KỸ NĂNG THÔNG BÁO TIN XẤU
Việc thông báo chẩn đoán bệnh và cung cấp thông tin cho bệnh nhân là một trong những công việc của người thầy thuốc/ người chăm sóc và điều trị chính cho bệnh nhân dù ở bất cứ chuyên khoa nào. Trong đó, thông báo tin xấu là một trong những phần khó khăn và đem lại nhiều cảm xúc mạnh và cảm giác nặng nề về mặt tinh thần. Không phải người thầy thuốc/bác sĩ nào cũng được đào tạo qua cũng như được giám sát thực hành về kỹ năng này.
Không có sự khéo léo nào có thể biến đổi việc thông báo tin xấu thành một việc nhẹ nhàng. Khi thông báo bệnh, người thầy thuốc không thể thay đổi những phản ứng thông thường thường gặp nơi bệnh nhân. Họ chỉ cố gắng làm thế nào để không gây thêm một chấn thương từ thông báo này (ví dụ không gây thêm rối loạn, sang chấn tâm lý, khủng hoảng tinh thần, nhưng tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân hợp tác điều trị trong tương lai).
Trong quá trình điều trị, người thầy thuốc cần lưu ý nhìn nhận quyền bệnh nhân được biết về bệnh tật và cách điều trị của mình là quan trọng. Bởi, bệnh nhân có quyền được biết về loại bệnh, tình trạng bệnh và được thảo luận về kế hoạch điều trị dành cho họ.
1. Tin xấu là gì?
Tin xấu là bất kỳ thông tin làm ảnh hưởng nghiêm trọng và bất lợi đến viễn cảnh của mỗi cá nhân về tương lai của họ. (Buckman, 1992)
Thông báo tin xấu thường được áp dụng cho những tình huống sau (Bor và cộng sự, 1993):
- Cảm giác không còn hy vọng như là một căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng: ung thư, HIV,..
- Một mối đe doạ đến tình trạng sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm thần của một cá nhân, như là một tình trạng thoái hoá: bệnh mất trí nhớ Alzheimer, chứng mất trí.
- Một nguy cơ có thể gây sụp đổ việc thiết lập một phong cách sống, như là khi bệnh nhân mắc một căn bệnh mạn tính: thoái hoá cột sống, rối loạn thần kinh chức năng, bị béo phì, bị tiểu đường,…
- Chậm phát triển tâm thần ở trẻ em: hội chứng Downs, bại não,…
- Một thông điệp cho thấy bệnh nhân chỉ có rất ít lựa chọn cho việc điều trị.
- Bệnh bị tái phát hoặc bị di căn.
- Việc điều trị bị thất bại và ảnh hưởng đến tiến trình điều trị.
- Việc điều trị gây ra những tác dụng phụ không thể thay đổi được.
- Những vấn đề liên quan đến chăm sóc giảm nhẹ và sự tỉnh lại.
Tin xấu là bất cứ thông tin nào mà không được chào đón (Arber và Gallagher, 2003) và là một trải nghiệm không thoải mái cho cả người báo tin lẫn người nhận tin (Aitini và Aleotti, 2006)
Thông báo tin xấu có thể là về việc bệnh trở nặng hoặc một khiếm khuyết, một thương tật xảy ra như là kết quả không thể tránh khỏi với phương pháp điều trị hiện tại, một tiên lượng xấu, một kết luận rằng không có phương pháp điều trị mà chỉ có thể duy trì, một mất mát (xảy thai, đoạn chi,…). Việc bác sĩ thông báo bệnh giống như đưa bệnh nhân đối diện với cái chết của bệnh nhân vậy, thật sự khó khăn để thông báo và khó khăn để đối diện/chấp nhận.
Việc thông báo bệnh và cung cấp thông tin cho bệnh nhân nằm trong nghề nghiệp và khả năng của bác sĩ dù bác sĩ ở bất cứ chuyên khoa nào. Thường thì việc thông báo tin xấu là một phần khó khăn và nặng nề trong công việc của bác sĩ. Ví dụ khi bệnh nhân mong muốn được có câu trả lời cho các câu hỏi sau:
- Có phải tôi bị Ung thư/ HIV không ạ?
- Bệnh của tôi có thể chữa khỏi không?
- Tôi còn sống được bao lâu?
Thông báo tin xấu là một phần trong thực hành lâm sàng của thầy thuốc/ bác sĩ.
Kỹ năng thông báo tin xấu có thể được dạy và có thể cải thiện theo thời gian.
Thông báo một tin xấu là một thông tin sẽ biến đổi cơ bản cuộc sống của bệnh nhân vì tin xấu động chạm đến vấn đề cảm giác không thể bị tổn thương của bản thân.
Thường thì bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân đa số biết ơn về việc được thông báo tin xấu (xem mục 2.2).
Thông báo tin xấu là một trong những yêu cầu liên quan đạo đức hành nghề, việc không thông báo không còn được xem xét trong y đức.
Có một khoảng cách giữa những kỳ vọng của bệnh nhân và tình trạng thực tế về sức khoẻ của bệnh nhân, nhiệm vụ của thông báo tin xấu là đóng khoảng cách đó. Mức độ và số lượng thông tin tin xấu được truyền tải tuỳ thuộc vào khoảng cách giữa kỳ vọng của bệnh nhân và sự thật/tình trạng thực tế. Thông báo tin xấu đặt vấn đề đối diện với sự thật. Có những câu hỏi được đặt ra ở đây là: sẽ thông báo sự thật nào? cho ai? Có bắt buộc phải nói sự thật cho bệnh nhân không?
2. Nên hay không nên thông báo tin xấu cho bệnh nhân?
Khi bác sĩ thông báo tin xấu thì người nhận thông tin thường bị sốc và ngay lúc đó người đó không thể suy nghĩ hoặc hành động một cách đúng đắn nhất được nữa. Tình trạng này cũng xảy ra khi ta thông báo về cái chết của một người thân. Trước tiên người nhận được tin bị sốc, không thể chấp nhận sự thật, sau đó người đó bị sự trầm cảm xâm lấn và cuối cùng, từ từ người đó chấp nhận sự ra đi vĩnh viễn của người thân. Đó là những trạng thái tự nhiên, bình thường.
Không có công thức cố định: Không có sự khéo léo nào có thể biến đổi việc thông báo tin dữ thành một việc mà sau khi thực hiện thì bệnh nhân có thể thấy nhẹ nhàng hơn ngay sau khi tiếp nhận.
Điều quan trọng là không làm hại: Khi thông báo bệnh, bác sĩ không thể thay đổi những phản ứng thông thường, bác sĩ cố gắng làm thế nào để không gây thêm một chấn thương từ thông báo này (ví dụ không gây thêm rối loạn, nhưng tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân hợp tác điều trị trong tương lai).
Hầu hết các thầy thuốc bây giờ thông báo cho bệnh nhân ung thư về những chẩn đoán của họ. Ở một khía cạnh nào đó, khuynh hướng đưa đến việc tiết lộ thông tin về tình trạng bệnh là kết quả của sự nhận thức của công chúng về sự tiến triển của chẩn đoán và điều trị ung thư, đồng thời cũng là sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa thầy thuốc và bệnh nhân nhằm giảm sự ngăn cách và sự sợ hãi của họ, động viên được năng lực và các kỹ năng tương tự của họ.
Ở phương tây, phần lớn các bác sĩ thông báo chẩn đoán và người ta quan niệm tất cả mọi người có khả năng có quyền biết những thông tin y tế (trừ những người có biểu hiện bệnh lý sa sút trí tuệ hoặc thông tin không thể được bệnh nhân xử lý một cách phù hợp). Do vậy, thường bác sĩ thông báo cho chính bệnh nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, bác sĩ thường thông báo cho người nhà của bệnh nhân biết. Việc nhìn nhận quyền bệnh nhân được biết về bệnh tật và cách điều trị của mình là điều quan trọng.
2.1. Trường hợp không nên thông báo
- Khi người nhà bệnh nhân yêu cầu giấu hoặc người nhà xin thêm thời gian để chuẩn bị tâm lý cho bệnh nhân.
- Sợ bệnh nhân mất hy vọng.
- Bệnh nhân sẽ đau khổ và chối bỏ bệnh tật, bỏ điều trị.
- Bệnh nhân có nguy cơ cao bỏ kế hoạch điều trị hiện tại và tìm kiếm điều trị không chính thống.
- Sợ bệnh nhân bị trầm cảm hoặc ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần của bệnh nhân.
- Sợ bệnh nhân mặc cảm, tự ti, tuyệt vọng và có những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng tính mạng.
- Khi bác sĩ cảm thấy khó nói và chưa sẵn sàng cũng như tình huống hiện chưa cấp thiết cần phải nói.
2.2. Trường hợp nên thông báo
- Giúp bệnh nhân sống tích cực, có ý nghĩa những ngày cuối đời. Gia tăng nội lực và chấp nhận/đối đầu thực tế.
- Nhằm giúp bệnh nhân quyết định chọn lựa điều trị kịp thời và lựa chọn phương pháp điều trị theo nguyện vọng.
- Giúp bệnh nhân có thời gian để hòa giải những bất đồng đang có với người thân, bạn bè,…
- Giúp bệnh nhân hiểu tâm huyết và sự quan tâm của bác sĩ dành cho mình, giúp tăng thêm sự tin tưởng trong mối quan hệ điều trị và giúp cải thiện chất lượng mối quan hệ tốt bác sĩ – bệnh nhân.
- Giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Giúp bệnh nhân hiểu tình trạng và thời gian còn lại của bản thân để lên kế hoạch hoàn thành ước nguyện cuộc sống trong thời gian còn lại.
- Để bệnh nhân có thời gian để lên kế hoạch cho tang chế, cho tương lai bản thân người và gia đình người bệnh.
3. Tác động của việc thông báo tin xấu đến bệnh nhân.
Việc thông báo tin xấu một cách cẩn thận và đúng lúc hết sức quan trọng. Vì:
- Bệnh nhân có thể bị tổn thương nếu việc thông báo tin xấu không được thực hiện tốt và không phù hợp với các giá trị văn hóa của người bệnh.
- Khi vấn đề được thực hiện tốt, nó có thể củng cố mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.
- Thông báo tin xấu giúp cho gia đình và bệnh nhân có kế hoạch để đón nhận thực tế và đau buồn.
Ví dụ:
- “Đừng nói cho tôi biết nếu nó là ung thư”: một vài bệnh nhân yêu cầu không nói với họ tin họ bị ung thư. Thầy thuốc nên hỏi bệnh nhân những gì mà tin xấu sẽ có ý nghĩa đối với họ, hoặc những gì họ sợ xảy ra nếu họ nhận được tin xấu. Khi bệnh nhân yêu cầu không đưa tin xấu, để giải thích hợp lý với họ về kết quả chẩn đoán thì rất quan trọng.
- “Đừng nói với anh ấy, cô ấy đó là ung thư”: những thành viên trong gia đình có thể yêu cầu rằng không nên nói kết quả chẩn đoán ung thư cho bệnh nhân. Phải cảm ơn gia đình về sự quan tâm và đảm bảo rằng những câu hỏi của bệnh nhân sẽ được trả lời thành thật. Hãy giải thích hợp lý cho những hiểu biết của bệnh nhân về chẩn đoán và giúp gia đình tìm ra những giải pháp để cung cấp sự ủng hộ về mặt cảm xúc. Cần lưu tâm và xem xét sự quan tâm của gia đình về những gì có thể xảy ra nếu bệnh nhân biết.
3.1. Phản ứng của bệnh nhân trước một thông báo tùy thuộc vào:
- Nhân cách của người nhận thông tin và ai sẽ đảm nhận thông báo tin đó.
- Chất lượng mối quan hệ bệnh nhân – thân nhân (có thể chống đỡ và nâng đỡ nhau)
- Phản ứng của người chung quanh (chối bỏ, giận dữ, mặc cảm tội lỗi…)
- Chất lượng đối thoại của người thông báo và không khí tin tưởng và lắng nghe một cách trân trọng.
3.2. Cách thông báo tin xấu và tác động của nó.
3.1.1. Thông báo đường đột: Thường do tính cấp thiết và tình trạng trầm trọng của bệnh, bệnh nhân cần được chăm sóc khẩn.
Trong một số trường hợp có tính cấp thiết và nghiêm trọng thì người thầy thuốc sẽ thông báo một cách đường đột, trực tiếp và nhanh chóng, điều này thường gây sốc nhiều cho người tiếp nhận thông báo vì họ không có sự chuẩn bị trước và họ phải tiếp xúc liền với sự thật.
3.1.2. Thông báo âm thầm: Nhân viên y tế không dám giải thích và nói với bệnh nhân dẫn đến nguy cơ là bệnh nhân sẽ sống trong trạng thái nghi ngờ và sợ hãi.
Nhân viên y tế không dám giải thích, sự yên lặng gây khó chịu, nhân viên thì thầm và ít nhiều né tránh. Còn thân nhân bệnh nhân thì “Chúng tôi muốn biết sự thật nhưng họ không nói gì với chúng tôi, chúng tôi không biết sẽ đi gặp ai nữa”.
Gia đình không biết nghĩ gì về tình huống đó, gia đình nghi ngờ và lo hãi. Tình huống trầm kha hiển nhiên nhưng nhân viên y tế không nói với gia đình. Trong sự yên lặng, thân nhân cảm thấy không được tôn trọng, họ có thể có thái độ thụ động và thu mình lại, sự khó chịu bao trùm và điều này làm cho ê-kíp chăm sóc khó chịu hơn.
3.1.3. Thông báo trực tiếp bằng lời và có sự chuẩn bị chu đáo trước: Bệnh nhân vẫn trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng đây là cách thích hợp nhất, dẫu rằng, không dễ dàng để chọn lựa phải nói gì và nói như thế nào. Người thông báo phải biết rằng họ có nguy cơ đánh mất niềm tin ở người đối thoại với họ. Người thông báo ở đây không phải giúp người nhà hoặc bệnh nhân tránh trải nghiệm một thảm kịch, cũng không phải làm họ đau khổ. Dầu sao đi nữa thì người được thông báo tin xấu cũng sẽ trải qua những cảm xúc khác nhau (sốc, mặc cảm tội lỗi, lo hãi, lo sợ, trầm cảm,…) vì vậy người thầy thuốc cần phải cố gắng giữ mối liên lạc và cuộc đối thoại với họ, cập nhật tình hình sức khoẻ tâm thần của họ để cung cấp những nguồn hỗ trợ kịp thời (giới thiệu đến chuyên viên tâm lý, bác sĩ tâm thần, nhân viên công tác xã hội, nhà tham vấn,…)
“Điều không thể chấp nhận là bác sĩ không nói gì hoặc nói quá đường đột, chiến lược tốt nhất là chỉ nói điều có thể nghe và hiểu được, nhưng cùng lúc chấp nhận trạng thái tâm lý bệnh nhân, mức độ bệnh nhân chấp nhận căn bệnh” [M. Bertrand]
4. Khó khăn của bác sĩ khi thông báo tin xấu.
4.1. Khó khăn của bác sĩ
- Thường phải trải qua nhiều cảm xúc mạnh như lo lắng, gánh nặng của trách nhiệm thông báo tin xấu và nỗi sợ bị đánh giá không tốt, bị đổ lỗi và bị phén xét.
- Ngại thông báo tin xấu cho người bệnh vì sợ gây ra tổn thương và đau khổ cho bệnh nhân, đặc biệt đối với những người bệnh là người dễ bị tổn thương hoặc trong cơn đau khổ.
- Thế tiến thoái lưỡng nan: làm thế nào để trung thực với người bệnh và không phá vỡ niềm hy vọng của họ?
- Bác sĩ không được đào tạo về chủ đề này, hoặc được đào tạo nhưng không được giám sát hỗ trợ, chia sẻ về mặt tinh thần sau những lần thực hành đem lại nhiều trăn trở và bị ảnh hưởng nặng nề về mặt cảm xúc, tinh thần.
- Bác sĩ có nhiều công việc (bệnh nhân nhiều) nên có rất ít thời gian để giải thích, để trả lời những câu hỏi của bệnh nhân; cũng như, không có thời gian để chia sẻ, nâng đỡ tinh thần bệnh nhân sau mỗi lần thông báo. Và, thiếu sự hỗ trợ từ cơ quan cũng như từ đồng nghiệp.
- Thông báo một tin xấu cũng là đối đầu với sự thất bại và bất lực của bản thân nên chính bác sĩ cũng khó chấp nhận và khó đối diện với nó.
- Phản ánh sự sợ bệnh tật, cái chết của chính mình và những kinh nghiệm cá nhân trước đó (ví dụ: từng gặp thất bại trong việc thông báo tin xấu, hoặc từng trải nghiệm việc được nghe tin xấu nên nó gợi lại những cảm xúc đau buồn và những vấn đề tâm lý đã và đang có trước trải nghiệm đó).
- Những trở ngại liên quan văn hoá và giới hạn ngôn ngữ.
4.2. Thái độ của bác sĩ khi thông báo tin xấu phụ thuộc vào:
- Nhân cách và lịch sử bản thân, lịch sử gia đình.
- Sự đào tạo và trải nghiệm trong nghề nghiệp.
- Điều kiện vật chất công việc của bác sĩ (thời gian, phương tiện, cách tổ chức,…)
- Mức độ stress mà bác sĩ phải gánh chịu trước, trong và sau khi thông báo tin xấu.
5. Mục tiêu thông báo tin xấu qua trò chuyện.
- Thu thập thông tin từ người bệnh.
- Chuyển tải thông tin về tình hình sức khỏe.
- Cho phép bệnh nhân và gia đình có kế hoạch để đón nhận thực tế và đau buồn.
- Cung cấp những hỗ trợ cho người bệnh.
- Nêu ra những điều mà người bệnh có thể hợp tác để lập kế hoạch cho tương lai.
- Tạo ra mối quan hệ tốt bác sĩ – bệnh nhân.
6. Kế hoạch thông báo tin xấu.
6.1. Do ai thực hiện? Bác sĩ phụ trách và chỉ 1 bác sĩ mà thôi, có thể đồng nghiệp đi kèm hoặc lý tưởng là một tâm lý gia.
6.2. Nên thông báo vào lúc nào? Khi có thể được. Sự chờ đợi kết quả chẩn đoán/ tiên lượng là nguồn của sự lo âu và phải để ý đến những gì bệnh nhân có thể hiểu và chịu đựng được. Việc thông báo tin xấu cần nhiều thời gian nên tránh không thông báo tin xấu cho bệnh nhân vào cuối giờ làm việc.
6.3. Nên thông báo ở đâu? Nơi yên tĩnh không bị quấy rầy (tránh thông báo qua điện thoại hoặc trong phòng hậu phẫu)
6.4. Nên nói về những thông tin nào? thái độ cần ra sao? Giả thuyết, nguy cơ của căn bệnh và hậu quả, tiên lượng trong tương lai. Bằng tất cả sự chân thật và trung lập, bác sĩ có thể nói về giả thuyết, nguy cơ về những gì thường xảy ra nhưng không bao giờ có sự giống nhau hoàn toàn giữa bệnh nhân này với bệnh nhân khác. Cùng lúc đó, phải cung cấp những thông tin và để ý đến thực tại tâm lý, phản ứng của người đó và thích nghi ( Ví dụ : sau khi được thông báo, bệnh nhân khó chịu, ta hãy cho bệnh nhân một thời gian để bình tâm lại rồi tiếp tục nói một cách nhẹ nhàng).
Khi thông báo một tin xấu, bác sĩ thường có khuynh hướng tạo một khoảng cách tốt giúp cho thấy mình là một nhà chuyên môn, đồng nhất với bệnh nhân, đặt mình vào vị trí của bệnh nhân (lắng nghe và chia sẻ những cảm xúc) nhưng đồng thời cũng giữ được sự tự chủ trước tình huống (không khóc trước bệnh nhân).
Lượng thông tin mà một bệnh nhân muốn có được sẽ phụ thuộc vào văn hóa, niềm tin và giá trị của bệnh nhân.
Có thể bệnh nhân không muốn nhận bất cứ thông tin nào hoặc đưa ra bất cứ quyết định nào về sức khỏe của mình mà muốn để người khác như thành viên trong gia đình đón nhận tất cả thông tin đó.
Có thể bệnh nhân muốn bản thân mình cần phải được cung cấp tất cả thông tin (phổ biến ở các nước phương Tây).
7. Chiến lược SPIKES khi thông báo tin xấu.
Chiến lược SPIKES (Setting up, assess the family Perception, Invitation, Knowledge sharing, Emotions, Strategy and Summary) là một hướng dẫn gồm 6 bước thông báo tin xấu do các bác sĩ của Trung tâm Ung thư MD Anderson tại Mỹ biên soạn nhằm giúp các bác sĩ chuyển tải thông tin về tình trạng bệnh không mong muốn cho người bệnh ung thư, bao gồm các nội dung chính là: thể hiện sự đồng cảm, thừa nhận và xác thực cảm xúc của bệnh nhân, khám phá sự hiểu biết và chấp nhận tin xấu của bệnh nhân, đồng thời cung cấp thông tin về các biện pháp can thiệp/ điều trị khả thi.
7.1. Bước 1: Thiết kế buổi trò chuyện
Thông báo một tin xấu cần phải có sự chuẩn bị để có được những điều kiện tốt.
Phải biết rõ ca bệnh để tránh nhầm lẫn, nói ngược nhau và nhất là không nói dối. Về điều này ta có thể thảo luận với những bác sĩ khác mà bệnh nhân đã gặp, điều trị.
Khi thông báo, phải biết người đối thoại đang có mặt (những nhà chuyên môn khác, chồng, bà nội ngoại, cô dì, con cái…nếu là cha mẹ, tốt hơn nên gặp chung cả hai cha mẹ).
Cần lên kế hoạch và hẹn giờ trước với bệnh nhân/ thân nhân bệnh nhân.
Phải chọn trước một nơi yên tĩnh và kín đáo với tiện nghi tối thiểu cho bệnh nhân (tắt điện thoại…, ngồi cạnh bệnh nhân).
- Sắp xếp vị trí riêng tư.
- Mời những người có liên quan.
- Chỗ ngồi thoải mái.
- Tạo sự liên hệ/kết nối với người bệnh.
- Quản lý thời gian và các gián đoạn có thể có.
7.2. Bước 2: Đánh giá nhận thức của người bệnh:
Trước khi giải thích, bác sĩ nên hỏi bệnh nhân biết gì về bệnh của họ, và bệnh nhân muốn nắm tình hình gì? Đánh giá hiểu biết của người bệnh về tình trạng bệnh và quyết định mức độ thông tin mà người bệnh muốn biết.
Tránh nói quá nhiều. Ngắt nghỉ thường xuyên để người bệnh hoặc gia đình có thể phản ứng và hỏi, và xem xem họ có hiểu lời bạn nói không.
Tránh sử dụng từ y học mà người bệnh và gia đình có thể không hiểu.
Việc bệnh nhân hiểu sai về tình trạng bệnh của họ, cần lắng nghe và ghi chú cẩn thận về những gì chưa được nhất quán để có thể giải thích kỹ hơn cho bệnh nhân về sau. Tránh việc đối đầu và gây áp lực lên bệnh nhân.
Ghi chú cẩn thận những phản ứng tinh thần của bệnh nhân để lên kế hoạch cho việc hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân sau buổi báo tin nếu cần.
Ví dụ:
- Hãy nói cho tôi biết anh/chị biết gì về tình trạng sức khỏe hiện tại của mình? như thế nào?
- Các bác sĩ khác đã nói gì về bệnh của anh/chị?
- Anh/chị có biết tại sao bác sĩ đề nghị anh/chị làm thêm xét nghiệm hay chụp CT/MRI không?
- Anh/chị nghĩ kết quả điều trị thời gian qua thế nào? tương lai sẽ thế nào?
- Lưu ý, biểu hiện bằng lời và không lời của bệnh nhân là điều quan trọng.
7.3. Bước 3: Mời gọi bệnh nhân.
Để người bệnh quyết định mức độ thông tin người bệnh mong muốn được biết sẽ làm cho người bệnh cảm thấy được trao quyền và kiểm soát bản thân tốt hơn.
- “Sẽ không sao chứ nếu như tôi thảo luận về những kết quả điều trị hiện có với anh/chị ngay bây giờ?”
- “Anh/chị muốn thảo luận về thông tin điều trị của bệnh với gia đình như thế nào?”
Bệnh nhân muốn biết điều gì? Phải đảm bảo là bệnh nhân đã sẵn sàng để nghe thông báo chẩn đoán.
Tìm hiểu xem người bệnh hoặc gia đình hiểu biết gì về căn bệnh và tiên lượng.
Đánh giá khả năng tiếp thu thông tin của người bệnh (hoặc gia đình)
Hỏi người bệnh (hoặc gia đình) xem họ có muốn người nào khác cùng có mặt hoặc họ muốn không có mặt của người nào đó.
Tìm hiểu xem người bệnh (hoặc gia đình) muốn biết đến đâu.
Nếu bệnh nhân hỏi thêm nhiều thông tin nữa, ta cung cấp dần dần cho họ với sự thận trọng.
Nếu không, ta để cho họ có thời gian để nhìn nhận căn bệnh của họ (chối bỏ). Có thể bệnh nhân chưa sẵn sàng nhận thêm những thông tin bổ sung.
Nếu bệnh nhân khăng khăng không muốn biết thông tin, đó là cách tự bảo vệ mình trước sự lo hãi. Ta có thể hỏi bệnh nhân:
- Anh (chị, ông/bà) nghĩ bệnh này sẽ ra sao? Anh (chị, ông/bà) nghĩ gì về căn bệnh của mình?
- Anh (chị, ông/bà) có muốn tôi giải thích thêm hoặc dành thêm thời gian để thảo luận về ý nghĩa kết quả và cách xử trí?
- Anh (chị, ông/bà) muốn biết về tình trạng bệnh hiện tại một cách chung chung hay là muốn biết chi tiết?
7.4. Bước 4: Chuyển tải kiến thức và kỹ năng cho bệnh nhân
Báo cho người bệnh rằng bạn sẽ thông báo tin xấu – “Tôi rất tiếc phải nói với anh/chị rằng…”.
Mục tiêu của những lời giải thích là giảm thiểu tối đa sự bấp bênh.
Xác định cách người bệnh muốn được nhận thông tin.
Chuẩn bị trước những điều sẽ nói: tiên lượng, chi phí cần thiết, những sự lựa chọn về phương pháp điều trị,…
Chọn thời gian thích hợp.
Sử dụng ngôn ngữ đơn giản. Tránh nói thao thao không ngừng và sử dụng những từ khoa học/từ ngữ chuyên môn mà không giải thích.
Nhắc lại thông tin nếu cần.
Khuyến khích người bệnh đặt câu hỏi.
Kiểm tra sự hiểu biết về thông tin được thông báo.
Cần tránh cách nói theo ý “chúng tôi không thể làm gì hơn được nữa.”
7.5. Bước 5: Biểu lộ cảm xúc.
(a) Quan sát cảm xúc của người bệnh và xác định những cảm xúc mà họ đang có: khóc, không tin, giận dữ, phủ nhận, đau khổ,…
(b) Xác định về nguyên nhân và ngọn nguồn của những cảm xúc đó.
Phản hồi theo cách thức mà thầy thuốc có thể nhận ra và kết nối được (a) và (b). Đồng cảm với bệnh nhân không có nghĩa là người thầy thuốc phải có tất cả cảm xúc mà bệnh nhân đang có hoặc là đồng ý với những góc nhìn và quan điểm của bệnh nhân.
Để người bệnh thể hiện cảm xúc, rất khó thảo luận các vấn đề khác cho đến khi cảm xúc này qua đi. Tạo khoảng lặng.
Sẵn sang đón nhận các loại phản ứng, bao gồm giận dữ, buồn thảm, khóc lóc.
Lắng nghe một cách kiên nhẫn.
Thể hiện sự cảm thông.
Nhắc nhở người bệnh về sức mạnh của họ và các nguồn hỗ trợ khác.
Sự nói ra bằng lời những tình cảm của bệnh nhân giúp bệnh nhân nhận dạng những cảm xúc của họ. “Ngay lúc này, anh (chị, ông/ bà) cảm thấy như thế nào?.”
7.6. Bước 6: Thảo luận chiến lược và tóm tắt.
Tóm tắt vấn đề quan trọng nhất để giúp bệnh nhân thoát ra được khỏi sự lẫn lộn. Xây dựng một loại chương trình với bệnh nhân bằng cách giải thích cho bệnh nhân điều gì sẽ xảy ra sau đó (có thể là những xét nghiệm sắp tới, thời gian điều trị…..)
Đảm bảo rằng người bệnh sẵn sàng tham gia trước khi thảo luận kế hoạch tương lai.
Thảo luận các chọn lựa.
Tóm tắt lại thông tin đã thảo luận và quyết định đã thông qua.
Cố gắng trình bày những hy vọng có thể có.
Những thay đổi trong mục tiêu chăm sóc hoặc địa điểm chăm sóc.
Các xét nghiệm hoặc các chế độ điều trị tiếp theo (điều trị bệnh hoặc chăm sóc giảm nhẹ)
Thảo luận các nguồn lực hỗ trợ tâm lý xã hội tiềm năng.
Theo dõi kiểm tra sự hiểu biết của người bệnh về vấn đề được thảo luận và trả lời câu hỏi. Hỏi bệnh nhân xem họ còn thắc mắc gì khác không và có điều gì cần được giải thích rõ thêm không.
Nếu cần, đề nghị một cuộc gặp gỡ khác vì cần có thời gian để người bệnh hiểu điều gì đang xảy đến cho họ.
Lưu ý: Luôn cho bệnh nhân cảm nhận được rằng bác sĩ luôn luôn sẵn sàng để tư vấn và hỗ trợ bệnh nhân.
8. Lợi ích của việc học kỹ năng thông báo tin xấu.
Bệnh nhân thích ứng tâm lý tốt hơn.
Giảm căng thẳng/stress cho các bác sĩ.
Có thể thiết kế một cuộc hội thoại mở giữa bệnh nhân, thân nhân và các bác sĩ.
Trao quyền quyết định cho bệnh nhân qua việc cho phép họ được cất tiếng nói về việc điều trị của họ.
9. Lưu ý khi thông báo chẩn đoán/thông báo tin xấu.
Thông báo một tin xấu cũng gây ra những hậu quả như thông báo về cái chết của một người thân. Người nhận thông tin (bệnh nhân hoặc gia đình của bệnh nhân) sẽ đắm chìm trong sốc cảm xúc và cần có thời gian để thiết lập lại. Vì thế thông tin phải đơn giản, rõ ràng và đôi khi phải được lặp lại. Bệnh nhân và gia đình phải cảm thấy được đồng hành trong thử thách đầy khó khăn này. Thông báo phải luôn trong tiến trình tương tác. Đặc biệt cần lưu ý các giai đoạn phản ứng trước mất mát và chấp nhận bệnh của bác sĩ Elizabeth Kubler-Ross.
– ThS. Trần Thị Uyên Phượng (phuong.tran@nucuoitraitim.com)
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fanpage của Nụ Cười Trái Tim. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- A.V.Kvaxencô, Iu.G.Dubakarep, (1980), Tâm lý bệnh nhân, NXB Y học Hà Nội, NXB Mr Maxcơva.
- Beverley Mc.Namara, (2001), Fragile Lives: Death, Dying and Care, Crows Nest, N.S.W: Allen & Unwin.
- Ellizabeth Kubler-Ross, (1989) On Death and Dying, London: Routledge. First published in Great Britain in 1970 by Tavistocl Publications Limited.
- Innes S, Payne S; Advanced cancer patients’ prognostic information preferences: a review. Palliat Med. 2009 Jan; 23(1):29-39. Epub 2008 Oct 24
- Fujimori M, Uchitomi Y; Preferences of cancer patients regarding communication of bad news: a systematic Jpn J Clin Oncol. 2009 Apr; 39(4):201-16. Epub 2009 Feb 3
- Nguyễn Thị Mỹ Châu (Chủ biên), (2011), Giáo trình Tâm lý Y khoa, Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Bộ môn Tâm thần-Tâm lý Y Khoa.
- Vũ Đức (2009), Mục vụ cho bệnh nhân, NXB Tôn Giáo
- SPIKES-A six-step protocol for delivering bad news: application to the patient with cancer. Baile WF, Buckman R, Lenzi R, Glober G, Beale EA, Kudelka AP. Oncologist. 2000; 5(4):302-11.