ĐẶC ĐIỂM RẬP KHUÔN Ở TRẺ TỰ KỶ
Tự kỷ là một rối loạn phát triển phổ biến hiện nay. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cứ 54 trẻ 8 tuổi thì có một trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. (Maenner M.J., Shaw K.A., Baio J. và cộng sự, 2016). Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về tự kỷ và những triệu chứng kèm theo.
Nhiều người cho rằng tự kỷ là chơi một mình. Vậy những ai hay ngồi một mình, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài được gọi là tự kỷ? Đã bao giờ bạn nghĩ hay gọi một người thích ở một mình là “đồ tự kỷ” chưa? Và liệu rằng điều đó có đúng hay không?
Hội chứng phổ tự kỷ là gì?
Hội chứng phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD) là một rối loạn phát triển có thể tạo ra khó khăn nhất định về xã hội, giao tiếp và hành vi (Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật, 2020)..
Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần DSMV, triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ liên quan đến các hành vi rập khuôn, giới hạn về sở thích và gặp vấn đề trong tương tác xã hội (American Psychiatric Association, 2017).
Bài viết này sẽ làm rõ hơn về đặc điểm rập khuôn ở trẻ tự kỷ.
Hành vi rập khuôn, không có mục đích là một triệu chứng phổ biến ở rối loạn phổ tự kỷ (Boyd B.A., Baraned G.T., Sideris J. và cộng sự, 2010).
Hành vi rập khuôn là nói cho dễ hiểu đó là một hành vi lặp đi lặp lại một cách thường xuyên, liên tục ở trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Ví dụ hành vi rập khuôn là đóng cửa, trẻ sẽ luôn luôn quan tâm đến việc cửa có mở hay không và đảm bảo rằng cửa luôn được mở. Việc một chiếc cửa được mở làm cho đứa trẻ cảm thấy không thoải mái và thôi thúc trẻ dẫn đến hành vi đóng cửa. Nhiều người cho rằng mọi người đều đóng cửa, vậy tại sao lại là hành vi rập khuôn và có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, sự thật là nó ảnh hưởng rất nhiều.
Quay lại với hành vi đóng cửa, hành vi này có thể xảy ra mọi lúc, lúc trẻ đang học bài nhưng chiếc cửa phòng vệ sinh, cửa ra vào hoặc cánh cửa ở phòng bên cạnh mở cũng khiến trẻ lập tức chạy ra đóng cửa, như thể là nếu trẻ không làm điều đó thì việc tồi tệ sẽ xảy đến.
Trong khi với những đứa trẻ phát triển bình thường khác, chúng chỉ quan tâm đến căn phòng của mình thôi hoặc giả sử không ai yêu cầu việc cửa có đóng hay không cũng không là một vấn đề quá lớn. Một ví dụ khác có thể được đưa ra ở hành vi đóng cửa này là khi một đứa trẻ ăn vạ, chúng sẽ không quan tâm mà chỉ nằm lăn ra khóc cho đến khi đạt được mục đích, nhưng với đứa trẻ có chứng tự kỷ và hành vi rập khuôn là đóng cửa thì sẽ khác, mặc dù mục đích của việc ăn vạ không liên quan gì đến cửa, nhưng nếu trẻ thấy cửa mở, trẻ cũng sẽ “tạm ngưng” quá trình ăn vạ của mình để đứng dậy đóng cửa. Giống như đói là phải ăn, khát là phải uống và cửa mở thì phải đóng. Đó là quy luật bất di bất dịch với chúng.
Đặc điểm rập khuôn liên quan đến lời nói.
Người có rối loạn phổ tự kỷ có thể sẽ lặp lại người khác nói hoặc lặp đi lặp lại một câu hỏi nhất định. Khi một người hỏi rằng “Bạn có khỏe không”, bạn sẽ có nhiều cách để trả lời “Có”, “Không” hoặc “Cũng được”, “Tạm ổn” nhưng đặc điểm rập khuôn xảy ra khi trẻ lặp lại câu hỏi “Bạn có khỏe không?”. Có nghĩa là trẻ không hiểu ý nghĩa của câu hỏi và cũng không biết cách trả lời cho phù hợp, nên trẻ sẽ lặp lại những lời nói đó. Hoặc đơn giản trẻ sẽ có một câu hỏi lặp đi lặp lại mỗi ngày như “Sàn nhà bị gì”. Mặc dù biết rõ câu trả lời là sàn nhà bị dơ hoặc bị ướt, nhưng trẻ vẫn hỏi, có thể một ngày hỏi hai ba lần, năm sáu lần và lúc nào cũng như vậy. Điều này khiến cho người giao tiếp với trẻ cảm thấy thiếu kiên nhẫn và bực bội khi lúc nào cũng phải nghe đi nghe lại một câu hỏi và trả lời cùng một vấn đề.
Đặc điểm rập khuôn liên quan đến sở thích và thói quen.
Người có rối loạn phổ tự kỷ thông thường sẽ khó chịu với sự thay đổi. Trẻ thích sự sự lặp đi lặp lại như nhau mỗi ngày nên đôi khi những sự thay đổi dù là rất nhỏ cũng có thể căng thẳng. Câu hỏi được đặt ra là có gì khác giữa trẻ phát triển bình thường và trẻ có rối loạn phổ tự kỷ, vì rõ ràng thay đổi khiến cho tất cả chúng ta cảm thấy khó chịu. Với trẻ phát triển bình thường chỉ cần không quá tiêu cực, không quá mức trong phạm vi cho phép thì trẻ có thể dần thích nghi, nhưng trẻ có rối loạn phổ tự kỷ thì không, chúng có thể thích ăn cùng một loại thức ăn, mặc cùng một bộ đồ, những hoạt động hằng ngày phải lặp đi lặp lại theo đúng thứ tự vào mỗi ngày. Chỉ cần có chút khác biệt, trẻ sẽ khóc và la hét, cảm thấy khó chịu cực độ. Hoặc liên quan đến sở thích, có thể trẻ chỉ thích chơi một món đồ chơi duy nhất ngày qua ngày và sẽ cảm thấy hoang mang khi món đồ chơi đó biến mất.
Hành vi rập khuôn có tác hại gì hay không?
Tùy vào mức độ và loại hành vi mà chúng ta có thể trả lời câu hỏi này. Hành vi lặp đi lặp lại đôi khi có thể gây bực bội, khó chịu cho người khác và là hòn đá cản đường trong việc tương tác với những người xung quanh (Rudy L.J., 2020). Khi một vấn đề không thực sự là vấn đề với người khác (ví dụ như hành vi đóng cửa được nhắc đến ở ví dụ trên) nhưng lại là vấn đề với người có rối loạn phổ tự kỷ, đặc biệt khi điều đó lặp đi lặp lại hằng ngày sẽ có thể gây mâu thuẫn và khó chịu cho người khác. Từ đó dẫn đến những khó khăn trong tương tác xã hội với thế giới bên ngoài.
Vậy phải làm sao với những hành vi rập khuôn ở trẻ có rối loạn phổ tự kỷ.
Cách tốt nhất là nhờ chuyên gia, những người học về giáo dục đặc biệt để can thiệp cho trẻ, giúp trẻ có những hành vi phù hợp với xã hội.
Ngoài ra, còn có thể áp dụng một số quy tắc củng cố trong trị liệu hành vi. Ví dụ như là “củng cố tích cực” (Cherry K., 2021), trao cho trẻ phần thưởng khi trẻ làm đúng. Phần thưởng có thể ở nhiều dạng khác nhau như lời khen, hành động vỗ tay, cho trẻ chơi món đồ chơi mà trẻ thích.
Đôi điều từ người viết
Rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn phát triển và cần phải được can thiệp sớm nhất có thể. Vì vậy, một khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến gặp chuyên gia để được đưa ra chẩn đoán một cách phù hợp nhất có thể. Mỗi đứa trẻ sẽ có một nét đặc trưng riêng, không ai giống ai. Không phải đứa trẻ nào cũng thích lặp lại người khác nói, không phải đứa trẻ nào cũng thích “đóng cửa” và mỗi đứa trẻ sẽ có một sở thích khác nhau. Vì vậy, khi giáo dục trẻ cũng sẽ có những cách riêng biệt. Hãy kiên nhẫn và quan tâm, giáo dục đúng cách. Chỉ như vậy, trẻ mới có thể sớm hòa nhập với các bạn đồng trang lứa.
Tổng hợp dịch và viết bài: Thùy Dung (dung.le@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn:
American Psychiatric Association. (2017). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.).
Boyd BA, Baranek GT, Sideris J, et al. Sensory features and repetitive behaviors in children with autism and developmental delays. Autism Res. 2010;3(2):78-87. doi:10.1002/aur.124
Cherry, K. (2021). What is Autism?. Truy xuất từ https://www.verywellmind.com/autism-definition-symptoms-traits-causes-treatment-5080048
Maenner MJ, Shaw KA, Baio J, et al. Prevalence of Autism Spectrum Disorder Among Children Aged 8 Years — Autism and Developmental Disabilities Monitoring Network, 11 Sites, United States, 2016. MMWR Surveill Summ 2020;69(No. SS-4):1–12. DOI: http://dx.doi.org/10.15585/mmwr.ss6904a1
Rudy, L. J. (2020). Repetitive Behaviors in Autism. Truy xuất từ https://www.verywellhealth.com/repetitive-behaviors-in-autism-260582
Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật (2020). What is Autism Spectrum Disorder?. Truy xuất từ https://www.cdc.gov/ncbddd/autism/facts.html