòng chảy nhận thức của mình? Đó là những gì nghiên cứu của nhà tâm lý học Dan Wegner chỉ ra. Ông ấy yêu cầu người tham gia thực nghiệm cố gắng không nghĩ đến con gấu màu trắng nhưng ông thấy rằng sau khi được đưa ra hướng dẫn này, họ không thể ngừng suy nghĩ về con gấu trắng[8]. Dường như việc cố gắng kiềm chế suy nghĩ có những tác động nghịch lý như là một chiến lược tự kiểm soát, thường sản sinh ra ám ảnh và mỗi bận tâm mà nó hướng đến.
Phát hiện này có liên quan đặc biệt với OCD khi cá nhân cố gắng kiểm soát suy nghĩ thù địch, xâm nhập bằng cách lờ đi, vô hiệu hóa hoặc đàn áp chúng. Tâm lý gia lâm sàng Paul Salkovskis biện luận về những suy nghĩ không mong muốn, đau khổ có thể chuyển hóa thành ám ảnh khi ức chế suy nghĩ chủ động làm tăng tần suất hay khiến tần số của chúng “tăng trở lại” sau giai đoạn kiềm nén[9]. Sự thất bại trong việc trấn áp những suy nghĩ nhất định sau giai đoạn cố gắng chủ động kiềm nén cũng có tác động gây nên việc tăng đau khổ và lo âu[10]. Nó là một quá trình có ảnh hưởng đáng kể lên triệu chứng OCD của nhiều người.
Cuối cùng, OCD được biết đến như một “rối loạn nghi ngờ”. Những người mắc OCD thường đảm bảo rằng họ kiểm tra, tẩy rửa, và đặt đồ vật một cách có hệ thống xung quanh họ, họ sẽ cần tiếp tục làm điều này bởi vì cảm giác “không đúng lắm.” Đây là cảm giác nghi ngờ dẫn đến hành vi cưỡng chế nghi thức được hoàn thành đầy đủ và thích hợp.
Trong nhiều năm, người ta cho rằng nghi ngờ này có thể được củng cố bởi vấn đề trí nhớ của người bị OCD. Nhưng trớ trêu thay, thay vì trí nhớ kém gây ra việc kiểm tra lặp lại, việc lặp lại kiểm tra gây nên nhiều nghi ngờ về trí nhớ. Ví dụ như cá nhân với triệu chứng OCD sẽ dành nhiều thời gian kiểm tra cả những điều liên quan và vô lý hằng ngày, điều này làm quá tải quá trình điều hành trong não bộ và dẫn đến việc mã hóa thông tin kém và chú ý kém với thông tin liên quan – cả hai điều này cùng nhau sẽ dẫn đến việc giảm trí nhớ[11]
Trên thực tế, một vài người càng kiểm tra thì họ sẽ càng ít tự tin về những gì họ đã kiểm tra! Vì vậy, nghịch lý thay, một trong những triệu chứng của OCD lại trở thành nguyên nhân của nó, có thể tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn, độc hại của việc nghi ngờ và kiểm tra.
Đây là một vài quá trình tâm lý quan trọng làm phát sinh triệu chứng OCD và thường xuyên phải giải quyết trong suốt tiến trình trị liệu. Một lần nữa, chúng tôi nhìn thấy vấn đề dựa trên sự lo âu thường xuyên xung quanh những suy nghĩ méo mó và cách mỗi người giải thích suy nghĩ của mình [13]. Nó cũng minh họa cách suy nghĩ ảnh hưởng đến hành động (như cảm giác trách nhiệm tạo ra những cưỡng chế phức tạp), và hành động cũng ảnh hưởng ngược lại suy nghĩ (bản thân việc cưỡng chế cũng có thể tạo ra sự nghi ngờ) và những mối quan hệ này có thể trở thành một vòng tròn luẩn quẩn duy trì hành vi cưỡng chế và suy nghĩ ám ảnh.
Lược dịch: Lê Thị Thùy Dung (Dung.Le@nucuoitraitim.com)- CTV Ban biên tập NCTT.
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fan page của Nụ Cười Trái Tim”. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn:
Davey, G.C.L. (2019, December 03rd). The Psychology of OCD. Retrieved from https://www.psychologytoday.com/us/blog/why-we-worry/201912/the-psychology-ocd