ÁM ẢNH SỢ LÀ GÌ?
Ai trong chúng ta cũng đều có những nỗi sợ riêng. Người thì sợ chó, người thì sợ máu, hay thậm chí nghe có vẻ kỳ lạ nhưng một số người lại sợ chính những người xung quanh. Sợ thì ai cũng đã từng trải nghiệm qua nhưng ám ảnh sợ (phobia) là gì và nó khác với những nỗi sợ thông thường ra sao? Bài viết sau đây sẽ giới thiệu với bạn về những thông tin cơ bản liên quan ám ảnh sợ.
KHÁI NIỆM SỢ VÀ ÁM ẢNH SỢ
Nỗi sợ là một phản ứng sống còn của con người khi đứng trước những nguy hiểm về thể lý và cảm xúc. Nếu con người không cảm thấy sợ hãi, họ sẽ không thể tự bảo vệ mình trước sự đe dọa. Điều này có nghĩa là nỗi sợ sẽ xảy ra với một lý do cụ thể.
Trong khi đó, ám ảnh sợ là một loại rối loạn lo âu làm cho cá nhân cảm thấy nỗi sợ cực độ, vô lý về một tình huống, động vật sống, nơi chốn hay vật thể.
NGUYÊN NHÂN CỦA ÁM ẢNH SỢ
Vậy điều gì dẫn đến ám ảnh sợ của một người? Tại sao cùng là sợ, nhưng với một vài người đó chỉ là nỗi sợ thông thường, với một vài người khác, nó phát triển thành một rối loạn tâm lý?
Những yếu tố có thể được nhắc đến:
- Yếu tố di truyền: ám sợ có thể xảy ra do ảnh hưởng từ gen di truyền.
- Yếu tố văn hóa: một vài nỗi sợ xuất hiện ở một số nền văn hóa nhất định. Khi nhắc đến việc những loài động vật nguy hiểm như trăn xuất hiện trong nhà tại Úc là một điều hết sức bình thường, nhưng thử tưởng tượng nếu một ngày trong nhà bạn, chú trăn bé bỏng từ đâu bò đến thì sẽ như thế nào?
- Yếu tố hành vi và môi trường: những tình huống trong thực tế có thể góp phần vào nỗi sợ. Giả dụ bạn từng bị chó cắn khi còn nhỏ, bạn có thể xuất hiện ám ảnh sợ động vật (cụ thể là sợ chó).
CÁC LOẠI ÁM ẢNH SỢ CHÍNH
Một trong những kiểu ám sợ được nhắc đến nhiều nhất là ám ảnh sợ chuyên biệt. Có 4 loại ám ảnh sợ chuyên biệt chính:
- Ám ảnh sợ động vật: sợ rắn, các loài gặm nhấm, mèo hay chim
- Ám ảnh sợ y khoa: sợ máu hoặc sợ đến gặp bác sĩ
- Ám ảnh sợ môi trường tự nhiên: sợ sấm chớp, nước, bão,
- Ám ảnh sợ tình huống: sợ độ cao, sợ lái xe, sợ bay
TRIỆU CHỨNG
Theo sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần DSM-V, những triệu chứng của Ám ảnh sợ chuyên biệt (Specific Phobia) là:
A. Sợ hãi hoặc lo âu về một đối tượng hoặc tình huống đặc biệt (ví dụ: đi máy bay, sợ độ cao, sợ động vật, sợ tiêm thuốc, nhìn thấy máu). Lưu ý: ở trẻ em, sợ hãi hoặc lo âu có thể biểu hiện bằng khóc, cáu kỉnh, bất động (freezing), giữ chặt vật gì hoặc bám vào ai đó (clinging).
B. Các đối tượng hoặc tình huống gây ám ảnh sợ hầu hết luôn kích thích gây sợ hãi và lo âu ngay lập tức.
C. Các đối tượng hoặc tình huống gây ám ảnh sợ gây ra né tránh hoặc chịu đựng với sự sợ hãi hoặc lo âu mạnh mẽ.
D. Sợ hãi và lo âu không tương xứng với sự nguy hiểm thực sự của đối tượng hoặc tình huống gây ám ảnh sợ và bối cảnh văn hóa xã hội.
E. Sự sợ hãi, lo âu, né tránh dai dẳng, kéo dài ít nhất 6 tháng.
F. Sự sợ hãi, lo âu, né tránh dai dẳng gây đau khổ hoặc suy giảm rõ rệt chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
G. Rối loạn không thể giải thích tốt hơn do rối loạn tâm thần khác bao gồm các triệu chứng sợ hãi, lo âu, né tránh các tình huống liên quan đến các các triệu chứng giống rối loạn hoảng sợ hoặc các triệu chứng mất khả năng (như trong ám ảnh sợ khoảng trống); đối tượng và tình huống liên quan đến ám ảnh (như trong rối loạn ám ảnh – cưỡng bức); nhắc lại tình huống sang chấn (như trong rối loạn stress sau sang chấn); ra khỏi nhà hoặc tách khỏi người thân (như trong rối loạn lo âu bị chia tách); hoặc các tình huống xã hội (như trong rối loạn lo âu xã hội).
Bạn có thể tham khảo những điều trên đây để đối chứng với những hành vi của mình. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ nghi ngờ gì, để đảm bảo tính chính xác thì bạn nên đến gặp chuyên gia để làm rõ.
NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ LÀM
Vậy phải làm sao để “tiêu diệt” nỗi sợ:
- Cho phép bản thân đối mặt với nỗi sợ 2-3 phút. Khi gặp một điều gì làm chúng ta lo sợ, né tránh là phản ứng dễ thấy nhất. Nếu là một sinh viên, đã bao giờ bạn nói “Thôi thôi, mình không thuyết trình đâu, mình thuyết trình dở lắm” chỉ vì bạn sợ phải đứng trước đám đông. Tuy nhiên, nếu cứ né tránh thì bạn sẽ không bao giờ vượt qua được nỗi sợ đó. Thay vào đó, hãy đối mặt với nó và hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Nếu thuyết trình làm bạn lo sợ, hãy bắt đầu bằng việc trả lời câu hỏi của giáo viên, đảm nhận việc phát quà trong buổi thuyết trình nếu có trò chơi, rồi là 5 phút, 10 phút và cuối cùng dẫn dắt buổi thuyết trình đó.
- Viết xuống cảm xúc của bạn. Viết nhật ký (Journaling) là một trong những biện pháp được sử dụng trong trị liệu tâm lý để giảm lo âu và đã chứng minh được hiệu quả của nó.
- Thừa nhận và khen thưởng cho sự nỗ lực của bạn. Dù chỉ là có tiến bộ một chút nhưng bạn đã cố gắng rất nhiều để đạt được kết quả đó. Cuộc hành trình nào cũng bắt đầu bằng bước chân đầu tiên.
Tổng hợp dịch và viết bài: Thùy Dung (dung.le@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Tài liệu tham khảo
[1] American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (5th ed.). Arlington: American Psychiatric Publishing.
[2]Amatenstein, S. (2020). 6 Tips To Overcoming Anxiety and Phobias. Retrieved from https://www.psycom.net/facing-your-fear
[3]Brazier, Y. (2017). Everything you need to know about phobias. Retrieved from https://www.medicalnewstoday.com/articles/249347
[4]Cherry, K. (2020). Phobia Symptoms, Types, and Treatment. Retrieved from https://www.verywellmind.com/what-is-a-phobia-2795454
[5]Fritscher, L. (2020). Understanding Phobias and Their Possible Causes. Retrieved from https://www.verywellmind.com/what-causes-phobias-2671511[6]Psychology Today. Fear. Retrieved from https://www.psychologytoday.com/intl/basics/fear