NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN Ý ĐỊNH TỰ TỬ Ở TRẺ EM VÀ CÁCH HỖ TRỢ TRẺ
Nguyên nhân dẫn đến ý định tự tử ở trẻ em và cách hỗ trợ trẻ
Khi biết trẻ có ý định hoặc đã cố gắng tự tử nhưng không thành, việc phán xét và không tìm hiểu nguyên nhân sẽ chỉ khiến cho mọi chuyện trở nên tệ đi. Vì thế, các bậc cha mẹ, người giám hộ hoặc thầy cô giáo nên biết đến biết một số yếu tố nguy cơ dẫn đến hành động tự tử và yếu tố bảo vệ để ngăn chặn hành động hay ý nghĩ tiêu cực này của các em.
Yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ được hiểu các tác nhân có thể dẫn đến việc hình thành suy nghĩ hoặc hành vi tự tử. Đây là các yếu tố nguy cơ được bệnh viện Mayo Clinic (2019) nêu ra:
- Tiểu sử bệnh có rối loạn thần kinh, bao gồm cả trầm cảm
- Trải qua mất mát hoặc mâu thuẫn với gia đình hoặc bạn thân
- Có tiểu sử bị bạo hành về thể xác hoặc xâm hại tình dục
- Bị nghiện chất kích thích hoặc bia rượu
- Có bệnh lý ví dụ như mang thai hoặc bị các bệnh lây lan qua đường tình dục
- Là nạn nhân của nạn bắt nạt
- Cảm thấy không chắc chắn với xu hướng tính dục, có thể lo âu khi muốn ‘come out’ (bộc lộ giới tính thật) trong môi trường không có sự ủng hộ
- Đã tiếp cận với hành vi tự tử từ một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè
- Là con nuôi
- Tiểu sử gia đình có rối loạn cảm xúc hoặc hành vi tự tử
- Có cơ hội tiếp cận với vật dụng nguy hiểm như súng đạn
- Có niềm tin tôn giáo rằng tự tử là một cách cao thượng để giải quyết một tình huống tiến thoái lưỡng nan cá nhân
Yếu tố bảo vệ
Yếu tố bảo vệ là các yếu tố mang tính ngăn chặn và bảo vệ trẻ khỏi việc hình thành suy nghĩ hay thực hiện hành vi tự tử. Đây là các yếu tố bảo vệ được nêu ra bởi giáo sư Kaslow trên trang của tổ chức Child Mind (n.d.):
- Có khả năng giải quyết vấn đề tốt: những đứa trẻ có khả năng nhìn ra vấn đề và tìm giải pháp hiệu quả để quản lý vấn đề, và giải quyết một cách phi bạo lực, sẽ có nguy cơ tự tử thấp hơn.
- Có sự kết nối vững chắc: nếu trẻ có sự gắn kết mạnh mẽ với gia đình, bạn bè và những người khác trong cộng đồng, nguy cơ các em tự làm hại bản thân là rất thấp. Một phần là vì các em cảm thấy được yêu thương và hỗ trợ, và phần khác là vì khi các em gặp thử thách trong cuộc sống, các em biết rằng mình có nơi để dựa vào và được chỉ dẫn để vượt qua.
- Hạn chế tiếp xúc với các phương tiện có thể gây chết người như dao hay súng đạn
- Những niềm tin tôn giáo khuyến khích con người sống tích cực và có ích
- Sự tiếp cận tương đối dễ dàng đối với các dịch vụ tham vấn tâm lý hoặc dịch vụ phòng ngừa lâm sàng
- Sự chăm sóc tận tình về các rối loạn về chất, tâm thần và thể xác. Sự quan tâm này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách với trẻ và cho trẻ biết rằng trẻ luôn có sự hỗ trợ đằng sau.
Các bậc cha mẹ, người giám hộ hoặc thầy cô giáo nên làm gì khi biết trẻ có ý định hoặc đã cố tự tử nhưng không thành?
Dựa trên những yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ trên, chắc hẳn bạn đã nghĩ ra một số phương án để tiếp cận và hỗ trợ trẻ. Hãy cùng đọc qua 9 lời khuyên từ giáo sư Kaslow và bệnh viện Mayo Clinic nhé.
- Nói chuyện cởi mở: cho dù bạn có lo sợ thế nào đi nữa, thì bước đầu tiên khi biết con trẻ có suy nghĩ hoặc ý định tự tử là bạn phải hỏi han và nói chuyện cùng con. Đừng lo lắng nếu việc nhắc đến vấn đề này sẽ làm tăng nguy cơ tự tử ở con vì thật ra, khi có người trong gia đình quan tâm và hỏi han, con sẽ cảm thấy được quan tâm và an ủi. Đây là yếu tố quan trọng trong việc giúp con giải tỏa sự muộn phiền của mình. Và đó cũng là lời giải thích cho tầm quan trọng của những buổi trị liệu tâm lý trong việc tạo ra không gian an toàn cho con chia sẻ và được yêu thương.
- Thể hiện tình yêu thương: hãy nói cho con biết là bạn yêu con, nhất là khi con gặp phải những thử thách trong cuộc sống. Việc nói ‘con biết bố mẹ thương con mà’ là không đủ, hãy gửi thông điệp đến con qua nhiều cách nho nhỏ hoặc lớn hơn. Ngày nay, chúng ta dường như đang phán xét nhiều thứ ở con trẻ, hãy để con biết bạn yêu con dường nào.
- Thể hiện sự thấu cảm: việc bạn xác thực các cảm xúc mà con đang trải qua là rất quan trọng. Bạn có thể nói các câu mang tính sẻ chia với con như ‘việc con kể nghe thật khó khăn nhì?’, ‘Ba/mẹ biết điều đó khó thế nào’ hoặc ‘Ba/mẹ cũng đã từng như vậy, hãy nói ba/mẹ biết con đang lo lắng điều gì và làm sao ba/mẹ giúp đỡ được con trong hoàn cảnh này?’. Hãy nói và khuyến khích con tìm đến sự giúp đỡ khi cần thiết và nhấn mạnh việc này không phải thể hiện sự yếu đuối, mà là một hành động mà bạn rất tôn trọng khi con làm vậy, và cùng nhau, bạn và con sẽ tìm ra giải pháp phù hợp.
- Ưu tiên sự tích cực: để ngăn chặn những ý nghĩ tiêu cực của con trẻ, bạn nên cùng con làm nhiều việc tích cực hơn. Hãy để ý đến những vòng tròn lặp lại trong cách bạn chỉ dẫn cho con. Ví dụ như bạn dễ nổi nóng khi con làm điều gì đó đáng lo ngại, và nếu con làm gì đó đáng lo ngại hơn, bạn lại tỏ ra buồn bực hơn. Mọi sự tương tác dường như đều dẫn đến mâu thuẫn. Vậy thì tương tác tích cực có nghĩa là gì? Là cùng nhau làm những hoạt động vui vẻ như ăn uống, chơi thể thao và cùng nói về những câu chuyện không gây tranh cãi.
- Hạn chế các mâu thuẫn: Hãy chọn ‘những trận chiến’ một cách thông minh với con của bạn. Trong quá trình phát triển của trẻ, việc trở nên nổi loạn là bình thường, các bậc cha mẹ cần phải chọn và giải thích cho sự nghiêm khắc của mình ở một số lĩnh vực trong cuộc sống của con. Và đừng quên dành thời gian cho những sự kết nối tích cực. Mục tiêu của các bậc cha mẹ là đảm bảo với con của bạn rằng, những gì mà các em đang trải qua sẽ không kéo dài mãi mãi. Khi trẻ cảm thấy muốn chết, đó là vì trẻ nghĩ rằng trẻ đã bất lực và tin rằng mọi thứ sẽ không tốt hơn trong tương lai.
- Giữ liên lạc: có một câu nói rất hay mà tôi tâm đắc, đó là ‘nhìn con sửa mình’. Điều đó sẽ thật vô lý nếu bạn ngăn cấm con mình sử dụng và nhắn tin qua mạng xã hội. Vì vậy, hãy chủ động tham gia mạng xã hội mà con sử dụng để có thể biết rằng con mình đang có suy nghĩ và hành vi như thế nào, hoặc đơn giản là để hiểu con hơn.
- Tìm hiểu bạn bè của con: người ta hay nói bạn bè của ta cũng có thể nói lên một tính cách của ta, và đó là lý do bạn cần biết đến những người bạn của con mình, hoặc thậm chí là ba mẹ của những người bạn này. Nếu có việc gì không ổn, bạn có thể gọi và hỏi thăm ngay, hoặc bạn cũng sẽ an tâm hơn khi biết con mình giao lưu với những người bạn tích cực.
- Tìm đến một bác sĩ lâm sàng phù hợp: Hãy tìm đến những người (nhà tham vấn trị liệu hay bác sĩ lâm sàng) có kinh nghiệm làm việc với trẻ có suy nghĩ hoặc ý định tự tử. Nếu con bạn nói không thích hoặc không phù hợp với con, hãy lắng nghe lời phản hồi đó và tìm đến một người khác. Nếu sau hai, ba người vẫn không hợp, hãy hỏi con rằng trong số những người đã gặp, con thấy người nào phù hợp nhất.
- Tham gia vào các buổi trị liệu: khi một người trong gia đình có ý tự tử, đây là một sự kiện lớn và cần sự chung tay của tất cả mọi người. Đã có một số phương pháp trị liệu được kiểm chứng trong nghiên cứu thử nghiệm là có hiệu quả với trẻ có suy nghĩ tự tử. Thứ nhất là trị liệu nhận thức – hành vi (cognitive behavior therapy – CBT). Phương pháp này giúp trẻ thay đổi suy nghĩ và từ đó thay đổi cảm xúc cũng như hành vi của trẻ. Ngoài ra còn có phương pháp hành vi biện chứng (dialectical behavior therapy). Đây là phương pháp mang tính ‘chánh niệm’ (chú tâm, không phán xét, cảm nhận thực tại), và rất hữu ích với trẻ có rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder) hoặc có rất nhiều suy nghĩ tiêu cực. Và cuối cùng, phương pháp sử dụng thuốc kết hợp trị liệu sẽ phù hợp với trẻ bị trầm cảm nặng, lo âu xã hội hoặc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD).
Như bạn đã thấy, trẻ có suy nghĩ hoặc có ý định tự tử thường không thể suy nghĩ tích cực về những thử thách mà các em đang gặp phải. Với tư cách là người trưởng thành, đã trải qua những thăng trầm của cuộc sống và có sự tư duy logic, vững vàng, người lớn chúng ta cần có thái độ bao dung để dìu dắt, chỉ dẫn và động viên con trẻ tự mình vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
Tổng hợp dịch và viết bài: Kim Anh (anh.nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim (NCTT). Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn:
Kaslow, N. (n.d.). Teen suicides: What are the risk factors?. Retrieved from: https://childmind.org/article/teen-suicides-risk-factors/
Kaslow, N. (n.d.). What to do if you’re worried about suicide. Retrieved from: https://childmind.org/article/youre-worried-suicide/
Mayo Clinic. (February 06, 2019). Teen suicide: What parents need to know. Retrieved from: https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/tween-and-teen-health/in-depth/teen-suicide/art-20044308