RỐI LOẠN CĂNG THẲNG SAU SANG CHẤN Ở TRẺ EM VÀ THANH THIẾU NIÊN
I/ Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Post-traumatic stress disorder – PTSD) là gì? Và vì sao PTSD ở trẻ em và thanh thiếu niên là một vấn đề đáng lưu tâm?
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) là một rối loạn phát triển ở một số người đã trải qua một sự kiện chấn động, đáng sợ hoặc nguy hiểm (1). Các sự kiện có thể dẫn đến PTSD bao gồm: bị tấn công bạo lực, tai nạn, chứng kiến người thân qua đời, chiến tranh, thảm họa tự nhiên…Đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên, các sự kiện sang chấn có thể gặp bao gồm bị bắt nạt, bị bạo hành, bị lạm dụng hoặc tấn công tình dụng, bị bỏ mặc…và dẫn đến những rối loạn tâm lý sau này.
Thuật ngữ PTSD xuất hiện lần đầu trong DSM III năm 1980, xuất phát từ việc các cựu chiến binh Mỹ gặp vấn đề tâm lý sau chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, PTSD đã có từ rất lâu trong ghi chép và quan sát của loài người. Theo số liệu thống kê của NCS- R (Khảo sát Bệnh tật Quốc Gia Tái Lặp – National Comorbidity Survey Replication) ở Mỹ ước tính:
- Có khoảng 3,6% người trưởng thành ở Hoa Kỳ mắc PTSD trong năm qua (2)
- Tỷ lệ mắc ở nữ cao hơn nam (5,2% so với 1,8%) (2)
- Tỷ lệ mắc tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời (lifetime prevalence) là 6,8% (3)
Đó là số liệu ở người lớn, vậy ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi thì sao? Cũng theo thống kê của NCS – A (National Comorbidity Survey Adolescent Supplement) (4)
- Có khoảng 5,0% thanh thiếu niên mắc PTSD và ước tính 1,5% bị suy giảm chức năng nghiêm trọng.
- Tỷ lệ mắc ở nữ cao hơn nam (8,0% so với 2,3%)
Con số thống kê ở trẻ em và thanh thiếu niên lớn hơn so với người lớn, điều này được giải thích dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán mà bạn có thể đọc ở phần sau.
Thanh thiếu niên trong độ tuổi 18 mắc PTSD cho thấy sự suy giảm nghiêm trọng ở các khía cạnh sau: bao gồm các vấn đề về hành vi-cảm xúc tổng thể, các vấn đề liên cá nhân (interpersonal problems), thất bại trong học tập, hành vi tự tử và các vấn đề sức khỏe, cũng như tăng nguy cơ mắc các rối loạn khác. Một phát hiện nổi bật không kém là những thanh thiếu niên từng trải qua sang chấn nhưng không phát triển PTSD cũng cho thấy sự thiếu hụt trong những lĩnh vực này khi so sánh với bạn cùng lứa. (5)
II/ Tiêu chuẩn chẩn đoán
Theo DMS V, cá nhân (trên 6 tuổi) được chẩn đoán PTSD khi đáp ứng các tiêu chí sau đây: (6)
A.Tiếp xúc (phơi nhiễm) với cái chết thực sự hoặc bị đe dọa, chấn thương nghiêm trọng, bạo lực tình dục theo một (hoặc nhiều) cách sau:
- Trực tiếp trải qua (các) sang chấn.
- Chứng kiến tận mắt (các) sự kiện đó xảy ra với người khác.
- Biết rằng (các) sang chấn đã xảy ra với một thành viên gia đình thân thiết hoặc bạn thân. Trong trường hợp một thành viên gia đình hoặc bạn bè chết hoặc bị đe dọa thực sự, thì (các) sự kiện đó phải là bạo lực hoặc là tai nạn.
- Trải qua nhiều lần hoặc tiếp xúc quá mức với các chi tiết gây phản cảm của (các) sự kiện sang chấn (ví dụ: những người lần đầu thấy thu thập hài cốt người; các nhân viên cảnh sát nhiều lần tiếp xúc với các chi tiết về lạm dụng trẻ em).
* Lưu ý: Tiêu chí A4 không áp dụng cho việc tiếp xúc qua phương tiện điện tử, truyền hình, phim ảnh hoặc tranh ảnh, trừ khi việc tiếp xúc này liên quan đến công việc.
B. Sự hiện diện của một (hoặc nhiều) các triệu chứng xâm nhập sau liên quan đến (các) sự kiện sang chấn, bắt đầu sau khi (các) sự kiện sang chấn xảy ra:
- Những sang chấn tái diễn, không tự nguyện và có thể xâm nhập về (các) sự kiện đau buồn. Lưu ý: Ở trẻ em trên 6 tuổi, việc chơi lặp đi lặp lại có thể xảy ra trong đó các chủ đề hoặc khía cạnh của (các) sự kiện sang chấn được thể hiện.
- Những giấc mơ đau buồn lặp đi lặp lại trong đó nội dung và/hoặc ảnh hưởng của giấc mơ có liên quan đến (các) sự kiện đau buồn. Lưu ý: Ở trẻ em, có thể có những giấc mơ đáng sợ mà không có nội dung dễ nhận biết.
- Các phản ứng phân ly (ví dụ: hồi tưởng) trong đó cá nhân cảm thấy hoặc hành động như thể (các) sự kiện đau buồn đang tái diễn. (Những phản ứng như vậy có thể xảy ra liên tục, với biểu hiện cực đoan nhất là mất hoàn toàn nhận thức về môi trường xung quanh) Lưu ý: Ở trẻ em, sự tái hiện cụ thể về chấn thương có thể xảy ra khi chơi.
- Đau khổ tâm lý dữ dội hoặc kéo dài khi tiếp xúc với các dấu hiệu bên trong hoặc bên ngoài tượng trưng hoặc giống với một khía cạnh của (các) sự kiện đau buồn.
- Các phản ứng sinh lý rõ ràng đối với các dấu hiệu bên trong hoặc bên ngoài tượng trưng hoặc giống với một khía cạnh của (các) sự kiện đau thương.
C.Liên tục tránh né các kích thích liên quan đến (các) sự kiện sang chấn, bắt đầu sau khi (các) sự kiện đó xảy ra, thể hiện qua một hoặc cả hai điều sau:
- Tránh né hoặc cố gắng tránh những ký ức, suy nghĩ hoặc cảm xúc đau buồn về hoặc liên quan chặt chẽ với (các) sự kiện sang chấn.
- Tránh né hoặc cố gắng tránh những lời nhắc nhở bên ngoài (người, địa điểm, cuộc trò chuyện, hoạt động, đồ vật, tình huống) khơi dậy những ký ức, suy nghĩ hoặc cảm xúc đau buồn về hoặc liên quan chặt chẽ với (các) sự kiện sang chấn.
D. Những thay đổi tiêu cực trong nhận thức và tâm trạng liên quan đến (các) sự kiện đau buồn, bắt đầu hoặc trở nên tồi tệ hơn sau khi (các) sự kiện sang chấn xảy ra, được minh chứng bằng hai (hoặc nhiều) điều sau:
- Không có khả năng nhớ một khía cạnh quan trọng của (các) sự kiện gây sang chấn (thường là do chứng hay quên phân ly, chứ không phải do các yếu tố khác như chấn thương đầu, rượu hoặc ma túy).
- Niềm tin hoặc kỳ vọng tiêu cực quá mức và dai dẳng về bản thân, người khác hoặc thế giới (ví dụ: “Tôi tồi tệ”, “Không ai có thể tin cậy được”, “Thế giới hoàn toàn nguy hiểm”, “Toàn bộ hệ thống thần kinh của tôi bị hủy hoại vĩnh viễn”) .
- Nhận thức sai lệch, dai dẳng về nguyên nhân hoặc hậu quả của (các) sự kiện sang chấn khiến cá nhân đổ lỗi cho bản thân hoặc người khác.
- Trạng thái cảm xúc tiêu cực dai dẳng (ví dụ: sợ hãi, kinh hoàng, tức giận, tội lỗi hoặc xấu hổ).
- Giảm rõ rệt sự quan tâm hoặc tham gia vào các hoạt động quan trọng.
- Cảm giác xa cách hoặc bị người khác ghẻ lạnh.
- Liên tục mất khả năng trải nghiệm những cảm xúc tích cực (ví dụ: không có khả năng trải nghiệm cảm giác hạnh phúc, hài lòng hoặc yêu thương).
E. Những thay đổi rõ rệt trong kích thích và phản ứng liên quan đến (các) sự kiện sang chấn, bắt đầu hoặc trở nên tồi tệ hơn sau khi (các) sự kiện đó xảy ra, được minh chứng bằng hai (hoặc nhiều) điều sau:
- Hành vi khó chịu và bộc phát sự tức giận (ít hoặc không có khiêu khích), thường được thể hiện bằng lời nói hoặc hành vi gây hấn đối với người hoặc đồ vật.
- Hành vi liều lĩnh hoặc tự hủy hoại bản thân.
- Tăng cảnh giác.
- Phản ứng giật mình phóng đại.
- Các vấn đề với sự tập trung.
- Rối loạn giấc ngủ (ví dụ, khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không yên giấc).
F. Thời gian xáo trộn (Tiêu chí B, C, D và E) là hơn 1 tháng.
G. Sự xáo trộn gây ra đau khổ hoặc suy giảm nghiêm trọng về mặt lâm sàng trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
H. Sự xáo trộn không phải do tác động sinh lý của một chất (ví dụ: thuốc, rượu) hoặc một tình trạng y tế khác.
Ở trẻ em dưới 6 tuổi, tiêu chí chẩn đoán theo DSM V có những thay đổi nhất định khi trẻ chưa thực sự nhận biết được và cần tới sự giúp đỡ của cha mẹ hoặc người chăm sóc, các triệu chứng thể hiện qua giấc mơ, khi chơi trò chơi…
Tuy nhiên, việc chẩn đoán PTSD theo DSM V ở trẻ em từ 6-18 tuổi gặp một số thách thức. Trong bài báo tổng hợp của tác giả Judith A. Cohen cùng các cộng sự năm 2009 (7), ông đã chỉ ra một số thách thức cụ thể như sau:
- tính đặc hiệu của chẩn đoán PTSD. Khi các tiêu chí chẩn đoán PTSD chồng chéo và khó phân biệt với các rối loạn khác chẳng hạn như trầm cảm chính hệ (MDD)…
- trẻ em có triệu chứng và suy yếu nhưng không có đủ các triệu chứng để chẩn đoán PTSD
- những cân nhắc về sự phát triển cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và trẻ em.
- nhiều đánh giá phản ánh sự khó khăn và phức tạp của việc phỏng vấn trẻ em và người chăm sóc về các triệu chứng của PTSD.
Điều này có thể dẫn đến tình trạng trẻ em và thanh thiếu niên bị PTSD nhưng không được chẩn đoán đúng và quan tâm kịp thời.
III/ Nguyên nhân
Trẻ em hoặc thanh thiếu niên có thể bị PTSD sau một trong những sự kiện sang chấn sau: (8)
- Tai nạn tồi tệ, chẳng hạn như tai nạn xe hơi hoặc tàu hỏa
- Các thủ thuật y tế xâm lấn, đặc biệt đối với trẻ em dưới 6 tuổi
- Động vật cắn
- Thiên tai, chẳng hạn như lũ lụt hoặc động đất
- Thảm kịch do con người, chẳng hạn như đánh bom
- Các cuộc tấn công bạo lực cá nhân, chẳng hạn như cướp, hãm hiếp, tra tấn hoặc bắt cóc
- Lạm dụng thể chất
- Tấn công tình dục
- Lạm dụng tình dục
- Bạo hành về cảm xúc tinh thần (emotional bully) hoặc bắt nạt
- Bị bỏ mặc
Tất nhiên không phải đứa trẻ nào trải qua một hoặc các sự kiện trên đều phát triển PTSD. Nó còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự kiện, trẻ có tiếp xúc gần hay không, có thân thiết với nạn nhân của sự kiện không, khả năng phục hồi của trẻ và cả sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng sau sự kiện đó…
IV/ Điều trị
Trước khi bắt tay vào điều trị cho trẻ PTSD, cần có sự phối hợp của nhiều bên, đặc biệt là với trẻ bị lạm dụng (công tác xã hội,cảnh sát,…). Các thông số thực hành hiện tại khuyến cáo rằng phương pháp điều trị đầu tiên cho PTSD ở trẻ em nên là liệu pháp tâm lý (Trị liệu nhận thức hành vi, Trị liệu nhận thức hành vi tập trung vào sang chấn…), và liệu pháp tâm thần nên được coi là một phương pháp điều trị bổ trợ ở những trẻ có các triệu chứng trầm cảm hoặc hoảng sợ đi kèm (9).
Vai trò quan trọng trong điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên có PTSD chính là gia đình. Một số điều gia đình có thể làm bao gồm: (8)
- Thừa nhận rằng sự kiện đã xảy ra. Giả vờ mọi thứ đều bình thường sẽ không giúp ích được gì cho con bạn.
- Hãy nhận sự hỗ trợ và tư vấn. Lúc đầu, một đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên có thể không muốn được tư vấn. Nhưng chúng có thể cần vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau sự kiện đó.
- Giữ tất cả các cuộc hẹn với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của con bạn.
- Nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của con bạn về những nhà cung cấp khác sẽ tham gia chăm sóc con bạn. Con của bạn có thể nhận được sự chăm sóc từ một nhóm có thể bao gồm các nhà tư vấn, nhà trị liệu, nhân viên xã hội, nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần. Nhóm chăm sóc của con bạn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ và mức độ nghiêm trọng của PTSD.
- Cho người khác biết về PTSD của con bạn. Làm việc với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và trường học của con bạn để lập kế hoạch điều trị.
- Tiếp cận để được hỗ trợ từ các dịch vụ cộng đồng địa phương. Liên lạc với các bậc cha mẹ khác có con bị PTSD có thể hữu ích.
- Hãy để ý tất cả các triệu chứng của bệnh trầm cảm và tự tử. Hãy điều trị ngay lập tức. Tự tử là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.
PTSD là một rối loạn tâm lý có nhiều triển vọng có thể hồi phục, do đó cần có sự chẩn đoán và can thiệp sớm, nhất là ở lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên. Hiệu quả điều trị cần có sự phối hợp của nhiều bên, trong đó có vai trò quan trọng của gia đình.
Tổng hợp dịch và viết bài: Thu Hà (ha.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fan page của Nụ Cười Trái Tim”. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Tài liệu tham khảo
- https://www.nimh.nih.gov/health/topics/post-traumatic-stress-disorder-ptsd/index.shtml#part_145372
- https://www.hcp.med.harvard.edu/ncs/ftpdir/table_ncsr_12monthprevgenderxage.pdf
- https://www.hcp.med.harvard.edu/ncs/ftpdir/table_ncsr_LTprevgenderxage.pdf
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20855043/
- https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0890856709640077
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK207191/box/part1_ch3.box16/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3181905/
- https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=post-traumatic-stress-disorder-in-children-90-P02579
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1414752/