SÁU ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN BIẾT VỀ TRẦM CẢM
Bài viết sau đây đề cập đến những điều quan trọng mà bạn cần biết về trầm cảm nhằm giúp loại bỏ những lầm tưởng và quan niệm sai lầm phổ biến về nó.
Theo Viện Sức Khỏe Tâm Thần Quốc Gia ở Mỹ (the National Institute of Mental Health), mỗi năm, 6.7% dân số trưởng thành ở Mỹ trải qua một giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Những ai không thuộc nhóm này hầu như không thể hiểu những gì họ đã thực sự trải qua.
Các thông tin sai lệch đến từ sự thiếu nhận thức và giáo dục về bệnh tâm thần cũng như sự thiếu chính xác trên các phương tiện truyền thông. Tôi (tác giả) hy vọng rằng những điều dưới đây có thể giúp làm rõ một vài lầm tưởng về trầm cảm và đưa ra ví dụ về những điều không nên nói với người bị trầm cảm.
1.Trầm cảm không chỉ là buồn.
Trong cuộc sống, ai cũng buồn nhưng không phải ai cũng trải qua một giai đoạn trầm cảm lâm sàng.
Là một căn bệnh phổ biến của não bộ, trầm cảm không chỉ là buồn mà còn ảnh hưởng đến từng khía cạnh đời sống của người mắc phải. Ngoài ra, trầm cảm còn có thể là một căn bệnh suy nhược và nguyên nhân chính dẫn đến tự sát.
Khi một người rơi vào trầm cảm, ngay cả việc đơn giản như đi tắm dường như cũng trở nên khó khăn với họ, tương tác xã hội cũng như vậy. Họ thường sẽ có cái nhìn méo mó về bản thân và từ đó dẫn đến việc coi những người xung quanh và cả thế giới là kẻ thù, trong đó có cả gia đình và bạn bè họ.
Xét về mặt lí trí, họ có thể biết, rằng họ được yêu thương và thế giới không “chống lại” họ. Tuy nhiên, khả năng hiểu biết và sự lập luận đóng vai trò nhỏ trong bệnh trầm cảm.
Chính cảm giác mặc cảm tội lỗi không thể giải thích được, sự bất lực và tuyệt vọng sâu sắc mới đóng vai trò chủ yếu. Đôi khi, họ có cảm giác buồn, đôi khi không có cảm giác gì cả – chỉ là một sự nặng nề, tê liệt, với viễn cảnh mọi điều từng có thể trở nên tốt đẹp dường như là một điều không thể nữa.
2.Trầm cảm không phải là yếu đuối.
Trầm cảm chắc chắn không liên quan gì đến điểm mạnh hay đặc điểm của một người, nó đơn giản là một căn bệnh như bệnh ung thư hay bất kì bệnh nào khác. Nó được hình thành bởi sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, sinh học, môi trường và nhiều yếu tố tâm lý mà nó vượt trên cả cảm xúc.
“‘Can đảm’ và ‘Quyết đoán’ là những từ thường dùng để mô tả bệnh nhân ung thư. Những người mắc bệnh tâm thần cũng xứng đáng với những lời tôn trọng như vậy.” – Theo trang web Make It OK, một chiến dịch nhằm giảm kỳ thị bằng cách khuyến khích mọi người trò chuyện cởi mở hơn về bệnh tâm thần. Ngoài ra, trang web còn cung cấp thông tin giáo dục xoay quanh bệnh tâm thần và hướng tới mục tiêu làm rõ những lầm tưởng do nhận thức sai lầm gây nên.
Khi ai đó có vấn đề về tim mạch, bạn sẽ không nói với họ câu “cứ suy nghĩ tích cực thì sẽ tránh được chứng phình động mạnh tiếp theo thôi!”. Những câu nói như “đừng buồn nữa” hay bất kì câu nào có nội dung tương tự sẽ tạo nên sự kì thị, phân biệt đối xử, và sự phổ biến của trầm cảm cùng các bệnh tâm thần không được chữa trị khác.
Quy tắc chung: Những điều bạn không nói với người bị bệnh tim thì cũng đừng nói với người bị trầm cảm.
3.Trầm cảm không phải là “vấn đề của các nước thuộc Thế giới Thứ nhất” (tức là không phải chỉ riêng là vấn đề của các nước phát triển và công nghiệp hoá mà thôi)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 350 triệu người trên toàn thế giới mắc chứng trầm cảm. Chiếm khoảng 5% dân số thế giới. Ở các quốc gia đang phát triển, 20% đến 40% phụ nữ trải qua trầm cảm sau sinh – tỷ lệ này gần gấp đôi so với các nước công nghiệp.
Số lượng người nhận ra và báo cáo các triệu chứng hay được chẩn đoán một cách chính xác bởi chuyên gia sức khỏe tinh thần có thể sẽ khác nhau ở những nền văn hóa khác nhau, nhưng những ai thực sự có nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm không bị quyết định bởi quốc gia hay ngoại hình, dân tộc, tuổi tác, kinh tế xã hội, địa vị xã hội, tôn giáo, nghề nghiệp hay học vấn.
Trầm cảm không có gì khác biệt với các bệnh lý khác. Ý kiến rằng tình huống bên ngoài là yếu tố duy nhất đóng góp vào sự phát triển của bệnh liên quan đến não bộ như trầm cảm đã coi nhẹ các yếu tố như gen, sinh học và những yếu tố khác.
Quy tắc chung: nghiên cứu các số liệu thống kê trước khi lan truyền những thông tin sai lệch
4.Trầm cảm, không phải thuốc, giết chết sự sáng tạo.
Một quan niệm sai lầm phổ biến được đưa ra trong cộng đồng sáng tạo là để sáng tạo, người ta phải chịu đựng, vì vậy đã xuất hiện thần thoại về “nghệ sĩ bị tra tấn”. Mặc dù đúng là một vài tác phẩm nghệ thuật xuất sắc được ra đời từ sự đau khổ, nhưng có sự khác biệt giữa việc được truyền cảm hứng khi vượt qua nghịch cảnh và cần chịu đựng đau khổ để sáng tạo thành công.
Kathryn Graddy, giáo sư kinh tế tại Đại học Brandeis, người đã nghiên cứu về ảnh hưởng của tang chế lên sự sáng tạo bằng cách xem những bức tranh được vẽ 2 năm sau cái chết của người thân yêu của nghệ sĩ cho biết “Bạn không phải chịu đau khổ (để sáng tạo), thật ra, như thế có thể tạo ra một tác phẩm không tốt”. Kết quả cho thấy những nghệ sĩ không tạo ra những tác phẩm tốt nhất khi đau khổ, những tác phẩm này được bán với giá thấp tại các buổi đấu giá. Kết luận của Graddy phù hợp với các tài liệu tâm lý liên quan đến cảm xúc và sự sáng tạo.
Việc một người phải chịu đựng đau khổ về mặt cảm xúc và tránh điều trị để có thể sáng tạo không những vô lý và còn có thể nguy hiểm nếu ai đó dừng việc điều trị vì điều đó.
5.Thuốc chống trầm cảm không “biến bạn thành thây ma”
Thuốc chống trầm cảm không “lấy đi nhân cách của bạn” hay “biến bạn thành thây ma”. Giống như những loại thuốc khác, thuốc chống trầm cảm cũng đi kèm với những tác dụng phụ và có thể mất một vài lần thử để tìm ra loại thuốc phù hợp với cơ thể độc đáo của một người.
Mặc dù với sự tiến bộ vượt bật trong công nghệ, chúng ta đã tiến một bước dài trong việc phát triển các loại thuốc hiệu quả mới nhưng nhiều loại trong số chúng vẫn có tác dụng phụ tối thiểu. Bên cạnh đó, trầm cảm không phải lúc nào cũng cần dùng thuốc mà còn có nhiều phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, đặc biệt khi ai đó có khuynh hướng tự sát, thuốc là vị cứu tinh cần thiết. Vì vậy, trước khi nói với ai đó “tránh xa thuốc”, hãy nhớ rằng bạn có thể đang yêu cầu họ đẩy tính mạng của mình đến bờ vực nguy hiểm.
6.Thuốc chống trầm cảm không gây nghiện
Không giống như thuốc chống lo âu hay thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm không gây nghiện. Chúng không tạo cảm giác thèm muốn khi dừng thuốc hay phải tăng liều lượng để đạt được hiệu quả mong muốn. Hệ quả có thể xảy ra khi ai đó đột ngột dừng thuốc là phản ứng sinh lý của cơ thể, tương tự như khi bệnh nhân tiểu đường đột ngột dừng sử dụng insulin. Đó là lý do tại sao các bác sĩ khuyến nghị nên giảm liều lượng từ từ thay vì ngừng ngay lập tức.
Thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc khác có được kê đơn quá mức ở nước ta (đất nước của tác giả) không? Có. Tuy nhiên, điều này không phủ nhận tất cả những sinh mạng mà họ đã cứu được. Không phải ai bắt đầu chế độ dùng thuốc cũng cần tiếp tục lâu dài, nhưng nếu nó cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tự tử, tại sao lại không tiếp tục nếu cần?
Quy tắc chung: Nếu bạn không có tất cả các dữ kiện, hãy từ chối đưa ra lời khuyên không cần thiết.
Chúng ta có thể làm gì?
Đơn giản, hãy có trách nhiệm với lời nói, học hỏi thực tế đang diễn ra, tự giáo dục bản thân và người khác, chúng ta đang có những bước tiến cần thiết để thay đổi cách bệnh tâm thần được nhìn nhận và điều trị trong đất nước của mình và những nước khác. Một lần nữa, hãy nhớ rằng trầm cảm không có sự khác biệt và có thể ảnh hưởng đến bất kì ai bất kì lúc nào, bao gồm những người chúng ta yêu thương. Chúng ta cần biết được rằng kỳ thị và phân biệt đã là quá khứ.
Dịch bởi: Lê Thị Thuỳ Dung (dung.le@nucuoitraitim.com)- Cộng tác viên NCTT.
Biên tập: Th.S Trần Thị Uyên Phượng
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fan page của Nụ Cười Trái Tim”. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn: Abrams, A. (2017, May 22). Six Important Truths About Depression. Retrieved from https://www.psychologytoday.com/us/blog/nurturing-self-compassion/201705/six-important-truths-about-depression