NGHIỆN GAME ONLINE: TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ
Chứng nghiện game trên máy tính là gì?
Nghiện game trên máy tính được hiểu là việc sử dụng máy tính để chơi game trong thời gian dài và gây ra ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Thay vì tương tác với thế giới thực, những người nghiện chơi game thường hay dành phần lớn thời gian cho việc chơi game. Họ thường tự tách mình khỏi người khác, phớt lờ các trách nhiệm quan trọng, và bị ám ảnh với những thành tựu, địa vị hoặc thứ hạng mà họ có trong trò chơi yêu thích.
Chứng nghiện chơi game có được chẩn đoán là một rối loạn không?
Theo tài liệu DSM-IV (bản hướng dẫn phân loại các rối loạn tâm lý, cảm xúc, và tinh thần) thì câu trả lời là không. Mặc dù có rất nhiều chuyên gia về sức khỏe tâm thần và cả các bậc cha mẹ đã kêu gọi hãy xem chứng nghiện game là một dạng rối loạn ‘thật sự’, nó vẫn chưa chính thức được công nhận như vây.
Dựa trên những nghiên cứu về sự ảnh hưởng của việc chơi game quá mức, nhiều người tin rằng việc nghiện game được phân loại như một hành vi cưỡng chế, tương tự như nghiện cờ bạc, là một chuyện sớm muộn.
Những triệu chứng của việc nghiện game biểu hiện như thế nào?
Vì không có một sự chẩn đoán chính thức nào về nghiện game trên máy tính, nên ta sẽ không có một sự thống nhất toàn cầu về các triệu chứng của nghiện game. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học và các chuyên gia sức khỏe tâm thần đã chọn các tiêu chí chẩn đoán của chứng nghiện cờ bạc, và sử dụng nó như một công cụ đánh giá thô cho chứng nghiện game.
Công cụ này thật ra rất ít được sử dụng ở thời điểm hiện tại, và cho dù mọi chuyện có tốt hơn hay tệ đi, việc cần thiết trong việc chẩn đoán chứng nghiện game là tùy thuộc vào các nhà nghiên cứu hoặc bác sĩ lâm sàng. Tuy nhiên, sẽ luôn có những dấu hiệu và hành động mà mọi định nghĩa về chứng nghiện game đều nhắc đến, ví dụ như:
- Việc học tập, công việc hoặc các mối quan hệ bị ảnh hưởng nhiều
- Người nghiện hay né tránh các trách nhiệm để tiếp tục chơi game
- Họ thường xuyên từ chối các lời mời tương tác xã hội để chơi game
- Họ dành phần lớn thời gian rảnh để chơi game
- Họ hay chơi game đến tận khuya và có thói quen ngủ trễ
- Họ mất sự hứng thú với các thú vui trong quá khứ
- Và thường xuyên chơi game suốt 8 tiếng hoặc không ngừng nghỉ
Ai là người có nguy cơ cao mắc chứng nghiện game?
Mặc dù ai chơi game cũng có thể bị nghiện, một số nhóm đối tượng có nguy cơ phát triển mức độ nghiện game cao hơn các đối tượng còn lại, ví dụ như:
- Nam giới
- Trẻ em và thanh thiếu niên
- Những người gặp các vấn đề tâm lý (trầm cảm, lòng tự trọng thấp, lo lắng…)
- Những người có thời khóa biểu không quy củ (ví dụ, một bạn thanh thiếu niên không tham gia các hoạt động ngoại khóa nào ngoài việc học)
- Những người bị loạn thần kinh nặng
- Những đứa trẻ bốc đồng và có kỹ năng xã hội thấp
Tại sao chơi game lại có thể gây nghiện như vậy?
Đầu tiên chúng ta phải lưu ý rằng có những trò chơi dễ gây nghiện hơn các trò chơi khác. Ví dụ, hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng thể loại game MMO (massively multiplayer online – tạm dịch ‘game online nhiều người chơi’) như World of Warcraft hay FPS (first person shooter – tạm dịch ‘người bắn đầu tiên’) như Call of Duty, dễ gây nghiện hơn các game về đua xe hay biểu diễn.
Lý do ngắn gọn được đưa ra là do các trò chơi này có sử dụng các yếu tố tâm lý khuyến khích người chơi phải chơi trong thời gian dài. Những trò chơi này thường:
- Dựa trên hệ thống thăng cấp và yêu cầu thời gian ngắn để tăng cấp ở những giai đoạn đầu, và dần dần yêu cầu thời gian chơi nhiều hơn để đạt đến cấp tiếp theo
- Có kết thúc mở và không rõ ràng
- Yêu cầu sự hợp tác với người chơi khác để thăng cấp, và điều này tạo ra sự ràng buộc, sự tận tậm với các chiến hữu cùng chơi. Thời gian chơi game vì thế cũng cần phải kéo dài để cải thiện kỹ năng của nhân vật.
- Thường dựa trên lịch trình tỉ lệ biến thiên (variable-ratio) hoặc khoảng nghĩ biến thiên (variable interval) của sự củng cố thứ hạng trong game, và khuyến khích người chơi phải chơi lâu hơn ngay cả khi không có phần thưởng.
Việc nghiện game ở trẻ em có phổ biến không?
Tùy thuộc vào các phương pháp nghiên cứu và định nghĩa về chứng nghiện game được sử dụng, các nhà nghiên cứu ước lượng khoảng 2-10% trong số tất cả trẻ em chơi game sẽ bị nghiện. Các dự đoán chính xác và nhất quán là khả thi nếu các tiêu chí chẩn đoán nghiêm ngặt về nghiện game trên máy tính được giới thiệu.
Nghiện game trên máy tính có khác với nghiện video game, nghiện online và nghiện Internet không?
Câu trả lời là có dù những từ này đôi khi được sử dụng thay thế lẫn nhau và gây ra sự hiểu lầm. Nhìn chung thì:
- Nghiện game trên máy tính thường liên quan đến việc chơi game trong thời gian dài trên máy tính cá nhân. Các trò chơi thường thuộc thể loại MMO và FPS. Một yếu tố khiến game trên máy tính dễ gây nghiện hơn các loại game khác là do người chơi phải hợp tác hoặc chống lại người khác.
- Nghiện video game có thể bao gồm cả nghiện game trên máy tính, game dùng điều khiển hoặc hệ thống cầm tay.
- Thuật ngữ ‘nghiện Internet’ và ‘nghiện online’ thỉnh thoảng vẫn được dùng để chỉ nghiện game trên máy tính, nhưng nghiêng về hành vi lướt trang web, kiểm tra email, tin nhắn, Facebook hoặc tải phim, ảnh và nhạc quá mức.
Nghiện game trên máy tính có giống với nghiện rượu, nghiện chất và nghiện cờ bạc không?
Trong khi nghiện rượu và nghiện chất bao gồm cả khía cạnh thể xác và tâm lý, thì nghiện game trên máy tính thường được xem là một hành vi mất kiểm soát chỉ liên quan đến yếu tố tâm lý. Trong trường hợp này, nghiện game có thể giống với nghiện cờ bạc hơn là nghiện rượu hoặc chất.
Các hậu quả chính của nghiện game trên máy tính là gì?
Mặc dù có nét tương đồng với nghiện game trên máy tính, các hệ quả của việc chơi game quá nhiều thường được chia làm 6 nhóm:
- Hệ quả đến xã hội: vì người nghiện game thường dành nhiều thời gian cho máy tinh, họ sẽ có ít tương tác trực tiếp với người khác. Kết quả là họ phải trải qua cảm giác cô lập và cô đơn, bị mất bạn bè hay các mối quan hệ quan trọng.
- Hệ quả đến học tập/sự nghiệp: những trẻ em bị nghiện game thường có kết quả học hành sa sút và sự quyết tâm cũng giảm đáng kể. Việc hoàn thành bài tập, học để thi hay sự nỗ lực tự học trong trường và ở nhà nhận được sự ưu tiên thấp. Tương tự như trẻ em, người lớn khi nghiện game trên máy tính cũng có hiệu quả làm việc sa sút, giảm sự khát vọng và quyết tâm trong công việc.
- Hệ quả đến tài chính: Người trưởng thành và thanh thiếu niên có thể sẽ dành rất nhiều tiền và thời gian cho những trò chơi mới, mua thêm các đồ dùng trong game, phí quản lý game hoặc nâng cấp máy tính. Trong những trường hợp nghiêm trọng, họ có thể bị mất việc nếu hiệu quả làm việc không tốt, chơi trong giờ làm việc hoặc thường xuyên vắng mặt.
- Hệ quả đến gia đình: nghiện game trên máy tính có thể gây rạn nứt các mối quan hệ trong gia đình. Những mâu thuẫn trong gia đình có thể sẽ tăng cao khi yêu cầu ngừng chơi bị phớt lờ. Những người bị nghiện game thường từ chối nhìn nhận vấn đề, cố gắng che giấu về thời gian chơi và buộc tội người khác đang kiểm soát cuộc sống của họ. Các bậc cha mẹ có thể không đồng ý với con mình về việc chơi game và có thể dẫn đến nhiều mâu thuẫn và tranh cãi.
- Hệ quả đến sức khỏe: những người nghiện game trên máy tính có thể sẽ không chăm sóc bản thân sạch sẽ, có thói quen ngủ không đúng giờ, từ bỏ việc tập thể thao, và ăn những bữa ăn nhanh để giờ chơi game không bị gián đoạn.
- Hệ quả đến tâm lý/cảm xúc: họ còn có thể cảm thấy muộn phiền, lòng tự trọng thấp, mắc phải rối loạn lo âu xã hội, sự chịu đựng thấp đối với nỗi thất vọng, dễ bực tức và cảm thấy tội lỗi hay xấu hổ vì không thể kiềm chế cơn nghiện game. Một lưu ý nhỏ là dường như sự khó khăn mà họ gặp phải trong những lĩnh vực khác có thể gây ra hoặc bị gây ra bởi chứng nghiện game trên máy tính này.
Chứng nghiện game trên máy tính được điều trị như thế nào?
Bởi vì chứng nghiện game trên máy tính là một sự nhân tố mới trong thế giới sức khỏe tâm thần, những phương thức điều trị về vấn đề này chưa thật sự phát triển như các rối loạn tâm lý khác (trầm cảm, lo âu, giận dữ…).
Phần lớn những buổi can thiệp thường áp dụng phương thức CBT (cognitive-behavior therapy – tạm dịch ‘trị liệu nhận thức-hành vi’) để thay đổi cách mà người nghiện nghĩ về việc nghiện game của họ (ví dụ như nhận ra những suy nghĩ bị bóp méo đã được tạo ra khiến họ tin rằng việc nghiện game không phải là vấn đề), và đồng thời thay đổi hành vi của họ (ví dụ, đặt ra những lịch trình nghiêm ngặt cho giờ chơi game, hoàn thành các trách nhiệm trước khi chơi game, dùng phần mềm chặn game, và vân vân).
Các cách điều trị chứng nghiện game có thể là:
a) Trị liệu cá nhân: người nghiện game sẽ được một bác sỹ tâm lý có chuyên môn về chứng nghiện game hoặc các chứng nghiện chung chung điều trị.
Ưu điểm: quá trình điều trị được tạo ra dựa trên từng cá nhân, và các nguyên lý điều trị và ngăn ngừa trong tâm lý.
Nhược điểm: việc tìm kiếm một nhà chuyên môn điều trị về chứng nghiện game tại địa phương có thể không dễ dàng. Quá trình điều trị có khi rất đắt và thường yêu cầu nhiều buổi trị liệu.
b) Trị liệu gia đình: nhất là khi người nghiện là trẻ em hoặc thanh thiếu niên
Ưu điểm: chứng nghiện game trên máy tính của một người luôn luôn ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, và cơ hội phục hồi sẽ cao hơn khi các thành viên này đều được tham gia vào buổi trị liệu và cùng nhau thực hiện những mục tiêu đã đề ra.
Nhược điểm: việc tìm kiếm một chuyên gia điều trị chứng nghiện game với hình thức trị liệu gia đình còn khó hơn phương pháp 1. Ngoài ra, nhiều người thân có thể nghĩ rằng việc nghiện game chỉ là vấn đề của người nghiện và không sẵn sàng tham gia vào việc buổi trị liệu.
c) Trị liệu nội trú (rất hiếm ở Bắc Mỹ nhưng phổ biến ở Hàn Quốc và Trung Quốc)
Ưu điểm: những buổi can thiệp cường độ cao được đưa ra mỗi ngày bởi một nhóm các chuyên gia
Nhược điểm: rất đắt tiền (~10.000 đô)
d) Trị liệu vùng hoang dã (wilderness therapy): những buổi trị liệu ngoài trời kết hợp rèn luyện kỹ năng sinh tồn, đội nhóm, đặt mục tiêu, và phát triển sự tự tin vào bản thân. Những chương trình này kéo dài ít nhất 30 ngày và người tham gia không có cơ hội nào để tiếp cận game.
Ưu điểm: loại bỏ hoàn toàn sự tiếp xúc với game trong một thời gian dài, sống trong môi trường hoang dã, tập trung vào việc phát triển nhân cách và trách nhiệm cá nhân.
Nhược điểm: rất đắt tiền và có ít chương trình như vậy tại địa phương. Không có nhiều chương trình tập trung vào chứng nghiện game mà thường sẽ bao gồm các vấn đề về hành vi khác, và phương pháp trị liệu này cũng chỉ được cung cấp cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên.
e) Trị liệu bằng sách
Ưu điểm: tiện lợi, giá phải chăng và tiếp cận được những lời khuyên từ chuyên gia điều trị chứng nghiện game trên máy tính.
Nhược điểm: lời khuyên hoặc sự can thiệp có thể đã lỗi thời trong cách nghiên cứu hoặc phương pháp điều trị nếu quyển sách đó không được cập nhật thường xuyên.
Việc chơi game trên máy tính với thời gian vừa phải có khả thi không?
Câu trả lời là có. Phần lớn nhiều người vẫn chơi game với thời gian vừa phải, họ chơi với mục đích giải trí và xã giao với những người bạn. Tuy nhiên, vẫn có một số người dễ nghiện game hơn người khác. Với những đối tượng này, những thể loại game như MMO rất dễ gây nghiện và nên được tránh (với người lớn) hoặc nghiêm cấm (với trẻ em) để phòng ngừa các thói quen chơi game có hại.
Tác giả: Dr. Brent Conrad
Dịch bởi Kim Anh – CTV Ban biên tập NCTT
anh.nguyen@nucuoitraitim.com
Bài dịch đã được sự đồng ý của tác giả Brent Conrad
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fan page của Nụ Cười Trái Tim”. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
—
Nguồn: Conrad, B. (n.d.). Computer Game Addiction – Symptoms, Treatment, & FAQs. Retrieved from http://www.techaddiction.ca/computer_game_addiction.html?fbclid=IwAR3kWCqPZ_spJebpQlUah62rpSThW2n6KZ5-6yYMaPYDgINRoCgbRNTBdY4