VAI TRÒ CỦA TÂM LINH TRONG CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TÂM THẦN
Thoạt nhìn ta có thể thấy hai chủ đề tâm linh (spirituality) và tâm lý không có điểm chung với nhau. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý đã cho thấy sự quan trọng của chủ đề tâm linh đến với sức khỏe tâm thần của con người.
Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua một số thông tin như: tâm linh là gì, tôn giáo (religion) là gì, biểu hiện của tâm linh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, một số lợi ích của tâm linh trong trị liệu tâm lý, và các kỹ năng và giá trị của tâm linh.
Theo Pargament (2013) – một chuyên gia tâm lý hàng đầu trong lĩnh vực tâm linh và tôn giáo, đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm trên các đối tượng phải đối mặt với các sự kiện gây căng thẳng trong cuộc sống như: thiên tai, bệnh tật, sự mất mát người thân, ly hôn và các bệnh tâm thần khác. Kết quả cho thấy tôn giáo và tâm linh có một vai trò rất hữu ích trong việc giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, nhất là đối với những người có ít nguồn lực hỗ trợ và phải đối mặt với những vấn đề mà họ không thể kiểm soát được. Vậy thì tâm linh là gì?
- Định nghĩa về tâm linh và tôn giáo
Theo Trường Cao Đẳng dành cho Bác Sĩ Tâm Thần (Rcpsych) (2015), chúng ta không có một định nghĩa nhất định nào về tâm linh nhưng nhìn chung, tâm linh là một thứ mà tất cả chúng ta đều có thể trải nghiệm, giúp ta tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống và trong những việc ta trân trọng, có thể mang đến sự hy vọng và chữa lành khi ta gặp phải những mất mát, và khuyến khích ta tìm kiếm những mối quan hệ tốt nhất, tích cực nhất với chính bản thân ta, với người khác và vạn vật xung quanh.
Nhắc đến tâm linh, ta cũng không thể không nói đến tôn giáo. Khi được so sánh với tôn giáo, ta có thể xem tâm linh như một hình tròn còn tôn giáo là hình vuông (Greenstein, 2016).
Tôn giáo là một hệ thống niềm tin được xây dựng dựa trên một cộng đồng, trong khi tâm linh là thứ nằm trong chính mỗi cá nhân và trong những gì mà cá nhân đó tin tưởng. Bên trong tôn giáo chúng ta sẽ có tâm linh, nhưng nếu chúng ta có tâm linh, điều này không có nghĩa là chúng ta thuộc về một tôn giáo.
- Biểu hiện của tâm linh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần
Đối với những bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần, họ mong muốn (Rcpsych, 2015):
- Cảm thấy an toàn và vững chãi.
- Được đối xử dựa trên sự tôn trọng và đường hoàng.
- Cảm thấy họ có một nơi để thuộc về, được trân trọng và tin tưởng.
- Có thời gian để diễn đạt cảm xúc với những nhà trị liệu.
- Những hoạt động ý nghĩa như sáng tạo nghệ thuật, làm việc hay hòa mình với thiên nhiên.
- Có sự cho phép hoặc hỗ trợ để họ phát triển mối liên hệ với Chúa hoặc Đấng Tối Cao.
Ngoài ra, những người có tôn giáo có thể sẽ cần:
- Một khoảng thời gian, một nơi chốn và sự riêng tư để cầu nguyện và tôn thờ thánh thần.
- Một cơ hội để khám phá những trăn trở về khía cạnh tâm linh.
- Một cảm giác chắc chắn rằng bác sĩ tâm thần/nhà tham vấn sẽ tôn trọng đức tin của họ.
- Một sự khích lệ cho việc tin tưởng sâu sắc vào đức tin của họ.
- Và đôi khi là sự giúp đỡ trong việc tha thứ và buông bỏ.
- Một số lợi ích của tâm linh trong lĩnh vực trị liệu tâm lý
Theo Greenstein (2016) – tác giả của bài viết ‘Các lợi ích của tâm linh và tôn giáo đến sức khỏe tâm thần’, tâm linh là một cảm giác về sự kết nối của cá nhân với những gì to lớn hơn cá nhân đó. Tâm linh giúp ta nhìn vào nội tâm của chính mình và từ đó, hiểu ra ta là ai. Cùng lúc đó, ta cũng đang tìm hiểu về sự tồn tại của mình trong thế giới này. Nói cách khác, tâm linh giúp ta hiểu hơn về cách mà ta nhìn nhận ý nghĩa của cuộc sống.
Tâm linh cũng bao gồm một số hoạt động có ích cho sức khỏe liên quan đến Tâm (mind) và Thân (body), và những hoạt động này có tác động tích cực lên sức khỏe cũng như sự hạnh phúc của chúng ta. Tâm linh có thể mang lại lợi ích cho ta ở các khía cạnh như
a. Khía cạnh cá nhân
- Nâng cao sự nhận thức về bản thân và sự trao quyền trong việc lựa chọn các niềm tin và hành động
- Tập trung vào sự kết nối với những gì chúng ta tin tưởng và vào sự phát triển cá nhân
- Chấp nhận tất cả mọi người dù cho họ có, hoặc không có, tôn giáo
b. Khía cạnh chánh niệm (mindfulness)
- Khuyến khích sự thiền định và xem xét lại bản thân.
- Dẫn đến một triết lý sống ý nghĩa (ví dụ như cảm thấy có sự kết nối với thiên nhiên, nghệ thuật, con người & vạn vật).
- Thúc đẩy sự thể hiện bản thân thông qua nhiều hình thức như nghệ thuật, thơ ca, thần thoại hay hoạt động tôn giáo.
c. Khía cạnh hòa hợp với vạn vật xung quanh
- Làm mới lại cảm giác ‘có một nơi ta thuộc về’ trong thế giới rộng lớn
- Khơi dậy sự biết ơn và sự nhận thức về những tương tác của ta với môi trường xung quanh
d. Các kỹ năng và giá trị của tâm linh
Sau khi đọc qua phần lợi ích của tâm linh, bạn có thắc mắc những hành động nào trong cuộc sống của chúng ta thể hiện sự tâm linh không? Sau đây là một số ‘kỹ năng tâm linh’ được liệt kê bởi trang Rcpsych (2015):
- Có thể thành thật, nhìn nhận bản thân ta như người khác nhìn nhận.
- Có thể tập trung vào giây phút thực tại để tỉnh táo và không vội vàng.
- Có thể nghỉ ngơi, thư giãn và tạo ra trạng thái yên bình cho tâm trí.
- Xây dựng một sự thấu cảm (empathy) sâu sắc dành cho người khác.
- Phát triển năng lực tha thứ.
- Có thể ngồi với người đang gặp đau khổ nhưng tâm vẫn tràn đầy sự hy vọng.
- Học cách phán xét tốt hơn, ví dụ như khi nào nên nói hoặc hành động, khi nào nên im lặng hoặc chẳng làm gì.
- Học cách cho đi mà không cảm thấy bị ‘suy nhược’ hay mất mát.
- Học cách đau buồn và buông bỏ.
Ngoài ra, khi nhắc đến giá trị của tâm linh, ta có thể dùng những tính từ như: sáng tạo, kiên nhẫn, kiên cường, trung thực, tử tế, trắc ẩn, thông minh, bình tĩnh, hy vọng và vui vẻ.
Kết lại, tâm linh và tôn giáo khi được sử dụng đúng cách sẽ rất có ích cho quá trình trị liệu tâm lý và tâm thần. Các nhà trị liệu hoặc bác sĩ có chuyên môn nên cân nhắc đến vấn đề này khi trò chuyện cùng thân chủ và bệnh nhân.
Tổng hợp dịch và viết bài: Kim Anh (Anh.Nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Ban biên tập NCTT.
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fan page của Nụ Cười Trái Tim”. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn:
– American Psychological Association (APA), (2013). What role do religion and spirituality play in mental health?. Retrieved from: https://www.apa.org/news/press/releases/2013/03/religion-spirituality
– Greenstein, L. (2016). The mental health benefits of religion and spirituality. Retrieved from: https://www.nami.org/Blogs/NAMI-Blog/December-2016/The-Mental-Health-Benefits-of-Religion-Spiritual
– Royal College Of Psychiatrists (rcpsych), (2015). Spirituality and mental health. Retrieved from: https://www.rcpsych.ac.uk/mental-health/treatments-and-wellbeing/spirituality-and-mental-health