HIỂU ĐÚNG VỀ CÁC RỐI LOẠN TÌNH DỤC
Tình dục vốn là chủ đề ít được đề cập trong văn hoá Việt Nam. Điều này dẫn đến những rào cản khi người có rối loạn tình dục tìm kiếm những sự hỗ trợ về y tế và tâm lý. Họ có thể không hiểu hết về tình trạng bản thân, đánh giá và bị đánh giá, không tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời… Bài viết này nhằm mục đích cung cấp kiến thức tham khảo về một số rối loạn tình dục phổ biến hiện nay theo Sổ tay chẩn đoán DSM 5.
I/ Rối loạn tình dục là gì?
Rối loạn tình dục hay rối loạn chức năng tình dục (sexual dysfunction) là sự xáo trộn đáng kể trong khả năng đáp ứng tình dục hoặc trải nghiệm khoái cảm tình dục của một cá nhân (DSM 5, 2013). Theo thống kê của Rosen và R. C (2000) , rối loạn tình dục ảnh hưởng đến 43% phụ nữ và 31% nam giới trên toàn thế giới. Rối loạn tình dục có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường thấy nhất ở độ tuổi trung niên từ 40 đến 65 tuổi (Male and Female Sexual Dysfunction, n.d).
II/ Các loại rối loạn tình dục phổ biến
Dựa trên chu kỳ đáp ứng tình dục thông thường (sexual response phases), các rối loạn tình dục cũng được phân loại theo từng giai đoạn trong chu kỳ, bao gồm:
- Giai đoạn 1 (Ham muốn)
- Rối loạn giảm ham muốn tình dục (hypoactive sexual desire disorder): cá nhân thiếu hoặc không có suy nghĩ, tưởng tượng hoặc mong muốn hoạt động tình dục, kéo dài liên tục ít nhất trên 6 tháng.
- Giai đoạn 2 (Phấn khích)
- Rối loạn kích thích tình dục ở nữ (female sexual arousal disorder): cá nhân cảm thiếu hoặc suy giảm đáng kể kích thích tình dục với ít nhất 3 trong 6 điều sau: hoạt động tình dục, suy nghĩ hoặc tưởng tượng việc quan hệ, bắt đầu việc quan hệ và cảm nhận ý muốn bắt đầu của bạn tình, khoái cảm tình dục trong 75-100% số lần quan hệ, đáp lại tín hiệu tình dục qua lời nói, hình ảnh…và cảm giác ở các bộ phận sinh dục. Những biểu hiện này kéo dài ít nhất 6 tháng và gây nên đau khổ đáng kể.
- Rối loạn cương dương ở nam (male erectile disorder): cá nhân có ít nhất 1 trong 3 triệu chứng sau trong gần như tất cả 75-100% số lần quan hệ: khó cương cứng, khó duy trì sự cương cứng và giảm độ cương cứng. Những biểu hiện này kéo dài ít nhất 6 tháng và gây nên đau khổ đáng kể.
- Giai đoạn 3 (Cực khoái)
- Rối loạn cực khoái ở nữ (female orgasmic disorder): cá nhân có ít nhất 1 trong 2 triệu chứng sau trong gần như tất cả 75-100% số lần quan hệ: chậm trễ, không thường xuyên hoặc không đạt được cảm giác cực khoái và giảm rõ rệt cường độ của cảm giác cực khoái. Những biểu hiện này kéo dài ít nhất 6 tháng và gây nên đau khổ đáng kể.
- Xuất tinh sớm (premature ejaculation): xuất tinh liên tục hoặc lặp đi lặp lại xảy ra trong quá trình quan hệ tình dục với bạn tình trong vòng khoảng 1 phút sau khi thâm nhập vào âm đạo và trước khi cá nhân mong muốn. Những biểu hiện này kéo dài ít nhất 6 tháng, trong 75-100% số lần quan hệ và gây nên đau khổ đáng kể.
- Giai đoạn 4 (Phân tách)
- Rối loạn thâm nhập/ đau vùng chậu (Genito-pelvic pain/penetration disorder): cá nhân gặp khó khăn liên tục hoặc lặp đi lặp lại trong ít nhất 1 điều sau: sự thâm nhập của âm đạo khi giao hợp, đau âm hộ hoặc vùng chậu rõ rệt khi giao hợp hoặc cố gắng thâm nhập vào âm đạo, sợ hãi hoặc lo lắng về cơn đau âm hộ hoặc vùng chậu khi biết trước, trong hoặc do kết quả của việc thâm nhập âm đạo, căng hoặc thắt chặt các cơ sàn chậu khi cố gắng thâm nhập âm đạo. Những biểu hiện này kéo dài ít nhất 6 tháng và gây nên đau khổ đáng kể.
Ngoài những rối loạn tình dục thường gặp trên, một số rối loạn có thể gặp là xuất tinh chậm (delayed ejaculation), rối loạn tình dục gây ra bởi chất hoặc thuốc (substance/medication induced sexual dysfunction), rối loạn ác cảm tình dục (sexual aversion disorder)…. Cá nhân có thể có đồng thời các rối loạn cùng một lúc, trong trường hợp như vậy cần chẩn đoán đầy đủ các chức năng.
III/ Yếu tố nguy cơ
Một số nguyên nhân sinh lý như mất cân bằng nội tiết tố, bệnh tiểu đường, tim mạch, suy thận suy gan, bệnh tâm thần, nghiện rượu, nghiện chất, tác dụng phụ từ thuốc,…có thể dẫn đến các rối loạn tình dục (Clayton và cộng sự, 2008).
Ngoài ra, theo DSM 5 (2013), các yếu tố tâm lý cũng cần được cân nhắc tới. Chẳng hạn như các vấn đề tình dục hoặc sức khỏe ở phía đối tác, mối quan hệ giữa hai người (giao tiếp kém hiệu quả, khác nhau về mong muốn tình dục, cá nhân có những điều dễ tổn thương (tiền sử bị lạm dụng về tình cảm, tình dục, tự đánh giá thấp hình ảnh cơ thể của bản thân…) hoặc bị căng thẳng hoặc có các rối loạn tâm lý tâm thần như trầm cảm, lo âu…Ngoài ra, cần suy xét đến các vấn đề thuộc yếu tố văn hoá và tôn giáo.
IV/ Điều trị như thế nào?
Theo Cleveland Clinic (n.d), Hầu hết các loại rối loạn chức năng tình dục có thể được giải quyết bằng cách điều trị các vấn đề cơ bản về sinh lý hoặc tâm lý. Ngoài ra, còn có cách phương thức khác như:
- Thuốc: việc thay đổi thuốc đang sử dụng (nếu nguyên nhân là do tác dụng phụ của thuốc) hoặc bổ sung các thuốc giúp cân bằng nội tiết tố (nếu thiếu hụt) có thể giúp ích cho việc điều trị. Nam giới có thể dùng Viagra, Cialis…để giúp tăng lưu lượng máu đến dương vật và nữ có thể bổ sung estrogen, testosterone (không được khuyến nghị trong y tế)…
- Dụng cụ hỗ trợ: máy hút chân không, cấy ghép dương vật, máy rung, thuốc giãn nở…
- Liệu pháp tình dục (sex therapy): Nhà trị liệu tình dục có thể hỗ trợ cho những người đang gặp vấn đề về tình dục mà nhà trị liệu chính của họ không thể giải quyết
- Liệu pháp hành vi
- Trị liệu tâm lý để làm việc với các vấn đề về sang chấn, lo âu…
- Giáo dục giới tính và đào tạo kỹ năng giao tiếp
Người có rối loạn tình dục vẫn gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm sự hỗ trợ, nhất là ở môi trường mang văn hoá Á Đông như Việt Nam. Nhưng thay vì tự giải quyết và có thể dẫn đến những hậu quả kéo dài không đáng có, cá nhân nên tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia, ở đây có thể là bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ tâm thần, nhà trị liệu tâm lý hoặc phối hợp nhiều bên để cho kết quả điều trị tốt nhất.
Tổng hợp dịch và viết bài: Thu Hà (ha.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn tham khảo:
American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual/of mental disorders.
Clayton, A., & Ramamurthy, S. (2008). The impact of physical illness on sexual dysfunction. Sexual Dysfunction, 29, 70-88.
Cleveland Clinic. (n.d). Extracted from https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9121-sexual-dysfunction
Male and Female Sexual Dysfunction. (n.d). Extracted from https://www.beaumont.org/conditions/male-female-sexual-dysfunction
Rosen, R. C. (2000). Prevalence and risk factors of sexual dysfunction in men and women. Current Psychiatry Reports, 2(3), 189-195.