HIỂU VỀ TRẦM CẢM
“Trầm cảm là một nhà tù mà ở nơi đó, bạn vừa là tù nhân phải chịu đựng bao đau thương vừa là một người cai ngục tàn độc” -Dorothy Rowe-
Hầu hết các vụ tự sát trên thế giới đều liên quan đến các bệnh tinh thần như trầm cảm, rối loạn sử dụng chất và loạn thần được xem như là yếu tố có nguy cơ liên quan nhất(2) . Vậy liệu rằng trầm cảm có thực sự nguy hiểm đến như vậy? Nguyên nhân của trầm cảm là gì? Cũng là buồn thôi mà, tại sao họ lại dại dột kết liễu đời mình đến như thế? Sau đây là dẫn chứng về một vài trường hợp đáng tiếc đã từng xảy ra:
Ngày 11.8.2014, Williams – một danh hài người Mỹ từng đoạt giải thưởng Hollywood và gặt hái được nhiều thành công từ các dự án phim đã tự sát tại Paradise Cay, California.(1)
Ngày 3.6.2013, Jiah Khan – một nữ diễn viên Bollywood người Ấn Độ treo cổ tự tử trên một chiếc quạt trần trong phòng ngủ của gia đình cô tại tòa nhà Sagar Sangeet ở Juhu, Mumbai.(1)
Và, còn vô số những vụ tự tử vì trầm cảm khác.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA NỖI BUỒN THÔNG THƯỜNG VÀ TRẦM CẢM
Nỗi buồn là một trạng thái cảm xúc của con người. Ai trong chúng ta cũng đã từng buồn vì một lý do nào đó. Nỗi buồn thường xuất hiện sau một vài sự kiện cụ thể nào đó như khi cãi nhau với bạn bè, người thân hay bị điểm kém và thường được giải tỏa sau một khoảng thời gian ngắn. (3)
Vậy còn trầm cảm là gì? Trầm cảm là một rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến, một trạng thái cảm xúc, tinh thần bất thường ảnh hưởng đến cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta (3) . Theo thống kê của Global Burden of Disease, Injuries and Risk Factor vào năm 2017 toàn cầu có hơn 264 triệu người ở mọi độ tuổi bị trầm cảm (4) .Có nhiều loại trầm cảm khác nhau như trầm cảm chủ yếu, trầm cảm theo mùa, trầm cảm dai dẳng,… Tùy vào số lượng và mức độ của triệu chứng cũng như thời gian mà sẽ có những chẩn đoán khác nhau đối với người bị trầm cảm. Và nỗi buồn trong trầm cảm là để chỉ một triệu chứng.
TRẦM CẢM CHỦ YẾU
Trầm cảm chủ yếu là một trong những rối loạn trầm cảm phổ biến nhất hiện nay. Theo một nghiên cứu vào năm 2017, có khoảng 16.2 triệu người trưởng thành Mỹ trải qua ít nhất một pha trầm cảm chủ yếu (5) . Những người trầm cảm thường đặc trưng bởi các vấn đề về cảm xúc, hành vi, thể lý và nhận thức
Trầm cảm chủ yếu có ít nhất năm trong chín triệu chứng sau trong vòng ít nhất 2 tuần:
1. Khí sắc trầm buồn hầu hết cả ngày.
2. Giảm hứng thú trong hầu hết các hoạt động.
3. Tăng hoặc giảm cân quá mức.
4. Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
5. Kích động thể lý.
6. Mệt mỏi hoặc giảm năng lượng.
7. Cảm thấy không có giá trị hoặc tội lỗi quá mức.
8. Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung.
9. Suy nghĩ về cái chết, tự tử hoặc thực hiện hành vi tự xác.
Trong đó, có ít nhất một trong hai triệu chứng đầu tiên. (6)
Biết được những triệu chứng này bạn sẽ hiểu rõ hơn về trầm cảm không chỉ có buồn và tự sát mà còn đi kèm theo các triệu chứng cũng như điều kiện thời gian khác. Tuy nhiên, biết được không có nghĩa là bạn có thể tự chẩn đoán cho mình. Để đảm bảo tính chính xác của vấn đề, bạn có thể tìm đến chuyên gia để nhờ giúp đỡ.
MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP GIÚP ĐƯƠNG ĐẦU VỚI TRẦM CẢM
- Tìm kiếm những mối quan hệ hỗ trợ (7)
Một người thân hay một người bạn luôn đồng hành cùng bạn trên chặng đường khó khăn này sẽ là nguồn động lực rất lớn để bạn có thể vượt qua tất cả. Vai trò của bạn bè rất quan trọng. Họ không nhất thiết phải làm gì cả, chỉ cẩn ở đó, bên cạnh chúng ta, lắng nghe những câu chuyện của mình. Đôi khi, đó cũng có thể là một nhóm cộng đồng trên mạng cùng giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ nỗi buồn. Mặc dù mọi người không hề quen biết nhau nhưng đều mang trong mình một vết thương. Hoặc đơn giản hơn, trên mạng xã hội có nhiều nhóm, trang tâm lý hỗ trợ, bạn có thể gửi ẩn danh câu chuyện của mình để nhận được lời khuyên. Bên cạnh đó
- Làm những gì bạn ưa thích (7)
Có thể là chơi với thú cưng, nghe một bản nhạc, đọc một cuốn sách, trồng cây,… Hãy làm những gì mà bạn cảm thấy thoải mái và hòa mình vào trong đó, quên đi nỗi buồn, giảm căng thẳng, lo âu trong cuộc sống. Bạn có thể làm bất kì điều gì, chỉ cần bạn thấy thích.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia
Đây có thể là một trong những lựa chọn tối ưu nhất. Những chuyên gia như các nhà trị liệu, tham vấn tâm lý đã được qua đào tạo, họ biết họ cần phải làm gì để giúp bạn giải quyết vấn đề của mình và bạn cũng có thể yên tâm hơn, vì bên cạnh bạn có một người đồng hành đáng tin cậy.
Nếu như vì một lý do bạn không thể đến trực tiếp các trung tâm tham vấn hay bệnh viện, bạn có thể dùng dịch vụ tư vấn, hỗ trợ online.
ĐÔI LỜI TỪ NGƯỜI VIẾT
Thật không dễ gì để chịu đựng trầm cảm và càng khó khăn hơn để vượt qua nó. Dù bạn là ai, một người đang phải chịu đựng những pha trầm cảm, một người chứng kiến bạn bè, người thân của mình bị trầm cảm hay chỉ là một người quan tâm đến trầm cảm, hãy cùng chung tay biến sự chịu đựng, lòng thương cảm của mình thành sức mạnh để vượt qua cơn giông tố mang tên “trầm cảm” này.
___
Viết và tổng hợp: Thuỳ Dung – CTV Ban biên tập NCTT
Dung.Le@nucuoitraitim.com
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fan page của Nụ Cười Trái Tim”. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Tài liệu tham khảo
[1] Thảo My. (2020). Những Vụ Tử Tự Vì Trầm Cảm Gây Sốc Của Các Ngôi Sao Thế Giới. [online] Laodong.vn. Retrieved from https://laodong.vn/the-gioi/nhung-vu-tu-tu-vi-tram-cam-gay-soc-cua-cac-ngoi-sao-the-gioi-760278.ldo
[2] Bachmann S. Epidemiology of Suicide and the Psychiatric Perspective. Int. J. Environ. Res. Public Health. 2018;15:1425. doi: 10.3390/ijerph15071425
[3] Fuller, K. (2019, Oct 17th). The Difference Between Sadness And Depression. Retrieved from https://www.psychologytoday.com/us/blog/happiness-is-state-mind/201910/the-difference-between-sadness-and-depression
[4] GBD 2017 Disease and Injury Incidence and Prevalence Collaborators. (2018, November 10th). Global Health Metrics. Global, regional, and national incidence, prevalence, and years lived with disability for 354 diseases and injuries for 195 countries and territories, 1990–2017: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2017. doi:https://doi.org/10.1016/S0140-6736(18)32279-7
[5] National Survey on Drug Use and Health. (2017). Major Depression. Retrieved from https://www.nimh.nih.gov/health/statistics/major-depression.shtml
[6] American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (5th ed.). Arlington: American Psychiatric Publishing.
[7] Schimelpfening, N. (2020, March 20th). 8 Tips for Living With Depression. Retrieved from https://www.verywellmind.com/tips-for-living-with-depression-1066834