RỐI LOẠN CẢM XÚC THEO MÙA
Rối loạn cảm xúc theo mùa (Seasonal Affective Disorder), hay SAD, là một loại rối loạn trầm cảm chính tái phát định kỳ, trong đó các đợt trầm cảm xảy ra trong cùng một mùa mỗi năm. Tình trạng này đôi khi được gọi là “nỗi buồn mùa đông” (winter blues), bởi vì mẫu hình phổ biến nhất là các giai đoạn trầm cảm xuất hiện vào mùa thu hoặc mùa đông và thuyên giảm vào mùa xuân. Ít phổ biến hơn, SAD xảy ra như một chứng trầm cảm mùa hè, thường bắt đầu vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè và thuyên giảm vào mùa thu. SAD có thể liên quan đến sự thay đổi về lượng ánh sáng mặt trời mà một người nhận được.
Để chẩn đoán SAD, một cá nhân phải đáp ứng các tiêu chuẩn về rối loạn trầm cảm chính trùng với các mùa cụ thể trong ít nhất hai năm. Cá nhân phải trải qua các đợt trầm cảm theo mùa thường xuyên hơn nhiều so với bất kỳ đợt trầm cảm không theo mùa nào khác.
Rối loạn cảm xúc theo mùa ước tính ảnh hưởng đến 10 triệu người Mỹ. 10% đến 20% khác có thể có SAD nhẹ. SAD phổ biến ở phụ nữ gấp bốn lần so với nam giới. Tuổi khởi phát được ước tính là từ 18 đến 30. Một số người gặp các triệu chứng đủ nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và 6% phải nhập viện. Nhiều người có SAD cho biết HỌ có ít nhất một người thân bị rối loạn tâm thần, thường gặp nhất là rối loạn trầm cảm chính (55%) hoặc lạm dụng rượu (34%).
Triệu chứng
Không phải tất cả mọi người có SAD đều có các triệu chứng giống nhau, nhưng theo DSM-5, các triệu chứng thường liên quan đến nỗi buồn mùa đông bao gồm:
- Cảm giác vô vọng và buồn bã
- Suy nghĩ tự tử
- Buồn ngủ bênh lý (Hypersomnia) hoặc có xu hướng ngủ quên
- Thay đổi cảm giác thèm ăn, đặc biệt là thèm ăn ngọt hoặc nhiều tinh bột
- Tăng cân
- Cảm giác nặng ở tay hoặc chân
- Mức năng lượng giảm
- Giảm hoạt động thể chất
- Mệt mỏi
- Khó tập trung
- Cáu gắt
- Tăng độ nhạy cảm với sự từ chối xã hội
- Tránh các tình huống xã hội
Các triệu chứng của SAD mùa hè là:
- Ít có cảm giác thèm ăn
- Giảm cân
- Mất ngủ
- Kích động và lo lắng
Một trong hai loại SAD cũng có thể bao gồm một số triệu chứng xảy ra trong trầm cảm chính, chẳng hạn như cảm giác tội lỗi, mất hứng thú hoặc mất niềm vui trong các hoạt động yêu thích, liên tục cảm thấy vô vọng hoặc bất lực, hoặc có các vấn đề thể chất như đau đầu, đau bụng.
Các triệu chứng SAD có xu hướng tái phát hàng năm vào cùng một thời điểm. Để chẩn đoán SAD, những thay đổi trong tâm trạng không nên là kết quả trực tiếp của các yếu tố gây căng thẳng theo mùa hiển nhiên (như thường xuyên thất nghiệp vào mùa đông). Thông thường, dạng trầm cảm này ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Tuy nhiên, một số người gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng khiến họ không thể thực hiện các chứng năng sống hàng ngày.
Rối loạn cảm xúc theo mùa có thể bị chẩn đoán nhầm là suy giáp, hạ đường huyết hoặc nhiễm virus như tăng bạch cầu đơn nhân.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của SAD đến nay vẫn chưa rõ. Có một số bằng chứng cho thấy nó có liên quan đến mức độ melatonin trong cơ thể, một loại hormone do tuyến tùng tiết ra để điều chỉnh chu kỳ ngủ – thức. Bóng tối kích thích sản xuất melatonin, chuẩn bị cho cơ thể vào giấc ngủ. Khi những ngày mùa đông trở nên ngắn hơn và tối hơn, sản xuất melatonin trong cơ thể tăng lên và mọi người có xu hướng cảm thấy buồn ngủ và lờ đờ hơn.
Ngoài ra, những người có SAD có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh mức độ serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng đến tâm trạng. Cuối cùng, nghiên cứu đã gợi ý rằng những người có SAD cũng có thể sản xuất ít Vitamin D hơn khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời; vitamin D được cho là đóng một vai trò trong hoạt động của serotonin. Thiếu vitamin D có liên quan đến các triệu chứng trầm cảm đáng kể về mặt lâm sàng.
Có một số yếu tố được cho là làm tăng cơ hội một người phát triển chứng SAD. Ví dụ, SAD thường xảy ra hơn ở những người sống xa về phía bắc hoặc nam của đường xích đạo. Ngoài ra, những người có tiền sử gia đình mắc các loại trầm cảm khác có nhiều khả năng bị SAD hơn những người không có tiền sử gia đình như vậy.
Điều trị
Điều trị để giảm bớt các triệu chứng của SAD thường bao gồm sự kết hợp của liệu pháp ánh sáng, bổ sung vitamin D, thuốc chống trầm cảm và tham vấn.
Vì chứng trầm cảm mùa đông có thể là một phản ứng khi thiếu ánh sáng mặt trời, nên liệu pháp ánh sáng dải rộng (broad-band light therapy) thường được sử dụng như một lựa chọn điều trị. Liệu pháp này bao gồm việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo tương tự như ánh sáng ngoài trời trong một khoảng thời gian vào buổi sáng, đòi hỏi phải sử dụng hộp đèn hoặc tấm che sáng đeo trên đầu như mũ lưỡi trai. Cá nhân hoặc ngồi trước hộp đèn hoặc đeo kính che ánh sáng trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày. Nói chung, liệu pháp ánh sáng mất từ 30 đến 60 phút mỗi ngày trong suốt mùa thu và mùa đông. Lượng thời gian chính xác khác nhau tùy theo từng cá nhân. Khi liệu pháp ánh sáng đủ để giảm các triệu chứng và tăng mức năng lượng, cá nhân tiếp tục sử dụng nó cho đến khi có đủ ánh sáng ban ngày, thường là vào mùa xuân. Ngừng liệu pháp ánh sáng quá sớm có thể khiến các triệu chứng quay trở lại.
Khi được sử dụng đúng cách, liệu pháp ánh sáng có ít tác dụng phụ. Các tác dụng phụ phát sinh bao gồm mỏi mắt, nhức đầu, mệt mỏi và khó chịu. Có thể dẫn đến không thể ngủ nếu liệu pháp ánh sáng được thực hiện quá muộn trong ngày. Những người bị rối loạn lưỡng cực, da nhạy cảm với ánh sáng hoặc các tình trạng y tế khiến mắt họ dễ bị tổn thương do ánh sáng có thể không phải là ứng cử viên tốt cho liệu pháp ánh sáng.
Khi liệu pháp ánh sáng không cải thiện các triệu chứng trong vòng vài ngày, thì có thể dùng thuốc và các liệu pháp hành vi như CBT. Trong một số trường hợp, liệu pháp ánh sáng có thể được sử dụng kết hợp với một hoặc tất cả các liệu pháp trên.
Tự chăm sóc là một phần quan trọng trong điều trị. Đối với những người có SAD, điều quan trọng là phải:
- Theo dõi tâm trạng và mức năng lượng
- Tận dụng ánh sáng mặt trời sẵn có
- Lên kế hoạch cho các hoạt động thú vị cho mùa đông
- Lên kế hoạch cho các hoạt động thể chất
- Tiếp cận mùa đông với một thái độ tích cực
- Khi các triệu chứng phát triển, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ sớm hơn
Dịch bài: Thu Hà (ha.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn:
Seasonal Affective Disorder. (2019). Truy cập ngày 15/04/2021, từ https://www.psychologytoday.com/intl/conditions/seasonal-affective-disorder