HỌC TÂM LÝ LÀ HỌC GÌ?
Mọi người cắt nghĩa từ ‘tâm lý’ như thế nào? Tâm là tâm can và lý là lý trí? Mình nghĩ nhanh cho vui thôi nhưng coi bộ cũng hợp lý. Thật ra, từ tiếng anh Psychology bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp với ‘psyche’ nghĩa là tâm hồn hay tinh thần (soul/spirit/breath) và ‘logos’ là học hoặc nghiên cứu. Vậy nghĩa nguyên thủy của từ ‘tâm lý’ là ngành học về tâm hồn hay tinh thần (1).
Vậy chính xác thì học gì về tinh thần? Theo khái niệm trong sách Psychology (1), chúng ta sẽ học về những gì diễn ra bên trong não bộ của con người, ví dụ như quá trình nhận thức qua các giác quan, quá trình học tập, tư duy, trí nhớ, quá trình học ngôn ngữ, ý thức, động lực và cảm xúc. Tuy nhiên, định nghĩa về tâm lý không chỉ dừng ở mặt tinh thần hay các quá trình nhận thức mà còn bao gồm cả hành vi. Điều này được thể hiện rõ qua lịch sử của ngành tâm lý với các thuyết tâm lý về hành vi như thuyết hành vi của John Watson, Burrhus Frederic Skinner hay thuyết nhận thức – hành vi của Aaron Beck. Chính vì có yếu tố hành vi nên tâm lý được gọi là ngành khoa học do yêu cầu sự quan sát (observation).
Vậy, chúng ta có thể nói rằng: tâm lý là bộ môn khoa học về nhận thức (những gì xảy ra bên trong não bộ) và hành vi (những gì biểu hiện ra bên ngoài). Mục tiêu của bộ môn tâm lý học theo trang web Verywell là (2):
a. Mô Tả (Describe) suy nghĩ và hành động của con người.
b. Giải Thích (Explain) mối liên hệ giữa suy nghĩ và hành động (như mối liên hệ nhân-quả vậy)
c. từ đó đi đến Dự Đoán (Predict) các khuôn mẫu trong suy nghĩ và hành động và Ngăn Chặn (Prevent) hoặc Thay Đổi (Change) các suy nghĩ hay hành động không mong muốn/gây hại (có thể qua các phương pháp trị liệu nhất định, còn tùy thuộc vào trường phái chúng ta theo đuổi)
Theo mình cảm nhận thì mục tiêu nghề nghiệp của một nhà tâm lý là giúp đỡ và cải thiện chất lượng sống, sự hạnh phúc và sức khỏe tổng thể (tinh thần lẫn thể chất) của con người.
Một số nội dung học trong tâm lý
Thật ra để xem nội dung học trong tâm lý là gì chúng ta có thể tham khảo giáo án của các trường đại học, họ đều đăng trên website của trường cả. Do mình không học tâm lý ở Việt Nam nên không rõ giáo trình sẽ thế nào, nên chúng ta có thể tham khảo thử giáo trình của trường TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHXH & NHÂN VĂN nhé.
Về lý thuyết
Về trải nghiệm của mình ở trường Twente thì mọi người có thể thấy hình bên dưới là 5 quyển sách mà mình đã học cho môn Lý Thuyết trong năm nhất vừa rồi. Quyển nào cũng to sụ. Một kỳ học của mình kéo dài 2.5 tháng và số lượng chương cần đọc lên đến hơn 10 chương/kỳ (1 chương tầm 30-50 trang). Thành ra lượng kiến thức rất nhiều và một số chủ đề cũng bị lặp lại ở các kỳ sau.
Sau khi đọc qua các sách giáo khoa này, mình nhận thấy nội dung sách sẽ được viết theo hướng (a) đưa ra một lý thuyết/giả thuyết, (b) giới thiệu tác giả/nhà nghiên cứu, ngữ cảnh của các thí nghiệm/nghiên cứu của họ về lý thuyết/giả thuyết đó, và (c) đi kèm các ví dụ trong đời sống để giải thích rõ hơn về lý thuyết/giả thuyết.
Chúng ta sẽ cùng xem qua một số nội dung của các quyển sách này nhé.
Quyển thứ nhất là “Psychology” với nội dung theo mình là khá bao quát về các chủ đề liên quan đến tâm lý (nhận thức và hành vi), vì đây là quyển sách nhập môn cho học kỳ đầu tiên, ở các kỳ sau mình được học sâu hơn về một số chủ đề cụ thể.
Nội dung của sách bao gồm: giải thích bộ môn tâm lý học, khía cạnh sinh học của tâm lý, và các chủ đề khác như các giác quan và nhận thức, ý thức, quá trình học tập, trí nhớ, quá trình tư duy (suy nghĩ, trí thông minh và ngôn ngữ), sự phát triển của vòng đời con người, động lực và cảm xúc, tình dục và giới tính, căng thẳng và sức khỏe, tâm lý học xã hội, các lý thuyết về nhân cách, các rối loạn trong tâm lý và các phương pháp trị liệu trong tâm lý.
Quyển thứ 2 Social Psychology (tâm lý học xã hội) chủ yếu nói về các chủ đề như: social self (cách chúng ta định nghĩa bản thân), đánh giá bản thân và xây dựng con người mà chúng ta muốn người khác/xã hội nhìn thấy), perceiving person (mối liên hệ giữa quá trình chúng ta nhìn nhận bản thân và ảnh hưởng của việc nhìn nhận đó lên cách phân tích các sự kiện và con người trong xã hội), Stereotype, prejudice, discrimination (khuôn mẫu-định kiến-sự phân biệt), attitude (thái độ), group process (quá trình nhóm – ảnh hưởng của cá nhân lên nhóm và ngược lại), và vân vân. Mình chỉ có thể đưa ra các chương mình được học, cũng đang không có sách ở đây nên không thể nói sâu hơn. Cơ bản là chương này giúp mình biết và hiểu về sự ảnh hưởng của xã hội lên cách chúng ta nhìn nhận bản thân và nhìn nhận người khác, và ngược lại.
Quyển thứ 3 là Developmental Psychology (tâm lý học phát triển). Wow, quyển này nội dung thật sự khủng vì có nhiều chương lắm, kiểu như nói về quá trình phát triển tâm lý của chúng ta từ lúc mới sinh cho đến khi mất đi, và các vấn đề liên quan khác như quá trình phát triển sinh học, phát triển hành động, suy nghĩ và vân vân. Một số chương mình đã học qua bao gồm: moral development (sự phát triển của đạo đức), attraction & relationships (sự quyến rũ và các mối quan hệ), Upbringing & the family (quá trình nuôi dưỡng và gia đình), prosocial & anti social behavior (các hành vi thuận và chống đối xã hội).
Quyển thứ 4 và thứ 5 được các thầy trường mình biên tập lại để phù hợp với giáo trình từng kỳ nên là mỗi quyển chứa các chương từ 3 quyển sách khác nhau.
Quyển thứ 4 Brain and Cognition (não bộ và nhận thức) cho mình kiến thức về:
- Biopsychology (tâm lý sinh học): ở đây nói về các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể của chúng ta ảnh hưởng thế nào đến tâm lý (nhận thức và hành vi), ví dụ như quá trình tiến hóa, gen di truyền & những trải nghiệm (Evolution, Genetics, and Experience), giải phẫu học hệ thần kinh trung ương (Anatomy of the nervous system), các dẫn truyền thần kinh & dẫn truyền synap (neural conduction & synaptic transmission), và các phương pháp nghiên cứu của tâm lý sinh học (research methods in biopsychology).
Học cái này lúc đầu nhằn dễ sợ vì một số từ mình không tìm được nghĩa tiếng Việt luôn (hờ hờ), nhất là học về cấu trúc của bộ não với dẫn truyền synap đó, urggg, nhưng mà học rất là thích. Học xong mới thấy trân quý cơ thể hơn và ngưỡng mộ tạo hóa cũng như bộ não con người lắm.
- Cognition (nhận thức): các chương ở quá trình nhận thức sẽ bàn về quá trình của sự chú ý (attention), trí nhớ ngắn hạn – dài hạn, trí nhớ làm việc (short-long term & working memory), quá trình học ngôn ngữ và phát triển ngôn ngữ (language)
Quyển thứ 5 là The Individual (Cá nhân) cho mình thêm kiến thức về:
- Counseling (nhập môn tham vấn tâm lý): cơ bản là trả lời cho các câu hỏi về tham vấn như: tham vấn là gì, các trường phái trong tham vấn tâm lý, quá trình tham vấn diễn ra như thế nào, sứ mệnh của người tham vấn trong từng trường phái là gì và vân vân. Đọc xong mấy chương này, ngồi nghiệm lại với trải nghiệm cá nhân mình thấy bản thân phù hợp với hướng tham vấn nhân văn.
- Psychological testing & assessment (kiểm tra và đánh giá tâm lý): định nghĩa và sự khác nhau giữa kiểm tra và đánh giá tâm lý
- Personality psychology (tâm lý học nhân cách): các chương ở chủ đề này bàn về các thuyết phát triển nhân cách và tính cách (NC&TC) của chúng ta như mô hình Five-factor/Big Five của Warren Norman and Lewis Goldberg (Openess – cởi mở, Conscientiousness – tận tâm, Agreeableness – dễ chịu, Extraversion – hướng ngoại, Neuroticism – nhạy cảm/tâm lý bất ổn), mô hình HEXACO (như mô hình Big Five nhưng thêm 1 đặc điểm là Honest-Humility (trung thực-khiêm tốn), mô hình nhân cách của Hans Eysenck, phân loại chu vi nhân cách của Timothy Leary và Jerry Wiggins (circumplex taxonomies of personality).
Ngoài ra còn có sự phát triển của NC&TC qua thời gian, sự bền vững và sự thay đổi của NC&TC, động lực và NC&TC, danh tính tự sự của McAdams (narrative identity) và vân vân. Kiểu như mình thấy và hiểu được cách mà chúng ta phát triển những NC&TC hiện có.
Các dự án nhóm (Group Project)
Ngoài phần lý thuyết ra thì ở mỗi kỳ mình đều có môn dự án nhóm với mục tiêu là áp dụng những gì học được trong sách vào giải quyết các vấn đề thực tế trong đời sống.
Ví dụ như ở kỳ 1, tụi mình được học về một mô hình cơ chế tâm lý, và sau đó phải áp dụng mô hình đó để tạo ra một chương trình phòng chống về mặt tâm lý (psychological intervention program) cho một nhóm đối tượng bị béo phì/thừa cân ở Hà Lan. Cũng đi từ tìm hiểu vấn đề, rồi tìm hiểu tư duy-suy nghĩ-hành động của đối tượng về vấn đề ăn uống, từ đó lên một số hoạt động mang tính trị liệu để thay đổi tư duy-suy nghĩ-hành động ăn uống không lành mạnh của đối tượng.
Rồi sang kỳ 2 thì tụi mình được học về Tâm lý học xã hội (social psychology). Chủ đề bự của dự án là về sự giận dữ trong thể thao (aggression in sport) nên nhóm mình chọn bóng đá và tập trung vào việc thiết kế một chương trình tâm lý giúp các trọng tài nghiệp dư ở Hà Lan đối mặt và giải quyết sự giận dữ đến từ fan (nhất là hooligan*), huấn luận viên và đơn vị tổ chức. *Hooligan là fan cuồng đến nỗi đánh fan của đội khác, giết nhau, chửi mắng trọng tài hay đập phá khán đài luôn á.
Ở kỳ 3 thì mình học về Tâm lý học nhận thức (Cognitive psychology), chủ đề của trường đưa ra vui lắm. Tụi mình phải áp dụng những lý thuyết về cách mà các giác quan (nghe-nhìn-ngửi-nếm-chạm) hoạt động và chi phối tâm lý (nhận thức & hành vi) để cải thiện trải nghiệm của sinh viên trong ngành. Có 4 sự lựa chọn, một là cái máy bán cà phê ở trường (vốn bị nhiều người than phiền lắm haha), hai là trang Canvas của ngành (là trang cập nhật nội dung học, điểm thi, thông báo các kiểu), ba là cái máy in, và bốn là trang thời khóa biểu của ngành. Nhóm mình chọn thiết kế lại cái trang Canvas và cho tận tới lúc đó mới HIỂU lý do tại sao cái trang Canvas kỳ đó được thiết kế thấy gớm như vậy, dù trường nổi nhất là mảng Technology haha hóa ra là dành cho bài nhóm.
Bài nhóm ở kỳ 4 là phần mình thích nhất vì được học về các lý thuyết nhân cách (personality). Chủ đề bài nhóm của tụi mình là tạo ra một bảng câu hỏi (questionnaire) để đo lường một đặc điểm nhân cách của sinh viên trong quá trình học tập.Ví dụ cho dễ hiểu heng. Nhóm mình chọn tính kỷ luật (self-discipline) và mỗi bạn trong nhóm sẽ đi phỏng vấn 1 bạn ở nhóm khác. Mục tiêu là phải lấy được ít nhất 8 thông tin về hành động của tính kỷ luật trong học tập của các bạn (ví dụ như luôn làm theo to-do-list, hay từ chối đi chơi vì phải học).
Xong tụi mình phải dùng phần mềm Atlas.ti để ghi chú lại nội dung cuộc phỏng vấn và dựa trên nội dung này để tạo ra các coding schemes (tạm dịch là mã hóa hay các cụm từ ngắn tóm tắt hành động có tính kỷ luật á). Xong tụi mình lên một bảng câu hỏi để đo lường tính kỷ luật trong việc học và thầy cô sẽ phân bảng câu hỏi này xuống cho các sinh viên trong ngành. Tối đa 1 nhóm sẽ có 120 phản hồi. Rồi tụi mình thu thập data đó và bắt đầu phân tích kết quả để đánh giá bảng câu hỏi. Do ngành tâm lý ở trường Twente theo hướng Nghiên cứu (Research) nên tụi mình phải học cách viết bài báo cáo khoa học (scientific report).
Kim Anh – CTV Ban biên tập NCTT.
Bài viết được viết với hình thức chia sẻ trải nghiệm, dịch và tổng hợp.
anh.nguyen@nucuoitraitim.com
Nguồn:
1. Sách “Psychology” của Saundra K. Ciccarelli và J. Noland White
2. https://www.verywellmind.com/what-are-the-four-major-goals-of-psychology-2795603
3. Sách “Social Psychology” của Saul Kassin, Steven Fein và Hazel Rose Markus
4. Sách “Developmental Psychology” (tâm lý học phát triển) của Frank Keil
5. Sách “Brain and Cognition” bao gồm các chương từ 3 quyển sách gộp lại. (a) Biopsychology (tâm lý sinh học) của John P.J. Pinel và Steven J. Barnes, (b) (tâm lý) Cognition (nhận thức) của Gabriel A. Radvansky và Mark H. Ashcraft, và (c) Developmental psychology (tâm lý học phát triển) của Frank Keil
6. Sách “The Individual” bao gồm các chương từ 3 quyển sách gộp lại. (a) An introduction to counseling (nhập môn tham vấn) của John McLeod, (b) Psychological testing & assessment (kiểm tra và đánh giá tâm lý) của Ronald Jay Cohen và Mark E. Swerdlik, và (c) Personality psychology (tâm lý học nhân cách) của Randy Larsen và David M. Buss