TÁC ĐỘNG CỦA GIÃN CÁCH XÃ HỘI DO COVID VÀ CÁC CÁCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN CHO TRẺ EM VÀ THANH THIẾU NIÊN
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chúng ta vẫn hay nhắc đến những từ khóa như kinh tế khó khăn, người lao động mất việc làm, nạn đói nghèo và tệ nạn xã hội. Người trưởng thành dường như là đối tượng được nhắc đến nhiều vì họ là nhân tố chính trong công cuộc phát triển kinh tế. Nhưng chúng ta cũng đừng nên bỏ qua một nhóm đối tượng khác, cũng quan trọng không kém và cũng chịu sự tác động to lớn của Covid-19 lên cuộc sống hằng ngày, đó chính là trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi – vốn chiếm gần 28% tổng dân số thế giới, gần 2.2 tỷ người.
Sự tác động của Covid-19 và sự giãn cách xã hội đã thay đổi hoàn toàn cách thức mà trẻ em học tập và tương tác xã hội, đặc biệt là với các trẻ cần sự hỗ trợ đặc biệt như trẻ tự kỷ, trẻ có tăng động giảm chú ý (ADHD) hay ám ảnh cưỡng chế (OCD). Bài viết này sẽ chỉ ra các tác động của Covid-19 và giãn cách lên hành vi của trẻ em và thanh thiếu niên. Ngoài ra còn một số phương pháp giúp xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên với sự tham gia của bậc cha mẹ, bác sĩ chuyên khoa nhi đồng, giáo viên/chuyên viên tham vấn và chuyên viên chăm sóc sức khỏe tâm thần, tình ngyện viên, tổ chức NPOs/NGOs, Bộ Công An…
Nội dung bài viết được lấy từ bài nghiên cứu lý thuyết tổng hợp về sự ảnh hưởng của Covid-19 và giãn cách xã hội lên sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên (Singh, Roy, Sinha, Parveen, Sharma & Joshi, 2020). Bài nghiên cứu này được Elsevier (công ty xuất bản học thuật, xuất bản tài liệu y học và khoa học) cho phép sử dụng với mục đích cung cấp thông tin hữu ích đến cộng đồng về Covid-19.
Ảnh hưởng lên trẻ em.
Các tác giả của bài nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với trẻ từ 3 – 6 tuổi, đại dịch Covid-19 đã khiến các em đeo bám và phụ thuộc vào cha mẹ hơn và phát triển nỗi sợ người thân bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, đối với nhóm trẻ từ 6 – 18 tuổi, các em đã trải qua sự thiếu tập trung và không ngừng đặt câu hỏi về đại dịch. Nhìn chung, các triệu chứng thường thấy ở trẻ em là sự bất an, sợ hãi và cô lập. Ngoài ra, một số trẻ còn bị mất ngủ, ngủ chập chờn, gặp ác mộng, giảm cảm giác thèm ăn và dễ trở nên kích động.
Ảnh hưởng lên học sinh và sinh viên.
Việc đóng cửa các trường học đã ảnh hưởng đến 91% các học sinh, sinh viên trên toàn thế giới. Việc giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc các em sẽ phải ở nhà trong một thời gian dài, nhiều thanh thiếu niên đã trở nên lo lắng và bất an với quá trình thi cử, học tập, và với việc thiếu đi các hoạt thể chất ngoài trời cũng như giao tiếp xã hội với bạn bè đồng trang lứa. Sự ảnh hưởng này cũng gây ra sự chán chường, kém sáng tạo trong các hoạt động học tập và ngoại khóa.
Vì phải ở nhà nhiều nên sự tương tác với mạng Internet ngày càng tăng, cha mẹ phải hết sức lưu ý vì trẻ có thể truy cập vào các trang web có nội dung không phù hợp hoặc trở thành nạn nhân của nạn bắt nạt trên mạng. Một tình huống tệ hơn là khi trường học và các dịch vụ về pháp luật không hoạt động hiệu quả, những trẻ em sống trong gia đình có tiền sử bạo hành sẽ không thể báo cáo với các cơ quan liên quan được.
Ảnh hưởng lên trẻ em và thanh thiếu niên cần sự chăm sóc đặc biệt.
Sự khó khăn trong việc ứng phó với những thay đổi do Covid mang đến dường như lớn hơn đối với những trẻ mắc phải một số dạng bệnh lý/rối loạn như phát triển thần kinh, tự kỷ, tăng động giảm chú ý, ám ảnh cưỡng chế, bại não, khuyết tật học tập, hạn chế phát triển và có khó khăn về hành vi cà cảm xúc.
Một sự thay đổi nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày cũng khiến các em trở nên dễ bị kích động, và gặp khó khăn trong việc làm theo sự hướng dẫn, hiểu về sự phức tạp của đại dịch và tự hoàn thành một việc gì đó. Ngoài ra, việc đóng cửa các trường dạy học đặc biệt khiến những triệu chứng/rối loạn cũ của các em có nguy cơ tái phát cao. Điều này có thể khiến các em trở nên nhạy cảm, giận dữ và gây ra các cuộc xích mích với bậc cha mẹ.
Những trẻ mắc phải tự kỷ có thể cảm thấy rất khó để hòa nhập với việc giãn cách vì môi trường sinh hoạt hằng ngày ở trường đã thay đổi. Trẻ có thể thể hiện các hành vi tiêu cực và làm hại bản thân. Vì không thể tham gia các buổi trị liệu ngôn ngữ và châm cứu trực tiếp, quá trình phát triển kỹ năng và đạt được một số cột mốc quan trọng của trẻ tự kỷ cũng bị ảnh hưởng. Giống như trẻ tự kỷ, trẻ mắc phải chứng tăng động giảm chú ý cũng cảm thấy khó hiểu trước những gì đang diễn ra. Việc ‘bị nhốt ở nhà’ khiến trẻ không thể khám phá, chạm vào các vật khác được. Điều này có thể làm gia tăng sự tăng động và bốc bồng trong hành vi, và gây cản trở cho bậc cha mẹ trong việc thuyết phục trẻ tham gia các hoạt động có ý nghĩa. Đối với những trẻ hay người mắc phải rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), những sự ám ảnh và hành vi liên quan đến sự ô nhiễm, tích trữ (đồ đạc) và rối loạn dạng cơ thể có thể khiến mức độ căng thẳng gia tăng nhiều.
Ảnh hưởng lên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Cuộc sống bấp bênh và việc đến trường bị gián đoạn bởi Covid-19 có thể đẩy rất nhiều trẻ em ở các nước đang phát triển, có hoàn cảnh khó khăn vào con đường lao động sớm, nạn bóc lột hoặc nạn bạo hành. Sự bảo vệ, môi trường an toàn, chất lượng sống và nguồn dinh dưỡng của các em có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này có nguy cơ dẫn đến căng thẳng kéo dài, rối loạn lo âu hoặc hành vi tự tử và đe dọa đến sức khỏe thể chất và tâm thần của các em. Việc học tập của trẻ có hoàn cảnh khó khăn cũng gặp trục trặc không nhỏ vì không phải gia đình nào cũng có những máy móc điện tử cần thiết để con em họ tiếp cận đến các nguồn học online.
Ảnh hưởng của sự chia cách khỏi cha mẹ do cách ly.
Ở Việt Nam thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều hình ảnh về các em bé bị cách ly trong khu tập trung, hoặc có những gia đình mà cha mẹ phải đi cách ly và vì thế không thể ở bên con mình trong hơn 10 ngày. Đối với trẻ em, sự hiện diện của cha mẹ rất quan trọng trong những năm đầu đời. Sự chia tách có thể khiến trẻ buồn bã, dễ bị tổn thương và gây ảnh hưởng đến nhận thức về sự gắn bó trong thời gian dài. Ngoài ra, trẻ có thể phát triển các nỗi sợ về sự mất mát của người thân, sợ cái chết, sợ bị cách ly trong bệnh viện và trở nên lo lắng hay buồn phiền. Hành vi của trẻ vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng, các bậc cha mẹ và người chăm sóc thay thế nên hiểu và cảm thông, từ đó tìm cách giúp các em cùng vượt qua những cảm xúc hay suy nghĩ tiêu cực.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Để giúp trẻ em và thanh thiếu niên thích ứng tốt hơn với đại dịch, sự chung tay từ gia đình và xã hội là điều cần phải có. Sau đây là một số thông tin về hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên, được trích trong bảng 2, bài nghiên cứu lý thuyết tổng hợp về sự ảnh hưởng của Covid-19 và giãn cách xã hội lên sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên (Singh, Roy, Sinha, Parveen, Sharma & Joshi, 2020). Bảng thông tin này cho chúng ta biết về vai trò của cha mẹ, bác sĩ chuyên khoa nhi đồng, giáo viên/chuyên viên tham vấn và chuyên viên chăm sóc sức khỏe tâm thần đối với trẻ em và thanh thiếu niên trong đại dịch.
Đối với trẻ em.
+Cha mẹ: hãy là những bậc cha mẹ khỏe mạnh, tạo ra và tham gia cùng con trong các hoạt động vui chơi, học tập tương tác tại nhà, dạy con cách giữ vệ sinh thân thể và phòng ốc sạch sẽ, giúp con duy trì các hoạt động sinh hoạt hằng ngày một cách nhất quán, và khuyến khích các hành vi tích cực.
+Bác sĩ chuyên khoa nhi đồng: chẩn đoán các trẻ dễ bị tổn thương, giáo dục và cung cấp thông tin cho cha mẹ về sự phát triển nhu cầu của trẻ, về cách quản lý sự căng thẳng và lo âu của trẻ, và giới thiệu trẻ đến với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần nếu cần thiết.
+Giáo viên/chuyên viên tham vấn học đường: giáo dục trẻ về Covid-19 và sức khỏe tâm thần, hợp tác với cha mẹ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần.
+Chuyên viên chăm sóc sức khỏe tâm thần: cung cấp giáo dục tâm lý thông qua tham vấn bằng điện thoại, định hướng nhanh các bài chẩn đoán hay đánh giá tâm lý cho bác sĩ chuyên khoa nhi đồng, cung cấp dịch vụ tham vấn qua điện thoại, cung cấp dịch vụ tham vấn trực tiếp và tuân theo các quy định phòng chống dịch.
Đối với học sinh và sinh viên.
+Giáo viên/chuyên viên tham vấn học đường: giảng dạy kỹ năng sống, giáo dục về covid-19, đẩy mạnh thông điệp chăm sóc sức khỏe tâm thần, giới thiệu các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần nếu cần thiết.
+Cha mẹ: luyện tập cách giao tiếp lành mạnh và cách thích ứng tích cực, vệ sinh cá nhân và phòng ốc sạch sẽ, trở thành một hình mẫu tích cực.
+Bạn bè đồng trang lứa: trở thành một nơi cung cấp sự giúp đỡ và giải quyết vấn đề cùng nhau.
+Hệ thống hỗ trợ online: trở thành một nơi cung cấp sự giúp đỡ, giới thiệu các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần nếu cần thiết.
+Chuyên viên chăm sóc sức khỏe tâm thần: tham vấn qua điện thoại, cung cấp các buổi định hướng cho giáo viên, tạo ra các tài liệu cho giáo viên và chuyên viên tham vấn học đường để đẩy mạnh thông điệp chăm sóc sức khỏe tâm thần, đào tạo kỹ năng sống, hợp tác với cha mẹ.
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên cần sự chăm sóc đặc biệt.
+Cha mẹ: tham gia vào việc quản lý hành vi của con, giúp con duy trì các hoạt động sinh hoạt hằng ngày một cách nhất quán, và khuyến khích các hành vi tích cực.
+Trường dạy trẻ đặc biệt: giáo dục về Covid-19, đẩy mạnh thông điệp chăm sóc sức khỏe tâm thần, giới thiệu các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần nếu cần thiết.
+Các tình nguyện viên cộng đồng: xác định các em có nguy cơ cao, cung cấp sự hỗ trợ về mặt tâm lý, hợp tác với người chăm sóc trẻ, giới thiệu các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần nếu cần thiết.
+Chuyên viên chăm sóc sức khỏe tâm thần: cung cấp dịch vụ tư vấn qua điện thoại, cung cấp các buổi can thiệp tập trung vào cha mẹ và sức khỏe tổng thể, cân đo mặt lợi – hại của các thuốc hướng thần.
Đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
+Cha mẹ: hãy là bậc cha mẹ khỏe mạnh để hỗ trợ trẻ, giải quyết vấn đề.
+Các tình nguyện viên cộng đồng: cung cấp sự hỗ trợ về mặt tâm lý và tài chính nếu có thể, hợp tác với người chăm sóc trẻ, giới thiệu các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần nếu cần thiết.
+Bộ công an và các tổ chức NPOs: xác định các em có nguy cơ cao, hợp tác với người chăm sóc trẻ, giới thiệu các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần nếu cần thiết.
+Chuyên viên chăm sóc sức khỏe tâm thần: cung cấp tài liệu giúp các tình nguyện viên cộng đồng và tổ chức NPOs xác định trẻ có nguy cơ cao, cung cấp sự hỗ trợ về mặt tâm lý và tài chính nếu có thể, hợp tác với người chăm sóc trẻ, giới thiệu các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần nếu cần thiết.
Đối với trẻ phải cách ly khỏi cha mẹ.
+Cha mẹ: Hãy giữ liên hệ với trẻ nhiều nhất có thể, thể hiện cho trẻ thấy bạn luôn hỗ trợ trẻ và vững chãi.
+Các tình nguyện viên cộng đồng: giữ liên hệ và hợp tác với người chăm sóc trẻ, giới thiệu các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần nếu cần thiết.
+Cha mẹ nuôi của trẻ: thể hiện sự hỗ trợ, vững chãi và giáo dục trẻ.
+Chuyên viên chăm sóc sức khỏe tâm thần: xây dựng và quản lý các bảng câu hỏi để phát hiện các triệu chứng của rối loạn tâm lý nếu trẻ hoặc ba mẹ của trẻ bị cách ly, cung cấp thêm sự hỗ trợ và các liệu pháp can thiệp đặc biệt.
Tổng hợp dịch và viết bài: Kim Anh (anh.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn tham khảo:
Singh, S., Roy, D., Sinha, K., Parveen, S., Sharma, G., & Joshi, G. (2020). Impact of COVID-19 and lockdown on mental health of children and adolescents: A narrative review with recommendations. Psychiatry research, 293, 113429. doi: 10.1016/j.psychres.2020.113429