THỰC TRẠNG CỦA VẤN ĐỀ TỰ TỬ VÀ CÁC DẤU HIỆU TỰ TỬ Ở TRẺ EM VÀ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
Thực trạng ở thế giới và tại Việt Nam
Theo như Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO (n.d.), hằng năm có gần 800.000 người chết vì tự tử. Điều này có nghĩa là cứ mỗi 40 giây, một người sẽ tự tước đi mạng sống của chính mình. Tự tử là một hành vi có thể diễn ra ở mọi lứa tuổi, nhưng gần đây, có một hồi chuông đáng cảnh báo cho các bậc cha mẹ. Đó là độ tuổi của người có hành vi tự tử ngày càng trẻ hóa.
Khi nhìn vào hình 1 về số ca tự tử ở người trẻ trên phạm vi toàn cầu năm 2016, ta có thể thấy độ tuổi nhỏ nhất là 10 tuổi và số ca ở cả hai giới tính từ 10 đến 19 tuổi là 62.118.
Hình 1: Số lượng ca tự tử ở người trẻ trên toàn cầu trong năm 2016. Nguồn: WHO (n.d.)
Vậy ở Việt Nam, con số này như thế nào? Hình 2 trên báo Vietnamnet lấy số liệu từ WHO cho thấy, Việt Nam đứng cuối bảng với số ca tự tử trong năm 2016 là 1.8/100.000 người. Con số này có vẻ khá ít khi so sánh với các nước khác, nhưng theo một nghiên cứu tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ vị thành niên mắc trầm cảm chiếm 26.3%, trẻ suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8% (Bệnh viện nhi trung ương, 2020).
Hình 2: Tỉ lệ tự tử ở Châu Á (số ca tử trên 100.000 người). Nguồn: WHO
Rối loạn hành vi tự sát và chẩn đoán trong DSM-5
Theo Beacon (2017), trong những năm gần đây, hành vi tự tử đã không còn được xem là một triệu chứng của chứng trầm cảm hoặc rối loạn nhân cách ranh giới, mà được tách ra thành một dạng rối loạn riêng biệt.
Trong DSM-5 (bản hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm lý) (Beacon, 2017), Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ (APA) đã phân biệt giữa hành vi thử tự sát (attempted suicide), ý nghĩ về tự sát (suicidal ideation) và hành vi tự gây hại bản thân nhưng không phải tự sát (non-suicidal, self-injurious behavior).
Nhận biết được định nghĩa của các hành vi này rất quan trọng trong việc giúp chúng ta hiểu hơn về vấn đề mà trẻ gặp phải.
Hành vi thử tự sát là hành vi cố tình hủy hoại bản thân với mục đích rõ ràng là cái chết.
Ý nghĩ về tự sát là những suy nghĩ, cân nhắc hoặc kế hoạch để tự sát.
Và hành vi tự gây hại bản thân nhưng không phải tự sát là hành vi tiêu cực như cứa tay hay tự đánh bản thân nhưng mục đích cuối cùng không phải là cái chết.
Các dấu hiệu tự tử ở trẻ em và trẻ vị thành niên
Chúng ta sẽ đi sâu vào các yếu tố nguyên nhân và cách xử lý khi biết trẻ có hành vi tự tử ở phần sau. Ở phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các dấu hiệu thể hiện nguy cơ trẻ đang có ý định hoặc suy nghĩ đến việc tự tử.
Có một điều mà tôi mong muốn gửi đến người lớn – những người gần gũi với trẻ em như ba mẹ, anh chị, cô dì chú bác hoặc thầy cô giáo, xin hãy bao dung với suy nghĩ và hành động của trẻ. Và hãy đưa tay về phía trẻ để cùng trẻ bước qua khoảng thời gian khó khăn mà các em gặp phải. Hơn ai hết, gia đình và sự hỗ trợ từ gia đình luôn là một nguồn năng lượng trong lành và giàu tính chữa lành.
Trước khi nhìn đến các dấu hiệu, bạn cần biết rằng tự tử có thể được phân loại thành 2 dạng: chủ động và bị động. Theo Rudlin – tác giả của bài viết ‘Thấu hiểu ý định tự tử ở trẻ vị thành niên’ trên trang Very Well Mind (2020), tự tử bị động bao gồm các ý tưởng mơ hồ về việc tự kết liễu. Tự tử thường được xem là một cách khả thi để kết thúc những nỗi đau nhưng chưa có hành động nào được đưa ra cả. Ngược lại, tự tử chủ động bao gồm việc suy nghĩ dai dẳng đến hành vi tự tử và liên tục cảm thấy bất lực. Khi ý định tự tử ở dạng chủ động, trẻ sẽ bắt đầu có các hành vi để hiện thực hóa ý định này.
Vì có trẻ sẽ thể hiện ý định tự tử ra bên ngoài, và có trẻ sẽ chỉ lẳng lặng thực hiện nó, việc tinh ý nhận ra các dấu hiệu ở trẻ là một điều quan trọng trong quá trình ngăn chặn hành vi tiêu cực này. Theo trang Childmind (Ehmke, n.d.), Rudlin (2020) và bệnh viên Mayo Clinic (2019), các dấu hiệu đáng quan tâm bao gồm:
- Tự tách biệt khỏi gia đình và bạn bè
- Có vấn đề hoặc rối loạn với hoạt động ăn uống và giấc ngủ
- Tâm trạng thay đổi thất thường
- Có hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và người khác
- Kết quả học tập sa sút
- Tăng tần suất sử dụng chất gây nghiện hoặc bia rượu
- Cho đi những đồ vật cá nhân
- Hay nói về cảm giác chán nản, bất lực hoặc bị mắc kẹt
- Hay nói đến cảm giác là gánh nặng cho người khác hoặc không thuộc về nơi nào
- Hay nói về ý định tự tử hoặc muốn chết
- Nói về việc từ biệt tất cả mọi nguời
- Viết hoặc vẽ nội dung liên quan đến tự tử hoặc đóng giả vai liên quan đến cái chết
Hãy nhớ rằng bạn không hề ‘một mình’ trên chặng đường giúp đỡ con trẻ vượt qua ý định tự tử, hãy tìm đến các nhà chuyên môn tâm lý kịp thời để cùng nhau, chúng ta cùng giúp trẻ vượt qua những suy nghĩ và hành vi tiêu cực này.
Tổng hợp dịch và viết bài: Kim Anh (anh.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fan page của Nụ Cười Trái Tim”. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn tham khảo:
Beacon. (October 10, 2017). What is suicidal behavior disorder?. Retrieved from: https://www.jys.org/what-is-suicidal-behavior-disorder/
Ehmke, R. (n.d.). Signs a child might be suicidal. Retrieved from: https://childmind.org/article/signs-a-child-might-be-suicidal/
Mayo Clinic. (February 06, 2019). Teen suicide: What parents need to know. Retrieved from: https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/tween-and-teen-health/in-depth/teen-suicide/art-20044308
Rudlin, K. (March 26, 2020). Understanding Suicidal Ideation in Teens. Retrieved from: https://www.verywellmind.com/suicidal-ideation-defined-2611328.
Vietnamnet. (September 13, 2019). Thanh thiếu niên châu Á tự tử vì áp lực: Ấn Độ nhiều nhất, Việt Nam bị “xướng” tên. Retrieved from: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/thanh-thieu-nien-chau-a-tu-tu-vi-ap-luc-an-do-nhieu-nhat-viet-nam-bi-xuong-ten-567044.html
WHO, (n.d.). Suicide data. Retrieved from: https://www.who.int/mental_health/prevention/suicide/suicideprevent/en/