NUÔI DẠY MỘT ĐỨA TRẺ MẮC RỐI LOẠN HỌC TẬP
Một số thông tin và mẹo để đối phó với vấn đề học tập sẽ được đề cập sau đây:
Theo Hiệp hội Rối loạn Học tập Hoa Kỳ, 2,4 triệu học sinh được chẩn đoán mắc chứng rối loạn học tập và khoảng 41% nhận được các dịch vụ giáo dục đặc biệt. Có một loạt các rối loạn học tập khác nhau bao gồm: rối loạn tính toán (khó hiểu các con số và dữ kiện toán học), rối loạn phân bố (khó viết), chứng khó đọc (khó khăn liên quan đến đọc và xử lý ngôn ngữ) và rối loạn xử lý thính giác (khó xử lý giọng nói của người khác).
Làm thế nào để nhận dạng rối loạn học tập?
Việc chẩn đoán mắc chứng rối loạn học tập thường được thu thập từ nhiều nguồn thông tin, bao gồm cả trường học và phụ huynh của đứa trẻ. Ngoài ra, chuyên gia như nhà tâm lý học học đường phải cùng trẻ hoàn thành bài đánh giá để đánh giá hoạt động và kỹ năng của trẻ.
Các triệu chứng phổ biến của rối loạn học tập có thể bao gồm (LDA, 2015):
- Khó làm theo hướng dẫn hoặc thói quen học tập
- Sợ đi học
- Khó học kết nối giữa các chữ cái và âm thanh
- Vấn đề làm bài tập về nhà
- Mất nhiều thời gian để học các kỹ năng mới
- Khó học các con số, bảng chữ cái, các ngày trong tuần, màu sắc và hình dạng
- Khó theo kịp tài liệu hoặc bài tập
- Khó học các khái niệm toán học cơ bản
- Khó học tiền tố, hậu tố, từ gốc và các chiến lược chính tả khác.
Đối phó với rối loạn học tập
Mặc dù không có cách chữa trị nào cho rối loạn học tập, nhưng các cá nhân có thể được cải thiện từ việc can thiệp sớm. Theo KidsHealth.org, người có rối loạn học tập thích nghi với sự khác biệt trong học tập và tìm ra các chiến lược giúp họ hoàn thành mục tiêu và ước mơ của mình. Dưới đây là một số gợi ý để đối phó với tình trạng rối loạn học tập.
- Một số học sinh đã được chẩn đoán có rối loạn học tập làm việc với giáo viên hoặc gia sư đặc biệt trong vài giờ một tuần để học các kỹ năng học tập nhất định, chiến lược ghi chú hoặc kỹ thuật tổ chức có thể giúp trẻ bù đắp cho rối loạn học tập của mình. Trường của bạn có thể có một lớp học đặc biệt với một giáo viên được đào tạo để giúp học sinh vượt qua các khó khăn trong học tập.
- Một số trường phát triển cái được gọi là Chương trình Giáo dục Cá nhân hóa (hoặc IEP), giúp xác định điểm mạnh và điểm yếu trong học tập của một người và lập kế hoạch cho các hoạt động học tập sẽ giúp học sinh nỗ lực hết mình ở trường. IEP của học sinh có thể bao gồm các buổi học với gia sư hoặc thời gian trong lớp học chuyên biệt cho một môn học nhất định, hoặc sử dụng thiết bị đặc biệt để giúp học tập, chẳng hạn như sách nói trên băng đĩa hoặc máy tính xách tay cho học sinh mắc chứng khó đọc.
- Thuốc thường được kê đơn để giúp học sinh có rối loạn tăng động giảm chú ý – ADHD. Một số loại thuốc trên thị trường hiện nay có thể giúp cải thiện khả năng chú ý và khả năng tập trung của học sinh, đồng thời giúp kiểm soát các cơn bốc đồng và các hành vi hiếu động khác.
Người dịch: Thùy Dung NCTT (thuydung.le@nucuoitraitim.com)
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fan page của Nụ Cười Trái Tim”. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn tài liệu dịch: Turner, E.A. (2015). Parenting a Child with a Learning Disabilities. Truy xuất từ https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-race-good-health/201509/parenting-child-learning-disability