CÁCH GIÚP TRẺ VƯỢT QUA SỰ KIỆN SANG CHẤN
Trẻ em là nhóm đối tượng dễ tổn thương trong cộng đồng. Một sự kiện sang chấn xảy ra chẳng hạn như thảm họa thiên nhiên bão lũ, động đất, cháy nhà, một cuộc tai nạn giao thông, người yêu thương qua đời, bị tấn công bạo lực… có thể gây căng thẳng cho trẻ. Cho dù trẻ chứng kiến hay trải qua sự kiện đó, chúng có khả năng bị ảnh hưởng bởi một loạt các cảm xúc dữ dội, khó hiểu và đáng sợ. Mặc dù các triệu chứng khó chịu có thể biến mất theo thời gian, nhưng với tư cách là cha mẹ hoặc người chăm sóc trực tiếp, bạn có thể làm rất nhiều điều để hỗ trợ và trấn an khi trẻ gặp sang chấn.
Việc đầu tiên là nhận biết các triệu chứng
Trẻ em ở mỗi lứa tuổi khác nhau, với mỗi trình độ và nền văn hóa khác nhau, lịch sử tiếp xúc với sang chấn trước đó, các vấn đề về gia đình khác nhau…sẽ có những cách phản ứng khác nhau sau sự kiện sang chấn. Tuy nhiên, trẻ có một số biểu hiện về cảm xúc và hành vi thông thường là:
- phát triển những nỗi sợ hãi mới
- lo âu bị chia cách (separation anxiety) (đặc biệt ở trẻ nhỏ)
- rối loạn giấc ngủ, gặp ác mộng
- không buồn quan tâm đến các hoạt động thông thường
- giảm sự tập trung
- sa sút trong học tập
- than phiền về những triệu chứng cơ thể (somatic complaint)
- cáu gắt
Sự hỗ trợ từ gia đình
Ngay cả bản thân người lớn cũng cảm thấy khó khăn khi trải qua những sự kiện sang chấn như vậy. Chúng ta không thể che chắn cho trẻ khỏi nỗi đau và nỗi sợ hãi, nhưng chúng ta có thể giúp trẻ xử lý chuyện trải qua theo cách lành mạnh nhất có thể. Bằng cách:
- làm cho trẻ cảm thấy được an toàn thông qua những cái ôm, âu yếm hay đơn giản là vỗ nhẹ vào lưng.
- hành động một cách bình tĩnh. Trẻ em tìm đến người lớn là để được trấn an sau khi những sự kiện sang chấn xảy ra. Không thảo luận về những lo âu của bạn với trẻ hoặc khi có chúng ở xung quanh. Chú ý đến giọng nói của bạn vì có thể làm trẻ lo âu hơn.
- duy trì những thói quen hằng ngày. Giữa sự hỗn loạn và thay đổi, các thói quen trấn an trẻ rằng cuộc sống sẽ ổn trở lại. Cố gắng có giờ ăn và giờ ngủ đều đặn, tuân thủ các quy tắc chung của gia đình.
- giúp trẻ hứng thú trở lại. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động và chơi với những người khác. Sự phân tâm rất tốt cho trẻ và mang lại cảm giác bình thường.
- chia sẻ thông tin về những gì đã xảy ra. Điều tốt nhất giúp trẻ học được là nghe chi tiết về sự việc từ một người lớn an toàn, đáng tin cậy. Hãy ngắn gọn và trung thực, và cho phép trẻ đặt câu hỏi. Đừng cho rằng trẻ em đang lo âu về những điều tương tự như người lớn.
- chọn thời điểm thích hợp để nói chuyện.
- ngăn chặn hoặc hạn chế cho trẻ tiếp xúc với tin tức. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ mới biết đi và trẻ ở độ tuổi đi học, vì nhìn thấy các sự kiện được kể lại trên TV hoặc trên báo đài khiến chúng dường như đang tiếp diễn. Những đứa trẻ tin rằng những sự kiện tồi tệ chỉ là tạm thời có thể phục hồi nhanh chóng hơn.
- hiểu rằng trẻ em ứng phó theo nhiều cách khác nhau. Một số trẻ muốn dành thêm thời gian với bạn bè và người thân; một số có thể muốn dành nhiều thời gian hơn để ở một mình. Hãy cho trẻ hiểu được những cảm giác tức giận, tội lỗi và buồn bã là điều bình thường, và thể hiện mọi thứ theo những cách khác nhau — ví dụ, một người có thể cảm thấy buồn nhưng không khóc.
- lắng nghe. Điều quan trọng là phải hiểu cách trẻ nhìn nhận tình huống và điều gì gây khó hiểu hoặc khó khăn cho trẻ. Đừng giảng – chỉ là hiểu. Cho trẻ biết bạn luôn sẵn sàng lắng nghe bất cứ lúc nào.
- giúp trẻ thư giãn bằng các bài tập thở. Hơi thở trở nên nông khi lo lắng bắt đầu; thở sâu bằng bụng có thể giúp trẻ bình tĩnh hơn. Bạn có thể cầm một chiếc lông vũ hoặc bông gòn trước miệng trẻ và yêu cầu trẻ thổi vào đó, thở ra từ từ. Hoặc bạn có thể nói: “Con hãy hít vào từ từ trong khi ba/mẹ đếm đến ba, sau đó thở ra trong khi ba/mẹ đếm đến ba”. Đặt thú nhồi bông hoặc gối lên bụng của trẻ khi trẻ nằm xuống và yêu cầu trẻ hít vào thở ra từ từ và quan sát thú nhồi bông hoặc gối lên xuống.
- thừa nhận những gì trẻ đang cảm thấy. Nếu một đứa trẻ thừa nhận mối quan tâm, đừng trả lời rằng “con đừng lo lắng”, vì trẻ có thể cảm thấy xấu hổ hoặc bị chỉ trích. Đơn giản chỉ cần xác nhận những gì bạn đang nghe: “Ừ, ba/mẹ có thể cảm thấy con đang lo lắng.”
- biết rằng bạn có thể trả lời “Ba/mẹ không biết”. Điều trẻ cần nhất là một người mà chúng tin tưởng để lắng nghe những thắc mắc của chúng, chấp nhận những cảm xúc của chúng và luôn ở bên cạnh chúng. Đừng lo lắng về việc phải biết chính xác điều cần nói – sau tất cả, không có câu trả lời nào giúp mọi thứ ổn cả.
Ngoài những cách trên để giúp trẻ ứng phó với sang chấn, bạn cần nhận biết khi nào trẻ cần điều trị. Thông thường, cảm giác lo âu, tê liệt, bối rối, tội lỗi và tuyệt vọng của trẻ sẽ bắt đầu mờ nhạt trong một thời gian tương đối ngắn. Tuy nhiên, nếu phản ứng căng thẳng do sang chấn quá dữ dội đến mức cản trở khả năng hoạt động của trẻ ở trường hoặc ở nhà, hoặc nếu các triệu chứng không bắt đầu thuyên giảm hoặc thậm chí trở nên tồi tệ hơn theo thời gian cụ thể như:
- 6 tuần sau sự kiện nhưng trẻ không cảm thấy tốt hơn chút nào.
- trẻ gặp khó khăn khi hoạt động ở trường.
- trẻ trải qua những ký ức đáng sợ, những cơn ác mộng hoặc hồi tưởng.
- các triệu chứng của căng thẳng sang chấn biểu hiện bằng những than phiền về thể chất như đau đầu, đau dạ dày hoặc rối loạn giấc ngủ.
- trẻ ngày càng gặp khó khăn trong việc kết nối với bạn bè và gia đình.
- trẻ có ý định tự tử.
- trẻ ngày càng tránh xa những điều khiến chúng nhớ về sự kiện.
Rất có thể trẻ đang trải qua rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder – PTSD) và cần sự hỗ trợ từ chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Bạn cũng cần quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Bạn có thể giúp con tốt nhất khi bạn tự giúp chính mình. Cố gắng ăn uống điều độ, uống đủ nước, ngủ đủ giấc và tập thể dục. Sức khỏe thể chất bảo vệ bạn khỏi sự tổn thương về tình cảm. Để giảm căng thẳng, hãy hít thở sâu. Chia sẻ những mối quan tâm của bạn với người thân bạn bè. Nếu bạn tham gia một tổ chức cộng đồng, tôn giáo, hãy tiếp tục tham gia. Tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn thấy cần thiết. Hãy làm điều đó vì lợi ích của con bạn.
Tổng hợp dịch và viết bài: Thu Hà (ha.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn tham khảo:
https://www.helpguide.org/articles/ptsd-trauma/helping-children-cope-with-traumatic-stress.htm.
https://www.apa.org/pi/families/resources/children-trauma-update.
https://childmind.org/guide/helping-children-cope-traumatic-event/