RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ SỢ LÀM HẠI NGƯỜI KHÁC (HARM OCD) LÀ GÌ?
Ở bài trước, bạn đã biết về ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive disorders), ở bài này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu về một loại OCD khác mang tên là rối loạn ám ảnh cưỡng chế sợ làm hại người khác hay còn gọi là harm OCD ở tiếng anh. Trước khi đi vào bài viết, một tin vui cho chúng ta là chứng rối loạn này có thể chữa trị được và nó cũng khá phổ biến.
- Ám ảnh cưỡng chế sợ làm hại người khác là gì?
Tác giả của bài viết ‘hiểu về rối loạn ám ảnh cưỡng chế sợ làm hại người khác’ trên trang Psychology Today – Stein (2020), đã chỉ ra 3 biểu hiện của chứng OCD sợ làm hại người khác, đó là:
- Có những nỗi sợ hoặc suy nghĩ rằng bạn sẽ làm hại người khác dù là cố ý hoặc vô tình.
- Có những sự lo lắng và sự phân tích lý trí quá mức về những suy nghĩ gây hại đó.
- Có những hành vi cưỡng chế nhằm né tránh nguy cơ gây hại cho người khác (ví dụ như tránh những vật như dao kéo, hay tránh lái xe hoặc ở gần con nít).
Để giúp bạn dễ hình dung, đây là một ví dụ được đưa ra bởi Spiegel (2020) – tác giả của bài viết ‘Ám ảnh cưỡng chế sợ làm hại người khác: những suy nghĩ, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị’.
Joe đang ở trong bếp và cầm một con dao nhọn khi mẹ của cậu bước vào bếp. Joe đột nhiên có một suy nghĩ rằng con dao mà cậu đang cầm có thể được dùng để đâm mẹ của mình. Ý nghĩ này khiến Joe sợ đến tột độ. Những suy nghĩ quấy nhiễu bắt đầu xuất hiện: “Mình có thể đâm mẹ không?”, “Những người bình thường có suy nghĩ này chứ?”, “Có phải tận sâu bên trong mình là một người bạo lực không?”, hoặc “Mình có nên tự nhốt chính mình không?”.
Những suy nghĩ này có thể khiến Joe rất căng thẳng khi tiếp xúc với mẹ và tìm cách né tránh những vật sắc nhọn.
Thật ra, điều này sẽ được xem là bình thường với những người không có OCD, nhưng ở những người có OCD sợ làm hại người khác, họ dường như bị mắc kẹt với những suy nghĩ này và sợ rằng họ sẽ làm theo những gì họ suy nghĩ (Spiegel, 2020). Thậm chí họ có thể nghĩ rằng mình là một người tệ hại vì có những suy nghĩ quấy nhiễu (Stein, 2020).
Và một điều đặc biệt là những người có OCD sợ làm hại người khác không phải là người có tính bạo lực. Thật ra họ cảm thấy những suy nghĩ quấy nhiễu rất phiền và quá sức chịu đựng. Họ có thể sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn những suy nghĩ này. Và điều này trái ngược hoàn toàn với những người bạo lực bởi họ vốn cảm thấy thỏa mãn với việc làm đau người khác.
2. Nguyên nhân gây ra OCD sợ làm hại người khác
Theo trang Trung tâm OCD ở Los Angeles (n.d.), nguyên nhân gây ra chứng OCD này có thể là do cả ngoài môi trường và bên trong cơ thể sinh học của con người. Điều này đúng cho tất cả các loại OCD và với những người được chẩn đoán có OCD thì 10-20% họ hàng thời đầu của họ cũng sẽ có OCD.
3. Tiêu chuẩn chẩn đoán ám ảnh cưỡng chế có suy nghĩ sợ làm hại người khác.
Theo trang Trung tâm OCD ở Los Angeles (n.d.), để chẩn đoán OCD sợ làm hại người khác, chúng ta có thể nhìn đến hai khía cạnh chính sau:
3.1 Các ám ảnh OCD sợ làm hại người khác phổ biến
Như đã viết ở trên, chứng OCD sợ làm hại người khác cũng bắt đầu với những suy nghĩ quấy nhiễu như:
- Tôi sẽ đột nhiên tấn công và hung hăng với những người thân của mình/bạn bè/người lạ/em bé/những người yếu thế/vân vân
- Tôi sẽ thất bại trong việc phản ứng lại với những suy nghĩ về bạo lực hoặc dục vọng và sẽ để lộ ra con quái vật bên trong mình.
- Tôi sẽ đột nhiên có một sự thúc giục không thể kiểm soát trong việc đẩy ai đó vào xe cộ, nhảy ra khỏi cửa sổ, hoặc trải qua sự bốc đồng mà tôi sẽ là người chịu trách nhiệm cho cái chết của chính mình hoặc người khác.
- Tôi sẽ không chịu nổi những ý nghĩ quấy nhiễu và thực hiện hóa những suy nghĩ đó để làm dịu áp lực.
- Tôi sẽ mất đi sự ý thức và trở nên bạo lực rồi sau đó không nhớ gì cả.
- Tôi sẽ không thể rửa sạch hoặc tắt một số thứ như thường lệ và sẽ chịu trách nhiệm khi người khác bị thương hoặc chết.
- Tôi sẽ vô tình làm ngộ độc ai đó.
- Tôi sẽ tông người khác bằng xe của mình và không ý thức được cho đến khi cảnh sát bắt tôi lại.
- Tôi sẽ mất đi sự minh mẫn và tự sát.
3.2 Các sự cưỡng chế OCD sợ làm hại người khác phổ biến
Ngoài những suy nghĩ trên, OCD thường đi chung với những hành động cưỡng chế nhất định. Và ở những người mắc chứng OCD sợ làm hại người khác, đây là những hành động cưỡng chế thông thường:
Kiểm tra
- Liên tục nhìn vào gương chiếu hậu để chắc chắn rằng bạn không tông phải người khác.
- Nhìn lại người đã đi ngang qua mình hoặc kiểm tra xem họ có những dấu hiệu thể hiện rằng họ bị bạn làm hại không.
- Kiểm tra thân thể của bạn về những dấu hiệu của sự vật lộn hoặc những chứng cứ cho việc bạn tự làm hại mình hoặc người khác.
- Kiểm tra xung quanh để chắc chắn rằng không có vật dụng nguy hiểm nào nằm trong tầm nhìn của bạn. Ví dụ như khóa những tủ chứa sao sắc nhọn.
Tránh né
Thông thường sẽ có 4 thứ được người mắc OCD sợ làm hại người khác né tránh:
- Con người: ví dụ như tránh ở riêng với một người họ hàng vì bạn sợ rằng bạn sẽ làm hại anh/cô ấy, hoặc đi leo núi riêng với bạn gái của bạn.
- Nơi chốn: ví dụ như bạn sẽ tránh những trạm dừng xe bus vì bạn sợ rằng bạn sẽ đẩy ai đó xuống đường.
- Đồ vật: ví dụ như tránh né những đồ vật nhọn vì bạn sợ sẽ dùng chúng để làm tổn thương người khác.
- Thông tin: ví dụ như tránh xem hoặc đọc những tin về giết người hoặc có cảnh bạo lực.
Tìm kiếm sự đảm bảo
- Nếu mắc phải OCD sợ làm hại người khác, bạn có thể sẽ hỏi người khác để xác nhận họ tin bạn không phải là một người tồi tệ.
- Hỏi người khác để họ xác nhận rằng bạn không làm hại một ai đó và có lẽ đã quên đi mất.
- Thú nhận những suy nghĩ quấy nhiễu với người khác với hy vọng rằng họ sẽ không tin bạn là người nguy hiểm hoặc tệ bạc.
- Liên tục tìm kiếm sự khác biệt giữa OCD và người có rối loạn nhân cách xã hội (sociopath).
Nghi thức tinh thần (mental rituals)
- Kiểm tra lại suy nghĩ hoặc nghi thức tinh thần là một dạng tìm kiếm sự tự đảm bảo thông qua việc xem xét lại các suy nghĩ và ký ức về những sự kiện để chắc chắn rằng bạn không làm hại người khác. Điều này còn bao gồm cả việc xem xét lại rất nhiều lý do giải thích cho việc bạn có thể đã hoặc không hành động bạo lực.
- ‘Tràn ngập cưỡng chế’ (compulsive flooding) là hành động bạn bắt bản thân mình phải tưởng tượng đến các hành vi bạo lực để bạn cảm thấy ghê tởm với chúng và vì thế sẽ không làm chúng.
- Trung hòa suy nghĩ là hành động bạn cố tình bắt bản thân phải suy nghĩ tích cực hoặc suy nghĩ ngược lại với những suy nghĩ quấy nhiễu.
- Lặp lại hành động là hành vi bạn kết hợp cả sự cưỡng chế ở thể xác và tinh thần. Bạn sẽ lặp lại việc bắt đầu hoặc thêm thời gian cho một hành động cho đến khi hoàn thành để những những suy nghĩ tồi tệ không chen ngang vào.
4. Hướng điều trị.
Ở cả ba bài viết về OCD sợ làm hại người khác (OCD center of Los Angeles, n.d., Stein, 2020 & Spiegel, 2020), các tác giả đều nêu ra một liệu pháp chữa trị OCD sợ làm hại người khác, đó là ngăn chặn phản ứng và tiếp xúc (Exposure and Response Prevention – ERP). Liệu pháp này thuộc vào nhóm trị liệu nhận thức hành vi (CBT) và bao gồm việc tiếp xúc có kiểm soát với những sự kích thích căng thẳng và dưới sự hướng dẫn của nhà trị liệu, bạn sẽ giảm dần phản ứng cưỡng chế với những tác nhân kích thích. Với quá trình diễn ra từ từ này, bạn sẽ học được rằng bạn có thể chịu được những ý nghĩ quấy nhiễu đó mà không cảm thấy phải làm gì để ứng phó với chúng. Ngoài ra, hai liệu pháp khác cũng thuộc CBT là CBT chánh niệm (mindfulness-based CBT) và xây dựng lại nhận thức (cognitive restructuring).
Tổng hợp dịch và viết bài: Kim Anh (anh.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn:
OCD center of Los Angeles, (February 21, 2012). Harm OCD: Symptoms and treatment. Retrieved from: https://ocdla.com/harm-ocd-1-1982
Stein, M. (May 16, 2020). Understanding harm OCD. Retrieved from:
Spiegel, J. (July 17, 2020). Harm OCD: Thoughts, Symptoms, Causes, and Treatment. Retrieved from: https://www.treatmyocd.com/blog/harm-ocd/