KHÁM PHÁ CHỨNG QUÊN TUỔI ẤU THƠ (CHILDHOOD AMNESIA)
Tại sao chúng ta không thể nhớ lại những ký ức đầu tiên thời thơ ấu?
Ký ức đầu tiên thời thơ ấu của bạn là gì?
Vào khoảng 2 tuổi, trẻ em đã có khả năng trả lời các câu hỏi về sự kiện gần đây mặc dù chúng thường cần sự khích lệ một cách kỹ lưỡng để nhớ lại. Trong 4 hoặc 5 năm tiếp theo, trẻ em bắt nhớ lại và mô tả sự kiện quan trọng trong đời một cách tốt hơn.
Đến 7 hoặc 8 tuổi, hầu hết trẻ em có trí nhớ tự truyện phát triển tốt tương đương với tỉ lệ quên thông thường ở người lớn.
Tuy nhiên, khi được hỏi về ký ức sớm, trẻ khó có thể nhớ lại các sự kiện trước độ tuổi 3 hay 4 và những ký ức sớm này thậm chí khó kết nối hơn khi trưởng thành.
Bất kể hàng thập kỷ nghiên cứu, lý do tại sao chứng quên thời thơ ấu xảy ra vẫn là một bí ẩn.
Mặc dù trẻ em có thể được khuyến khích, nhắc nhở để nhớ lại ký ức đầu đời, việc nhớ lại này bị cản trở do trí nhớ sai lầm bởi câu hỏi dẫn dắt và gợi ý vô tình một phần từ người lớn. Với lý do này, Hiệp hội Tâm thần Mỹ (the American Psychiatric Association) đã phản đối trường hợp người lớn nhớ lại sự kiện bị lạm dụng xảy ra ở độ tuổi rất sớm mà không có bằng chứng thể lý xác thực.
Tuy nhiên, với người trưởng thành, việc nhớ lại ký ức trước độ tuổi 3 hay 4 là điều không thể cho dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào để kích thích trí nhớ dù là thông qua việc nhớ tự do hay nhớ có chủ đích (như ngày sinh của một người anh chị em trong gia đình)
Trong thế kỷ vừa qua, nghiên cứu về độ tuổi sớm nhất mà người trưởng thành có thể nhớ lại về một sự kiện cuộc sống đã ổn định đáng kể. Những ký ức này thường bắt đầu ở độ tuổi ba hoặc bốn với số lượng và chất lượng trí nhớ tăng dần theo thời gian.
Phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất để kiểm tra chứng quên tuổi ấu thơ là kỹ thuật từ gợi ý. Được phát triển đầu tiên bởi Francis Galton trong nghiên cứu ban đầu về trí nhớ, kỹ thuật liên quan đến việc cung cấp cho người tham gia một số từ nhất định (ví dụ như chó, mèo hay ghế) và sau đó yêu cầu họ “nghĩ về những ký ức cụ thể” liên kết với từ đó cũng như độ tuổi khi họ trải nghiệm ký ức đó. Phương pháp gợi ý từ thường được sử dụng để kiểm tra trí nhớ tự truyện xuyên suốt cuộc đời của họ.
Bằng cách so sánh việc nhớ lại ở những độ tuổi khác nhau, nghiên cứu trí nhớ đã xác định tỷ lệ quên thông thường xảy ra với ký ức phát triển từ tám tuổi trở đi. Từ cái nhìn đó, chứng quên ở sự kiện ấu thơ thay đổi từng chút một theo thời gian.
Ví dụ như nghiên cứu so sánh khả năng nhớ lại sự kiện ở độ tuổi 20 và 70 với sự kiện ấu thơ cho thấy không có sự khác biệt thực sự trong trí nhớ mặc dù hàng thập kỷ đã trôi qua.
Vậy tại sao chứng quên tuổi ấu thơ lại xảy ra?
Nhiều lời giải thích được đưa ra, bao gồm lý thuyết của Freud rằng chứng quên tuổi ấu thơ được gây ra bởi sự dồn nén ký ức sang chấn xảy ra trong sự phát triển tâm tính dục đầu đời của trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, nhiều nhà lý luận hiện đại tranh luận rằng chìa khóa cho việc quên nằm ở sự phát triển sớm của não bộ. Trong khi những đứa trẻ nhỏ và thậm chí trẻ sơ sinh dường như có khả năng nhớ lại thông tin trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, liên kết những ký ức này với gợi ý ngôn từ càng khó hơn.
Trong một nghiên cứu thú vị về việc nhớ lại ký ức từ thời kì sớm đến giữa ấu thơ, trẻ em từ 7 đến 9 tuổi được phỏng vấn về sự kiện chúng đã nhớ lại trước đây với mẹ khi chúng 3 tuổi. Trong số các trẻ 7 tuổi, 60% nhớ lại cùng một sự kiện trong khi trẻ em được điểm tra ở độ tuổi 8 hoặc 9 nhớ lại chỉ 36% đến 38% các sự kiện.
Điều này chỉ ra rằng chứng quên đối với các sự kiện đầu đời xảy ra nhanh chóng chỉ trong vòng 2 năm. Nhìn chung, trẻ nhỏ dễ quên so với trẻ lớn hơn.
Mặc dù có sự xuất hiện khác biệt về giới tính đối với chứng quên thời thơ ấu, các bé gái thể hiện việc nhớ lại tốt hơn các bé trai, tỷ lệ quên các ký ức ban đầu vẫn được các nhà nghiên cứu tranh luận.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm mục tổng quát (Journal of Experimental Psychology: General), kỹ thuật từ gợi ý được sử dụng để kiểm tra trí nhớ tự truyện ở trẻ em từ 7 đến 11 tuổi và so sánh với người lớn trẻ và trung niên. Nghiên cứu được tiến hành bởi Patricia Bauer và Marina Larkina của Đại học Emory như là kiểm tra về lý do chứng quên tuổi ấu thơ xảy ra.
Bằng việc so sánh tỷ lệ quên giữa trẻ em và người lớn, Bauer và Larkina hy vọng kiểm tra độ tuổi sớm nhất mà trẻ em, sinh viên và người lớn tuổi trung niên có thể nhớ được bằng phương pháp từ gợi ý.
Cùng với tái thực hiện nghiên cứu trước đó về chứng quên tuổi ấu thơ ở trẻ em, xem xét việc nhớ lại ký ức sớm nhất ở người lớn cho phép họ đo lường mức độ ổn định của chứng quên tuổi ấu thơ theo thời gian.
Người tham gia nghiên cứu là 100 trẻ em trong độ tuổi từ 7 đến 11 với 20 trẻ ở mỗi nhóm trong 5 nhóm tuổi (52 bé gái và bé trai). Hai nhóm người lớn bao gồm 20 người lớn mỗi nhóm (độ tuổi trung bình là 19 và 43).
Mỗi người tham gia được kiểm tra bằng cách sử dụng phương pháp từ gợi ý, yêu cầu họ nhớ lại sự kiện cuộc sống liên kết với 1 trong 20 từ gợi ý trung tính. Sau khi mô tả sự kiện, họ được yêu cầu cung cấp chi tiết hơn và nhớ lại độ tuổi của họ khi sự kiện xảy ra cũng như thời điểm trong năm.
Bởi vị phụ huynh của hầu hết những đứa trẻ tham gia đều ở trong phòng, họ có khả năng đưa ra phản hồi bằng văn bản về mức độ chính xác của trí nhớ. Tất cả các sự kiện được ghi lại trong video và được chấm điểm bởi những người đánh giá độc lập.
Kết quả chỉ ra rằng hầu hết những ký ức mà đứa trẻ nhớ lại đều xảy ra trong năm trước nhưng độ tuổi nhớ sớm nhất rơi vào khoảng 3.67 tuổi. Không có sự khác biệt thực sự giữa các nhóm tuổi khác nhau hay hai nhóm người lớn. Ngay cả với những người lớn tuổi, độ tuổi có ký ức sớm nhất cũng không khác nhiều mặc dù hàng thập kỷ đã trôi qua từ thời ấu thơ.
Một phát hiện quan trọng là trẻ em nhanh chóng quên đi ký ức thời ấu thơ nhưng khi trẻ lớn hơn, quá trình quên sẽ chậm lại. Điều này cho thấy rằng số lượng ký ức có sẵn liên quan đến tuổi thơ nhanh chóng bị thu hẹp. Tuy nhiên, với người lớn, do được củng cố tốt hơn nên ít quên hơn.
Vậy điều này có nghĩa là gì trong việc giải thích chứng quên thời ấu thơ? Mặc dù độ tuổi nhớ lại sớm nhất có vẻ ổn định cho cả trẻ lớn và người lớn, việc quên nhanh chóng khiến ký ức ban đầu mờ nhạt dần nghĩa là chứng quên tuổi ấu thơ xuất hiện khá sớm ở trẻ (vào khoảng 7 tuổi). Về lý do tại sao điều này xảy đến, một manh mối quan trọng có thể được tìm thấy trong các báo cáo mà trẻ em cung cấp khi được hỏi về ký ức cụ thể.
Trong nghiên cứu của Bauer và Larkina, trẻ em 7 tuổi cần nhắc nhở nhiều để mô tả sự kiện xảy ra với chúng trong khi trẻ lớn hơn và người lớn cung cấp các câu chuyện phong phú hơn, đầy đủ hơn về lời nói chỉ với ít sự nhắc nhở.
Vì kể lại cho phép chúng ta “diễn tập” những ký ức quan trọng và lưu giữ chúng lâu hơn, trí nhớ không được luyện tập dần không thể kết nối được qua thời gian và cuối cùng, có thể quên đi một cách nhanh chóng.
Khi trẻ em phát triển và trưởng thành hơn, trí nhớ tự truyện đồng thời cũng trưởng thành theo. Đến năm 11 tuổi, trí nhớ tự truyện ở cùng mức độ phát triển với người lớn. Tuy nhiên, trước thời điểm đó, quên xuất hiện nhanh hơn nhiều với người lớn có thể bởi vì trí nhớ không được củng cố khiến những đứa trẻ dễ quên hơn.
Như Bauer và Larkina đã chỉ ra trong phần kết luận của nghiên cứu của họ: “Việc quên nhanh chóng trong suốt thời thơ ấu dẫn đến nguồn ký ức ngày càng thu hẹp ở những ngày đầu đời. Sự phân bố ký ức cho thấy chứng quên thời thơ ấu”.
Cũng giống như nhiều thứ khác mà trẻ em học khi lớn lên, khả năng nhớ lại là một kỹ năng phát triển theo thời gian. Vì vậy, hãy trân trọng những ký ức của tuổi thơ của con bạn và những sự kiện mà tất cả những đứa trẻ đều có thể nhanh chóng quên đi.
Lược dịch: Thùy Dung – CTV Ban biên tập NCTT (Dung.Le@nucuoitraitim.com)
Biên tập: Uyên Phượng
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fan page của Nụ Cười Trái Tim”. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn:
Vitelli, R. (2014, April 14th). Exploring Childhood Amnesia. Retrieved from https://www.psychologytoday.com/us/blog/media-spotlight/201404/exploring-childhood-amnesia