RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ (OCD)
- Thực trạng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive disorder – OCD).
Theo trang Beyond OCD (n.d.), OCD là một dạng rối loạn có cơ sở sinh học thần kinh. Dạng rối loạn này ảnh hưởng đến hầu hết mọi người trong xã hội, bất kể tuổi tác, tôn giáo, màu da và sắc tộc. Tại Mỹ, cứ 40 người lớn thì lại có 1 người mắc OCD và con số này là 1/100 ở trẻ em Mỹ (Beyond OCD, n.d.).
Về thực trạng này trên thế giới, theo WHO, OCD là 1 trong 20 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các khuyết tật liên quan đến bệnh tật cho người trong độ tuổi từ 15 đến 44.
Ở Việt Nam ta, dù không có số liệu cụ thể như Mỹ, nhưng chắc chắn khi đọc xong bài này, bạn sẽ tưởng tượng đến một ai đó mà bạn biết có triệu chứng của OCD, hoặc có khi chính bạn cũng đang có những triệu chứng này. Vậy OCD là gì, có nguy hiểm không, nguyên nhân nào gây ra OCD, các dạng rối loạn OCD, và hướng điều trị như thế nào? Hãy đọc tiếp nhé.
- Ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì?
Theo Webmd(b) (n.d.) – một trang chuyên cung cấp thông tin sức khỏe uy tín của Mỹ, OCD là một bệnh tâm thần và nó khiến người mắc bệnh liên tục gặp phải những suy nghĩ hay trạng thái không mong muốn hoặc không kiểm soát được (obsession – nỗi ám ảnh), hoặc một sự thúc giục để làm đi làm lại một điều gì đó (compulsion – sự cưỡng chế).
Như vậy, người có OCD có thể có một trong hai điều trên, hoặc họ sẽ có cả nỗi ám ảnh và sự cưỡng chế. Sự cưỡng chế được thực hiện để giảm đi sự căng thẳng được gây ra bởi nỗi ám ảnh, nhưng sự ‘nhẹ nhõm’ của hành vi cưỡng chế sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (Webmd(a), n.d.).
2.1 Tiêu chuẩn chẩn đoán OCD theo DSM-V
Ở bảng hướng dẫn chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần mới nhất (DSM-V), tiêu chuẩn để chẩn đoán OCD bao gồm các điểm sau (National Center for Biotechnology Information, 2016):
Sự xuất hiện của sự ám ảnh, sự cưỡng chế, hoặc cả hai.
Sự ám ảnh được xác định bởi 2 yếu tố sau:Sự lặp đi lặp lại và dai dẳng của những suy nghĩ, sự thúc giục hoặc hình ảnh gây phiền nhiễu, không mong muốn hoặc không thể kiểm soát, và những điều này gây ra sự căng thẳng hoặc sự phiền não cho người mắc phải OCD. Người có OCD cố gắng phớt lờ hoặc kiềm chế những suy nghĩ, sự thúc giục hoặc hình ảnh phiền nhiễu, hoặc trung hòa chúng bằng một số suy nghĩ hoặc hành động nào đó (ví dụ như làm một hành động cưỡng chế).
Sự cưỡng chế được xác định bởi 2 yếu tố sau: Người có OCD thường lặp lại một số hành động, ví dụ như rửa tay, kiểm tra mọi thứ theo thứ tự, hoặc những hành vi mang tính tinh thần như cầu nguyện, đếm số hoặc nhẩm từ trong im lặng. Những hành vi này được đưa ra để phản ứng lại sự ám ảnh hoặc đi theo những quy luật đã được thiết lập một cách chặt chẽ.
Mục đích của những hành động vật lý hoặc tinh thần là để giảm đi sự khó chịu, căng thẳng hoặc ngăn chặn những sự kiện hay tình huống gây sợ hãi.
Sự ám ảnh hoặc sự cưỡng chế kéo dài hơn 1 tiếng mỗi ngày hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực lên tinh thần và các hoạt động sinh hoạt trong cuộc sống, công việc, và cả các chức năng hoạt động ở lĩnh vực khác.
Sự rối loạn chức năng không được giải thích tốt hơn bởi các triệu chứng của một số bệnh rối loạn tâm thần khác (ví dụ như lo lắng quá mức, như trong rối loạn lo âu lan tỏa; bận tâm về ngoại hình, như trong rối loạn biến đổi cơ thể; khó từ bỏ hoặc chia tay với những vật đang sở hữu, như trong rối loạn tích trữ; bứt tóc, như trong chứng rối loạn giật tóc [rối loạn giật tóc]; bứt da, như trong rối loạn bài tiết; khuôn mẫu, như trong rối loạn chuyển động khuôn mẫu; hành vi ăn uống theo nghi thức, như trong rối loạn ăn uống; mối quan tâm đến chất kích thích hoặc cờ bạc, như trong các rối loạn liên quan đến chất gây nghiện; thôi thúc tình dục hoặc tưởng tượng, như trong rối loạn tình dục; sự bốc đồng, như trong rối loạn gây rối, kiểm soát xung động và hành vi; suy nghĩ tội lỗi, như trong rối loạn trầm cảm nặng; suy nghĩ chèn ép hoặc lo âu ảo tưởng, như trong phổ tâm thần phân liệu và các rối loạn tâm thần khác; hoặc các kiểu hành vi lặp đi lặp lại, như trong rối loạn phổ tự kỷ).
Chỉ định nếu như: có sự hiểu biết tốt hoặc khá: cá nhân nhận ra rằng những niềm tin của họ về sự ám ảnh cưỡng chế chắc chắn đúng hoặc chắc chắn không đúng, hoặc chúng có thể đúng hoặc có thể không đúng.
Có sự hiểu biết không tốt: cá nhân nghĩ rằng những niềm tin về rối loạn ám ảnh cưỡng chế của họ là đúng.
Khi không có sự hiểu biết hoặc có những niềm tin ảo tưởng: cá nhân hoàn toàn bị thuyết phục rằng những niềm tin về sự ám ảnh cưỡng chế là có thật.
Chỉ định nếu như: cá nhân có tiền sử bị bệnh hoặc đang bị bệnh liên quan đến rối loạn tic (tourette).
2.2 Các OCD thường gặp.
Các rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường được phân loại theo chủ đề, ví dụ như:
2.2.1. Các nỗi ám ảnh (obsession) thường gặp:
a. Sợ vi khuẩn hoặc vết bẩn: Bạn có thể sợ phải chạm vào những gì người khác đã chạm, ví dụ như tay nắm cửa. Hoặc bạn không muốn bắt tay hoặc ôm người khác.
b. Nhu cầu sắp xếp đồ vật theo thứ tự: Bạn cảm thấy căng thẳng khi những đồ vật có vị trí lộn xộn. Việc rời khỏi nhà rất khó đối với bạn cho đến khi bạn sắp xếp mọi thứ ngay ngắn.
c. Sợ làm hại bản thân hoặc người khác: Khi bạn đang nghĩ đến một thứ gì đó khác biệt hoàn toàn, bạn có những suy nghĩ về làm hại bản thân hoặc người khác.
d. Nghi ngờ thái quá hoặc sợ mắc phải lỗi sai: Bạn cần ngay sự động viên hoặc sự đảm bảo từ người khác rằng những gì bạn đang làm là ổn.
e. Sợ sự xấu hổ: Bạn sợ có thể bạn sẽ nói những từ không hay ở nơi công cộng hoặc hành xử tệ trong các tình huống xã hội.
g. Sợ những suy nghĩ xấu xa hoặc giận dữ, bao gồm các ý tưởng bị bóp méo về tình dục và tôn giáo: Bạn tưởng tượng đến những viễn cảnh không tôn trọng hoặc rắc rối trong tình dục.
2.2.2. Các loại cưỡng chế (compulsion) thường gặp
a. Lau chùi hoặc rửa: Bạn liên tục rửa tay, tắm hoặc gội đầu.
b. Kiểm tra: Bạn liên tục kiểm tra xem mình đã tắt bếp chưa hoặc khóa cửa khi đi ra khỏi nhà.
c. Đếm: Bạn hay đọc to hoặc đọc nhẩm các con số theo một khuôn mẫu nhất định.
d. Thứ tự: Bạn cảm thấy bạn phải ăn các loại thức ăn theo một thứ tự nhất định. Hoặc bạn sắp xếp tất cả những quần áo hoặc đồ gia dụng trong bếp theo một cách nhất định.
e. Thói quen hằng ngày: Bạn sẽ nói hoặc làm một số thứ một vài lần trước khi rời khỏi nhà.
g. Thu thập và tích trữ: Nhà của bạn luôn chất đầy những thứ bạn không cần tới và bạn không thể ngừng việc mua thêm đồ về nhà.
2.3 Nguyên nhân gây ra OCD
Theo bệnh viện Mayo ở Mỹ (Mayoclinic, 2020), nguyên nhân gây ra OCD vẫn chưa được tìm hiểu rõ, nhưng các lý thuyết chính yếu bao gồm:
- Mặt sinh học: các thay đổi trong hệ sinh hóa tự nhiên của cơ thể hoặc chức năng của não.
- Mặt gen: OCD có thể gây ra bởi một tổ hợp gen nào đó mà đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra được tổ hợp đó.
- Mặt học tập: những nỗi sợ và hành vi cưỡng chế có thể được học lại từ việc quan sát các thành viên trong gia đình hoặc hình thành thông qua thời gian.
2.4 Phân biệt ám ảnh cưỡng chế và ám ảnh sợ (phobias).
Khi một người mắc phải OCD, việc họ tránh phải một vật hay tình huống nào đó là chuyện bình thường và việc này cũng tương tự với người có chúng ám ảnh sợ. Tuy nhiên, khác với ám ảnh sợ, bệnh OCD được xác định bởi sự lo lắng liên tục và căn cứ trên nỗi sợ ngay cả khi nỗi sợ đó đang không ở gần. Và người mắc OCD thường có những ‘nghi lễ’ (sự cưỡng chế) phải được thực hiện theo một cách nhất định (Fritscher, 2020).
Trong khi đó, một người mắc phải ám ảnh sợ sẽ không suy nghĩ nhiều về nỗi sợ đó, trừ khi họ gặp phải nó bằng một cách nào đó. Họ có thể có nỗi sợ đứng trước đám đông nhưng không trải qua cảm giác sợ hãi đó liên tục trong cuộc sống (Fritscher, 2020).
- Hướng điều trị OCD
Theo Webmd(b) (n.d.), nếu bạn có triệu chứng của OCD, bạn có thể đi gặp bác sĩ tâm thần (psychiatrist) và quy trình thăm khám sẽ bao gồm các bước như:
- Bạn sẽ được kiểm tra về sức khỏe vật lý (physical exam) để xem liệu các triệu chứng hiện hữu có phải do một tình trạng sức khỏe nào gây ra không.
- Sau đó là thử máu để xem công thức máu, tuyến giáp hoạt động thế nào và có chất gây nghiện hoặc rượu trong hệ thống cơ thể không.
- Cuối cùng là bài đánh giá hoặc kiểm tra tâm lý về cảm xúc, nỗi sợ, sự ám ảnh, sự cưỡng chế và các hành động phản ứng.
Ngoài cách gặp bác sĩ tâm thần, bạn còn có thể (Webmd(a), n.d.):
- Tham gia các buổi trị liệu tâm lý (psychotherapy): trị liệu nhận thức hành vi (CBT) có thể giúp bạn thay đổi khuôn mẫu suy nghĩ. Với trị liệu ngăn ngừa phản ứng và tiếp xúc (exposure and response prevention), bác sĩ sẽ cho bạn tiếp xúc với tình huống gây căng thẳng hoặc kích thích sự cưỡng chế, sau đó bạn sẽ học cách ngăn chặn những suy nghĩ hoặc hành động gây ra sự ám ảnh cưỡng chế.
- Thư giãn: những thứ đơn giản như thiền, yoga và massage cũng giúp giảm triệu chứng nặng của OCD.
- Dùng thuốc kê đơn từ bác sĩ: các loại thuốc được gọi tên là các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc có thể giúp kiểm soát sự ám ảnh cưỡng chế. Chúng thường mất 2-4 tháng để phát huy sự hiệu quả.
- Điều hòa thần kinh: trong trường hợp thuốc và trị liệu không hiệu quả, bác sĩ có thể đề xuất với bạn việc sử dụng một thiết bị có thể thay đổi hoạt động điện trong một vùng não nhất định. Ví dụ cụ thể là phương pháp kích thích từ xuyên sọ (transcranial magnetic stimulation) đã được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận để chữa trị OCD. Phương pháp này dùng từ trường để kích thích các tế bào não. Hoặc một phương pháp phức tạp hơn là kích thích sâu bên trong não, sử dụng các điện cực dán lên da đầu.
Tổng hợp dịch và viết bài: Kim Anh (anh.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn:
Beyong OCD, (n.d.). Facts about Obsessive compulsive disorder. Retrieved from: https://beyondocd.org/ocd-facts#:~:text=In%20the%20United%20States%2C%20about,and%2044%20years%20of%20age.
Fritscher, L. (March 09, 2020). How phobias differ from other mental disorders. Retrieved from: https://www.verywellmind.com/phobias-or-anxiety-disorder-2671925#:~:text=Obsessive%2DCompulsive%20Disorder&text=People%20with%20OCD%20can%20develop,to%20it%20in%20some%20way
Mayoclinic, (March 11, 2020). Obsessive-compulsive disorder (OCD). Retrieved from: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/obsessive-compulsive-disorder/symptoms-causes/syc-20354432
National Center for Biotechnology Information, (2016). Substance Abuse and Mental Health Services Administration (US); 2016 Jun. Table 3.13, DSM-IV to DSM-5 Obsessive-Compulsive Disorder Comparison .Retrieved from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK519704/table/ch3.t13/
Webmd(a) , (n.d.). How do I know if I have OCD. Retrieved from: https://www.webmd.com/mental-health/understanding-obsessive-compulsive-disorder-symptoms#1
Webmd(b), (n.d.). Obsessive-Compulsive Disorder (OCD). Retrieved from: https://www.webmd.com/mental-health/obsessive-compulsive-disorder#1