SỰ KHÁC BIỆT ĐÁNG KỂ GIỮA NỖI BUỒN VÀ CHỨNG TRẦM CẢM
Trong những năm hành nghề, tôi đã gặp rất nhiều người vật lộn với chứng trầm cảm mà họ nghĩ đó đơn thuần chỉ là nỗi buồn. Tôi cũng gặp vô số người khác hay lo âu và có những nỗi buồn sâu sắc thì họ lại cho rằng đó họ có thể bị trầm cảm. Bởi vì chúng ta cho rằng triệu chứng ban đầu của trầm cảm gắn liền với sự lan tỏa của nỗi buồn, nhiều người trong chúng ta vẫn đang tìm cách phân biệt hai trạng thái tâm lý này. –Tiến sĩ Guy Winch–
Đây là một vấn đề lớn.
Sự nhầm lẫn giữa nỗi buồn và trầm cảm có thể khiến chúng ta bỏ qua tình trạng nghiêm trọng cần phải có sự can thiệp điều trị (cho trầm cảm, hay mặt khác chúng ta có phản ứng thái quá cho một trạng thái cảm xúc bình thường (nỗi buồn). Và đây là sự khác biệt chính yếu giữa hai trạng thái: Nếu chúng ta (hay người thân) bị trầm cảm, thì rối loạn này có tác động lâu dài đến sức khỏe tâm thần, sức khỏe thể chất và tuổi thọ của chúng ta.
Sự khác biệt giữa Nỗi buồn và Trầm cảm
Nỗi buồn là một cảm xúc bình thường của con người. Chúng ta hầu hết ai cũng từng trải qua và sẽ tiếp tục đối mặt với nó. Nỗi buồn thường được kích hoạt bởi một sự kiện, một trải nghiệm hay một tình huống khó khăn, gây tổn thương, thử thách hoặc gây ra thất vọng. Nói cách khác, chúng ta có khuynh hướng cảm thấy buồn về một điều gì đó khi trải qua những sự kiện, tình huống như vậy. Điều này cũng có nghĩa khi điều gì đó thay đổi, khi cảm xúc tổn thương phần nào phai nhạt, khi chúng ta đã thích nghi hay đã vượt qua sự mất mát hay nỗi thất vọng, thì nỗi buồn cũng nguôi ngoai.
Trong khi Trầm cảm là một trạng thái cảm xúc bất thường, đó là một dạng bệnh lý tâm thần có tác động thường xuyên và lan rộng đến suy nghĩ, cảm xúc, nhận thức và hành vi của chúng ta. Khi bị trầm cảm chúng ta cảm thấy buồn về mọi thứ. Không nhất thiết phải có sự kiện, hay tình huống, hay sự mất mát, sự thay đổi hoàn cảnh nào xảy ra thì mới là tác nhân gây ra trầm cảm. Thực tế thì trầm cảm thường xuất hiện khi không có các yếu tố kích hoạt như trên. Cuộc sống của người bị trầm cảm trên lý thuyết có thể hoàn toàn ổn – họ thậm chí thừa nhận điều này đúng – nhưng họ vẫn cảm thấy khó chịu vì nó.
Trầm cảm bóp méo các khía cạnh đời sống của chúng ta, nó làm mọi thứ bớt đi sự thú vị, làm giảm sự quan tâm, giảm đi tầm quan trọng, không còn dễ thương và không còn đáng giá. Trầm cảm làm sụt giảm năng lượng, hao mòn động lực, và mất khả năng tận hưởng niềm vui, ước mơ, sự hứng khởi, các hoạt động, sự hài lòng, các mối tương quan với người khác và ý nghĩa sống. Tất cả các ngưỡng của bạn có xu hướng bị giảm xuống. Bạn trở nên thiếu kiên nhẫn, dễ nóng giận và nản lòng, dễ dàng bị gục ngã, và bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để trở lại con người của bạn như trước đây.
Trong buổi nói chuyện trên chương trình TED, tôi có thảo luận về một trong những hậu quả tai hại của sự nhầm lẫn giữa nỗi buồn và trầm cảm, đó là: cách thức mong đợi mà một người đang phải vật lộn với chứng rối loạn trầm cảm là họ phải buộc bản thân ngừng buồn bã, và được bảo là “tất cả chỉ là diễn ra trong đầu bạn thôi”, hay “hãy chọn để được hạnh phúc!” các ý kiến như vậy mang lại một sự hiểu sai sâu sắc về trầm cảm. Sự hiều lầm này chỉ khiến người bị trầm cảm có cảm giác tệ hơn.
Những triệu chứng thật sự của Trầm cảm
Để ra được chẩn đoán trầm cảm, một người phải có ít nhất 5 trong số các triệu chứng được liệt kê như sau, và các triệu chứng này kéo dài liên tục trong khoảng thời gian ít nhất 2 tuần. Lưu ý: mức độ nặng của những triệu chứng này cần được xem xét và đánh giá, vì vậy hãy xem đây chỉ là hướng dẫn và bạn cần phải tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần cho một kết luận chẩn đoán chính xác:
- Hầu hết thời gian có tâm trạng buồn rầu, thất vọng và cáu kỉnh.
- Mất hoặc giảm hứng thú trong hầu hết các hoạt động, bao gồm những hoạt động trước đây đã từng mang lại niềm vui và hứng khởi.
- Thay đổi đáng kể về trọng lượng cơ thể hoặc cảm giác ăn uống.
- Rối loạn giấc ngủ, hoặc khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
- Cảm giác vận động chậm lại, hoặc bứt rứt hầu hết các ngày.
- Cảm giác mệt mỏi, uể oải, và có ít năng lượng hầu hết các ngày.
- Có cảm giác vô dụng, hay cảm thấy có nhiều tội lỗi hầu hết các ngày.
- Cảm giác có vấn đề về nhận thức, khó tập trung, khó chú ý, sự sáng. tạo, và khả năng quyết định trong hầu hết các ngày.
- Có suy nghĩ về cái chết hay tự sát.
Nếu bạn nghĩ bạn hay người thân của bạn có thể bị rối loạn trầm cảm, hãy tìm đến sự tham vấn từ một chuyên gia sức khỏe tâm thần lành nghề để được chẩn đoán và điều trị. Trầm cảm là một bệnh lý tâm thần cực kỳ phổ biến và có rất nhiều cách điều trị khác nhau có thể phù hợp và có lợi cho hầu hết mọi người.
____
Bài viết đã được sự đồng ý của tác giả là Tiến sĩ Guy Winch cho phép NCTT dịch ra tiếng Việt. Tạm dịch bởi Nguyễn Thiên Khanh (Khanh.Nguyen@nucuoitraitim.com) – Cộng tác viên Mảng dịch thuật, Văn phòng Nụ Cười Trái Tim.
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Tên người dịch và biên tập + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fan page của Nụ Cười Trái Tim”. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Đôi điều về Tiến sĩ Guy Winch: ông là nhà tâm lý có chứng chỉ hành nghề, là một diễn giả và là tác giả của ba quyển sách nổi tiếng như liệt kê bên dưới.
Ông nhận bằng Tiến sĩ về Tâm lý học Lâm sàng của Đại học New York năm 1991, va hoàn tất chương trình học sau Tiến sĩ về trị liệuu cặp đôi và gia đình tại trung tâm Y Khoa NYU. Ông đã từng làm việc với cá nhân, gia đình tại phòng tham vấn tư của ông từ 1992. Ông là thành viên của Hội Tâm Lý Hoa Kỳ.
Các tác phẩm tiêu biểu:
- Emotional First Aid: Healing Rejection, Guilt, Failure, and Other Everyday Hurts (Plume, 2014). Sách đã được dịch ra 26 ngôn ngữ, và dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Sơ cứu cảm xúc – Chữa lành những tổn thương trong đời sống thường nhật”, đường dẫn : https://dongtay.vn/sach/so-cuu-cam-xuc-chua-lanh-nhung-ton-thuong-trong-doi-song-thuong-nhat-7928
- How to Fix a Broken Heart (TED Books/Simon &Schuster)
- The Squeaky Wheel: Complaining the Right Way to Get Results, Improve Your Relationships and Enhance Self-Esteem (Walker & Company, 2011)
Nguồn tham khảo:
Guy Winch, Ph.D., The Important Difference Between Sadness and Depression, đăng trên trang Psychology Today ngày 02/10/2020, truy cập ngày 11/10/2020, dẫn từ nguồn https://www.psychologytoday.com/intl/blog/the-squeaky-wheel/201510/the-important-difference-between-sadness-and-depression?