HIỂU VỀ CỘNG ĐỒNG LGBTQI
LGBTQI là một chủ đề nhạy cảm trong xã hội ở các nước đang phát triển nhưng nó đã được nhìn nhận một cách khách quan và khoa học hơn ở các nước phát triển. Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao cộng đồng LGBTQI lại phải đấu tranh thật nhiều để được là chính họ? Họ có khác biệt gì với những người dị tính (yêu người khác giới)? Đời sống tinh thần và cuộc sống hằng ngày của họ thế nào? Họ phải đối mặt với những điều gì từ xã hội? Cộng đồng người LGBTQI trên thế giới hiện như thế nào? Đây có phải là một bệnh rối loạn tâm lý không? Có cần chữa trị không? Nếu có con em hay chính bản thân là người thuộc LGBTQI, tôi phải làm gì? Và ti tỉ câu hỏi khác về chủ đề này sẽ được giải đáp trong series bài viết Hiểu về LGBTQI.
Tôi (tác giả) biết rằng cách bạn nhìn về cộng đồng LGBTQI có thể còn phảng phất sự tiêu cực, nhưng các nhà khoa học trên thế giới đã cho ta biết rằng LGBTQI không phải là một dạng bệnh rối loạn tâm lý cần chữa trị. Từ nằm 1975, Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ đã kêu gọi các nhà tâm lý học đứng lên và xóa bỏ sự kỳ thị về bệnh tâm thần đã đeo bám cộng đồng LGBTQI một thời gian dài.
Nếu bạn là một người thuộc cộng đồng LGBTQI, tôi hy vọng sẽ giúp bạn có được những thông tin hữu ích và giá trị để bạn tự tin đi trên con đường bạn đã chọn. Nếu bạn là một người có người thân hay bạn bè là LGBTQI, xin hãy hỗ trợ tinh thần cho họ. Vì chúng ta ai cũng có mong cầu được sống thật với chính mình và được yêu thương.
“Các bạn ạ, người Mỹ có câu, hãy bảo vệ bản thân bằng tri thức (armed yourself with knowledge). Các bạn thấy thương và thông cảm cho những người đồng tính thôi thì chưa đủ, các bạn còn phải hiểu rằng mình đang bảo vệ cái gì và vì sao mình lại bảo vệ nó. Đừng để cho người khác nghĩ rằng các bạn ủng hộ chỉ là vì phong trào” (Hải Đường Tĩnh Nguyệt, 2015).
Tôi rất tâm đắc đoạn văn trên nên hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích giúp bạn, đặc biệt là bậc cha mẹ, hiểu hơn về cộng đồng LGBTQI một cách khoa học và nhân văn.
- Định nghĩa về LGBTQI.
Những định nghĩa dưới đây được trích dẫn từ bảng giải thích về LGBTQI của Tổ Chức Ân Xá Mỹ (Amnesty USA) (2) và giúp chúng ta biết thêm một số đặc điểm của từng nhóm người thuộc cộng đồng LGBTQI.
Lesbian: là từ được dùng cho những người phụ nữ bị thu hút về mặt tình cảm, tình dục và cảm xúc với người phụ nữ khác. Lesbian còn được gọi là đồng tính nữ.
Gay: là thuật ngữ được dùng cho những người đàn ông bị thu hút về mặt tình cảm, tình dục và cảm xúc với người đàn ông khác. Gay còn được gọi là đồng tính nam. Tuy nhiên, từ này nên được dùng một cách cẩn trọng vì không phải đàn ông nào khi có quan hệ đồng giới cũng là gay. Từ này còn có thể dùng để chỉ toàn thể cộng đồng LGBTQI hoặc những ai không xem họ là người dị tính (yêu người khác giới).
Bisexual: là thuật ngữ được dùng cho những người bị bị thu hút về mặt tình cảm, cảm xúc, ngoại hình và/hoặc tình dục với cả nam và nữ. Sự hấp dẫn này không nhất thiết phải được phân chia rõ ràng và có thể sẽ có sự ưu tiên giới tính này hơn giới tính kia.
Transgender: là thuật ngữ được dùng cho những người chuyển giới từ nam sang nữ hoặc ngược lại. Xu hướng tính dục của họ có thể thay đổi và không phụ thuộc vào bản dạng giới (gender identity).
Queer: có thể đây là thuật ngữ mang nhiều mặt nghĩa nhất vì nó có 3 hàm nghĩa.
- Người bị lôi cuốn bởi những người có giới tính khác nhau, nghĩa là họ có thể yêu người đồng tính nữ, đồng tính nam, người chuyển giới và vân vân.
- Người không tuân theo các quy chuẩn chung về giới tính hay bản dạng giới, và không hoàn toàn dị-tính (yêu người khác giới).
- Chỉ đặc tính của một lớp người biến thiên và thích đa dạng.
Intersex: là thuật ngữ được dùng cho những người mà bác sĩ không thể xác định được giới tính của họ sau khi sinh ra. Intersex còn được gọi là liên giới tính. Ở những người liên giới tính có sự khác biệt trong khuôn mẫu nguyên thủy ở các cặp nhiễm sắc thể (chromosome), tuyến sinh dục hoặc bộ phận sinh dục, nội tiết tố và cơ quan sinh dục bên trong.
- LGBTQI có phải là lệch lạc giới tính, có phải là bệnh và cần chữa trị không?
Lịch sử thế giới đã ghi nhận cộng đồng LGBTQI từng được ví với ‘quỷ dữ’ và trong ngành tâm lý, một số nhà trị liệu đã từng xem đồng tính là một căn bệnh cần phải chữa trị. Nhưng khi xã hội và khoa học phát triển, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ đã đồng ý rằng đồng tính hay lưỡng tính không phải là một căn bệnh rối loạn tâm thần.
Những hành vi đồng tính hay dị tính là những khía cạnh tình dục bình thường của con người và đã được ghi chép lại qua rất nhiều thời đại cũng như ở các nền văn hóa khác nhau. Bất chấp những định kiến đang lan truyền ngoài xã hội, những nghiên cứu lâm sàng trong ngành y truyền thống và các tổ chức sức khỏe tâm thần đã cho thấy những xu hướng tính dục là những trải nghiệm bình thường của con người. Và vì thế, các tổ chức truyền thống từ lâu đã bỏ việc phân loại đông tính là một bệnh rối loạn tâm thần (APA, 2008).
- LGBTQI khác muộn phiền giới tính/bức bối giới (gender dysphoria) như thế nào?
Như bạn đã biết, đồng tính không phải là một bệnh rối loạn tâm thần, tuy nhiên, trong cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần tái bản lần thứ 5 (DSM-V), có một trạng thái mà phần lớn người chuyển giới (Transgender) sẽ trải qua và nên được chữa trị đó là muộn phiền giới tính (gender dysphoria).
Trước đây, muộn phiền giới tính có tên gọi là rối loạn nhận định giới/bản dạng giới (gender identity disorder), nhưng qua một thời gian nghiên cứu, các nhà tâm lý học không coi đây là một dạng rối loạn nữa nên họ đổi từ ‘rối loạn’ (disorder) sang ‘sự muộn phiền’ (dysphoria) (Koh, 2012).
Sự muộn phiền giới tính xảy ra khi một người được sinh ra với một giới tính nhất định và họ cảm thấy không thoải mái hoặc bực bội với giới tính đó. Có thể nói việc không thoải mái với giới tính KHÔNG phải là bệnh, mà hậu quả như lo lắng, trầm cảm, lo âu từ chính sự không thoải mái này mới là điều đáng quan tâm và giải quyết (Turban, 2020). Và các giải pháp để giải quyết sự muộn phiền này có thể kể đến: đổi tên họ theo giới tính mong muốn, đổi thông tin trên các giấy tờ tùy thân, tiêm hóc môn ức chế dậy thì hoặc theo thúc đẩy phát triển theo giới tính mong muốn, và phẫu thuật chuyển sang giới tính mong muốn.
So với người trải qua sự muộn phiền giới tính, người đồng tính có thể không có mong muốn thay đổi giới tính của họ. Và những triệu chứng của muộn phiền giới tính có thể diễn ra rất sớm (2-3 tuổi) (MSD manuals, n.d.), ví dụ như:
- Hay bận đồ của giới khác.
- Nhấn mạnh việc thuộc về giới khác.
- Có ước muốn sau khi thức dậy sẽ trở thành người giới khác.
- Có thiên hướng tham gia các hoạt động của giới khác.
- Cảm thấy không thoải mái và tiêu cực với bộ phận sinh dục của mình.
4. Thông tin về cộng đồng LGBTQI trên thế giới và tại Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, tác giả vẫn chưa tìm thấy một nghiên cứu toàn cầu nào báo cáo cụ thể về số liệu thống kê của cộng đồng LGBTQI. Các báo cáo chỉ tập trung vào các nước nhất định ví dụ như Mỹ. Theo viện Gallup (McCarthy, 2019) – một công ty tư vấn và phân tích có trụ sở ở Mỹ, có gần 23.6% người Mỹ là người đồng tính và trong đó, phụ nữ và người trẻ là đối tượng chiếm số lượng nhiều nhất.
Tại Việt Nam trong những năm gần đây, cộng đồng LGBTQI cũng đã được chú ý nhiều hơn và họ cũng cởi mở hơn trong việc bộc lộ bản thân mình. Nói như vậy không có nghĩa là họ không phải chịu đựng những điều tiếng không đúng về xu hướng tính dục của mình. Khi người trẻ ngày càng hiểu biết về xu hướng tính dục của mình, họ có xu hướng bộc lộ nó nhiều hơn và vô tình điều này đi ngược lại với một số niềm tin truyền thống.
Theo báo Saigoneer (2017), một cuộc khảo sát từ Bộ Y Tế Việt Nam đã ước lượng rằng, tại Việt Nam có gần 270.000 đến 300.000 người chuyển giới (chưa có số liệu về người đồng tính). Có thể thấy cộng đồng LGBTQI ở Việt Nam hoạt động cũng khá sôi nổi trên phương tiện truyền thông, trong các TV show hoặc Youtube (chương trình Come-out) và các sự kiện offline được tổ chức trên cả nước trong vòng 8 năm trở lại đây.
5. Xã hội thay đổi về sự chấp nhận LGBTQI trên thế giới như thế nào?
Ở các nước phát triển như Châu Âu và Mỹ, sự ủng hộ mà cộng động LGBTQI nhận được từ xã hội khá tích cực và có xu hướng tăng dần. Trong một khảo sát kéo dài từ năm 1981 đến 2017 của tiến sĩ Andrew R. Flores (Flores, 2019) về “Sự chấp nhận từ xã hội đối với cộng động LGBT tại 174 quốc gia” đã cho thấy, sự chấp nhận có gia tăng ở 131 quốc gia, 27 quốc gia không có sự thay đổi và 16 quốc gia có xu hướng không ủng hộ.
Ngoài sự chấp nhận từ xã hội, cho đến thời điểm này – 2020, trên toàn thế giới có 30 quốc gia đã thông qua định luật cho phép kết hôn đồng giới. Các quốc gia này bao gồm: Argentina, Úc, Áo, Bỉ, Brazil, Canada, Colombia, Costa Rica, Đan Mạch, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Israel, Luxembourg, Malta, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Portugal, Nam Mỹ, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đài Loan, Anh, Mỹ và Uruguay (Green, 2020).
Tại Việt Nam, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) trên 5.300 người Việt tuổi từ 18-69 tại 8 tỉnh thành năm 2013 cho thấy, có 33.7% người ủng hộ hôn nhân đồng giới (Tuoitrenews, 2014). Một tín hiệu đáng mừng là pháp luật Việt Nam đã không còn liệt kê kết hôn đồng giới vào trường hợp bị cấm mà thay vào đó, khoản 2 điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định: “2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.” (Uyen, 2020). Như vậy, trên mặt pháp lý thì kết hôn đồng giới vẫn chưa được pháp luật đứng ra bảo vệ tại Việt Nam nhưng nó không còn bị cấm hay xử phạt hành chính.
Ngoài ra, từ năm 2012, cộng đồng LGBTQI ở Việt Nam đã có một số hoạt động nổi bật đánh dấu cho sự chuyển mình mạnh mẽ. Trong một báo cáo quốc gia được thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) nhằm đánh giá và phân tích môi trường xã hội và pháp lý cho cộng đồng LGBTQI tại Việt Nam, có 10 sự kiện được cho là ‘dấu ấn’ của cộng đồng LGBTQI (USAID, 2014). Ba trong số đó là (1) sự kiện Việt Pride – chạy xe đạp vòng Thủ Đô Hà Nội để nâng cao nhận thức về sự thấu hiểu và đối xử bình đẳng với cộng đồng LGBTQI, lần đầu tiên tại Việt Nam, (2) vấn đề kết hôn đồng giới lần đầu tiên xuất hiện trên trang nhất của báo Tuổi Trẻ – một tờ báo có số lượng tiêu thụ lớn tại Việt Nam, và (3) điều 37 Bộ luật dân sự năm 2015 đã “cho phép những người đã tiến hành chuyển đổi giới tính trước đó đăng ký lại giới tính thật của mình” (Uyen, 2020).
Ngoài ra cũng có nhiều tổ chức dân sự xã hội được thành lập tại Việt Nam và tập trung nghiên cứu cũng như thúc đẩy, bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBTQI. Các tổ chức này gồm có: Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thành lập năm 2007, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) thành lập năm 1999, Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) thành lập năm 2001. Và vào năm 2008, tổ chức Chia sẻ và Kết nối thông tin (ICS) đã ra đời với sứ mệnh tăng quyền của cộng đồng LGBTQI tại Việt Nam thông qua các hoạt động đa dạng như: tập huấn, hội thảo, tổ chức sự kiện, cung cấp dịch vụ tư vấn, các khóa học nâng cao năng lực và tăng quyền của cộng đồng LGBTQI.
6. Xu hướng tính dục (sexual orientation) là gì?
Theo Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ – APA (2008), xu hướng tính dục là một khuôn mẫu bền vững về sự thu hút ở mặt cảm xúc và tình cảm của một người đối với người khác. Xu hướng tính dục còn liên quan đến cảm nhận về danh tính cá nhân của một người (a person’s sense of identity) dựa trên những sự thu hút này.
Thông thường, xu hướng tính dục được biết đến với 3 dạng: dị tính (heterosexual – yêu người khác giới), đồng tính nam/nữ (gay/lesbian – yêu người cùng giới), và lưỡng tính (bisexual – yêu được cả nam và nữ).
Xu hướng tính dục khác với giới tính sinh học (biological sex – đặc điểm cơ thể vật lý và gen quyết định giới tính nam hay nữ), khác với bản dạng giới (gender identity – cảm nhận của một người về việc họ là nam hay nữ) và khác với vai trò giới trong xã hội (social gender role – những chuẩn mực xã hội giúp xác định những hành vi nữ tính và nam tính).
Sẽ hơi thiếu sót nếu ta chỉ xem xu hướng tính dục là một đặc điểm giống như bản dạng giới, tuổi tác hay giới tính sinh học. Vì xu hướng tính dục được xác định qua những mối quan hệ với người khác. Ví dụ, ta thường bày tỏ xu hướng tính dục của mình qua các hành vi tình cảm như hôn, nắm tay hoặc các nhu cầu sâu sắc về việc được yêu thương, gắn bó và gần gũi. Ngoài những hành vi tình cảm, sự gắn kết trong xu hướng tính dục còn bao gồm những cử chỉ không liên quan đến tình dục như sự hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ những mục tiêu và giá trị sống giống nhau và sự cam kết lâu dài.
Nói tóm lại, xu hướng tính dục là một phần quan trọng trong việc định nghĩa danh tính cá nhân của nhiều người, nhất là người thuộc cộng đồng LGBTQI. Và đây là thứ không phải có thể lựa chọn nên vô tình áp lực đã được tạo ra cho những người có xu hướng tính dục khác biệt.
7. Bản dạng giới (gender identity) là gì?
Theo Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ – APA (2014), bản dạng giới là cảm nhận cá nhân của một người về giới tính của chính họ, và nó không bao gồm hay liên quan đến những gì mà xã hội kỳ vọng. Có người sẽ nghĩ hoặc tin rằng mình là nam khi giới tính sinh học là nữ, hoặc ngược lại. Hay có khi họ tin rằng mình thuộc một giới tính khác.
Hiểu được bản dạng giới sẽ giúp một cá nhân tự tin và sống thật với chính bản thân họ vì nó liên quan đến cách thể hiện giới tính ra bên ngoài, ví dụ như qua quần áo, kiểu tóc, hành vi, giọng nói hoặc các đặc điểm khác trên cơ thể.
Tổng hợp dịch và viết bài: Kim Anh (anh.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn
American Psychology Association (APA), (2008). Sexual Orientation & Homosexuality. Retrieved from: https://www.apa.org/topics/lgbt/orientation
American Psychology Association (APA), (2014). Transgender People, Gender Identity and Gender Expression. Retrieved from: https://www.apa.org/topics/lgbt/transgender
Amnesty Usa, (n.d.). LGBTQI Glosary, Retrieved from: https://www.amnestyusa.org/pdfs/AIUSA_Pride2015Glossary.pdf
Hải Đường Tĩnh Nguyệt, (2015). Muộn phiền giới tính/rối loạn bản dạng giới (gender dysphoria). Retrieved from https://beautifulmindvn.com/2015/10/22/muon-phien-gioi-tinh-roi-loan-dinh-dang-gioi-tinh-gender-dysphoria/
Koh J, (2012). The history of the concept of gender identity disorder. Seishin Shinkeigaku Zasshi, 114(6), tr. 673-680. PMID: 22844818.
Turban, J. (November, 2020). What is gender dysphoria?. Retrieved from: https://www.psychiatry.org/patients-families/gender-dysphoria/what-is-gender-dysphoria
MSD manuals, (n.d). Rối loạn phân định giới tính và Chuyển giới. Retrieved from: https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-t%C3%A2m-th%E1%BA%A7n/t%C3%ACnh-d%E1%BB%A5c,-r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-ph%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%8Bnh-gi%E1%BB%9Bi-t%C3%ADnh,-v%C3%A0-l%E1%BB%87ch-l%E1%BA%A1c-t%C3%ACnh-d%E1%BB%A5c/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-ph%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%8Bnh-gi%E1%BB%9Bi-t%C3%ADnh-v%C3%A0-chuy%E1%BB%83n-gi%E1%BB%9Bi
McCarthy, J. (June 27, 2019). Americans Still Greatly Overestimate U.S. Gay Population. Retrieved from: https://news.gallup.com/poll/259571/americans-greatly-overestimate-gay-population.aspx
Saigoneer, (October 18, 2017). Vietnam Proposes Law to Officially Recognize Transgender People. Retrieved from: https://saigoneer.com/vietnam-news/11557-vietnam-proposes-law-to-officially-recognize-transgender-people
Flores, A. R., (October 2019). SOCIAL ACCEPTANCE OF LGBT PEOPLE IN 174 COUNTRIES 1981 TO 2017. Retrieved from: https://williamsinstitute.law.ucla.edu/wp-content/uploads/Global-Acceptance-Index-LGBT-Oct-2019.pdf
Green, J. (May 20, 2020). These Are the 30 Countries Where Same Sex Marriage Is Officially Legal. Retrieved from: https://www.msn.com/en-us/news/world/these-are-the-31-countries-where-same-sex-marriage-is-officially-legal/ss-BB13Vj6P
Tuoitrenews, (March 27, 2014). 53% protest gay marriage legalization in Vietnam: study. Retrieved from: https://tuoitrenews.vn/lifestyle/18641/50-protest-gay-marriage-legalization-in-vietnam-study
Uyen. D. M., (November 04, 2020). Việt Nam công nhận chuyển giới? Người chuyển giới có được kết hôn không?. Retrieved from: https://luatduonggia.vn/viet-nam-cong-nhan-chuyen-gioi-nguoi-chuyen-gioi-co-duoc-ket-hon-khong/
USAID, (2014). Being LGBT in Asia: Viet Nam country report. Retrieved from: https://www.usaid.gov/sites/default/files/documents/1861/Being_LGBT_in_Asia_Viet_Nam_report_ENG.pdf