SỰ KHÁC NHAU GIỮA HÀNH ĐỘNG TỰ LÀM HẠI BẢN THÂN (SELF HARM) VÀ TỰ TỬ (SUICIDE) Ở NGƯỜI TRẺ
Theo tiến sĩ Janis và tiến sĩ Lloyd-Richardson (n.d.), việc người trẻ tìm đến những hành vi tự làm hại bản thân khi đối mặt với những cảm xúc đau đớn là không có gì bất ngờ. Việc nhận biết các em có ý định tự làm hại rất quan trọng với bậc làm cha mẹ vì rất nhiều người nghĩ rằng đây là dấu hiệu của hành vi tự tử.
Tuy nhiên, hành vi tự làm hại bản thân và tự tử thật ra khác nhau ở một số điểm. Thứ nhất là ở mặt định nghĩa, các hành vi có thể quan sát được và nguyên nhân.
Theo tiến sĩ Lohmann – tác giả bài viết ‘hiểu về tự tử và tự làm hại bản thân’ trên trang Psychology Today (2012), tự làm hại bản thân là hành động cố ý làm hại thân thể. Các hành vi tự làm hại thông thường bao gồm:
- Cắt (cổ tay/cổ…)
- Đốt
- Đánh
- Bóc da (tay/chân/miệng…)
- Bứt tóc
- Cắn
- Khắc
Ngoài ra, các dấu hiệu đáng báo động của việc tự làm hại cũng rất khác với tự tử. Ví dụ như:
- Có nhiều vết cắt hoặc cháy trên cổ tay, cánh tay, chân, lưng, mông hoặc bụng.
- Hay bận quần áo rộng hay quần baggy (ví dụ như bận áo hoodie tay dài có cổ khi trời nóng để che đi vết thương).
- Luôn biện hộ cho việc có những vết cắt, sẹo hoặc vết thương trên cơ thể.
- Hay tìm kiếm dao cạo, kéo, bật lửa hoặc dao ở những nơi không quen thuộc (ví dụ như dưới gầm giường hay trong ngăn kéo đầu giường).
- Dành nhiều thời gian để giam mình trong phòng tắm hoặc phòng ngủ.
- Tự cách ly hoặc tránh né việc tham gia vào các hoạt động giao tiếp xã hội.
Nói đến lý do của việc tự làm hại ở người trẻ, tiến sĩ Lohmann đã liệt kê các điều sau đây:
- Để thoát khỏi những cảm xúc đang gặp phải.
- Để ứng phó với những tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống.
- Để thể hiện nỗi đau.
- Để trừng phạt bản thân (có một số người sau khi trải qua một số chuyện đã tìm cách trừng phạt bản thân. Họ thiếu đi kỹ năng ứng phó và có lòng tự trọng thấp, nên họ cảm thấy mình xứng đáng bị như vậy.)
- Để cảm thấy hạnh phúc (đúng vậy, khi chúng ta bị đau, hormon endorphin được tiết ra và chảy vào dòng máu gây ra trạng thái ‘phê tự nhiên’. Hành vi tự làm hại có khả năng gây nghiện và trở thành thói quen.)
Cũng theo tiến sĩ Lohmann (2012), tự tử là hành vi tước đoạt đi mạng sống của chính người thực hiện hành vi này. Hành vi tự sát thường được gây ra bởi:
- Súng cầm tay
- Treo cổ
- Dùng thuốc quá liều
So với hành vi tự làm hại bản thân, những dấu hiệu của người muốn hoặc có ý nghĩ tự tử bao gồm:
- Tăng liều lượng sử dụng thuốc hoặc rượu.
- Có hành động mạo hiểm một cách không cần thiết.
- Dọa sẽ tự tử hoặc thể hiện mong muốn được chết.
- Hay cáu gắt và nổi nóng.
- Hay nói đến việc muốn chết hoặc giết ai đó.
- Hay nói đến việc là gánh nặng cho người khác.
- Tự cách ly và tránh xa các mối quan hệ trong cuộc sống.
- Bán đi các đồ vật thân thuộc.
- Thể hiện ý nghĩ về cái chết qua nhiều phương tiện (vẽ, viết…).
- Thay đổi chế độ ngủ nghỉ hoặc ăn uống.
- Giảm hiệu suất làm việc/học tập.
Và khi nói đến lý do gây nên hành vi tự tử, chúng ta có 6 lý do phổ biến nhất đó là: sự phiền muộn, có bệnh tâm thần, có hành vi bốc đồng, đang gào thét và kêu cứu, có một khát vọng về triết học để chết và họ đã phạm phải một lỗi sai nào đó.
Nói tóm lại, khi phát hiện ra những dấu hiệu đáng ngờ ở trẻ, với tư cách là cha mẹ, xin bạn hãy dành thời gian trò chuyện cùng con. Điều này sẽ giúp con nhận ra rằng mình được quan tâm và những căng thẳng đang xảy ra với con có thể được thay đổi và mọi chuyện rồi sẽ trở nên tốt hơn.
Tổng hợp dịch và viết bài: Kim Anh (anh.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn
- Lohmann, R. C. (October 28, 2012). Understanding suicide and self-harm. Retrieved from: https://www.psychologytoday.com/us/blog/teen-angst/201210/understanding-suicide-and-self-harm
- Whitlock, J. & Lloyd-Richardson, E. (n.d.). How Are Self-Injury and Suicide Related? Retrieved from: https://childmind.org/article/how-are-self-injury-and-suicide-related/