TÌM HIỂU VỀ SỰ BẤT LỰC DO HỌC ĐƯỢC (learned helplessness)
Bất lực là một trạng thái tâm lý mà có lẽ phần lớn trong chúng ta ai cũng đã từng trải qua một lần trong đời. Hãy nhớ lại, bạn đã từng chán nản và không muốn làm gì để thay đổi một công việc nào đó chưa? Hay tin rằng ‘mình sẽ không thể nào thành công’ sau 3 lần thất bại trong việc triển khai một ý tưởng kinh doanh? Hoặc cảm thấy không cần phải cố gắng hoàn thiện bản thân trong tình yêu vì có suy nghĩ ‘mình có làm thế thì người ta cũng chẳng để ý’?
Tôi tin bạn có thể nghĩ ra nhiều ví dụ hơn nữa. Vậy có điều gì đặc biệt về sự bất lực này. Đó là nó có thể ‘học được’ và có khả năng khiến chúng ta không muốn cố gắng và thay đổi những gì đang diễn ra nữa. Tại sao lại như vậy? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về định nghĩa, lời giải thích và cách vượt qua sự bất lực, và tất nhiên chúng ta sẽ không thể bỏ qua buổi thí nghiệm về sự bất lực học được (learned helplessness) của 2 nhà tâm lý Martin Seligman và Steven Maier với những chú chó.
CÂN NHẮC
Trước khi đi vào định nghĩa và mô tả thí nghiệm, có một số điều tôi cần cân nhắc trước với mọi người vì có thể nó sẽ gây khó chịu với những người yêu động vật.
Trong các thí nghiệm tâm lý có sử dụng phòng thí nghiệm, bên cạnh con người thì động vật cũng là một đối tượng nghiên cứu. Vì có những phương pháp xâm lấn không thể thực hiện trên con người như cắt bỏ hay phá hủy một phần não, hoặc shock điện. Theo những gì tôi đọc về quy chuẩn đạo đức trong thí nghiệm, thì các con vật nếu phải hy sinh tính mạng cũng sẽ được chết theo 1 cách ít đau đớn nhất.
Theo trang Tâm lý học tích cực (positive psychology) thì thí nghiệm này của Seligman đã gây ra rất nhiều tranh luận, cũng như là tiền đề cho nhiều lý thuyết tâm lý khác. Martin Seligman được xem là cha đẻ của ngành tâm lý tích cực. Ông có nhiều sách bán chạy và các chủ đề nghiên cứu của ông thiên về bất lực học, tâm lý tích cực, trầm cảm, khả năng phục hồi, sự tích cực và tiêu cực.
- ĐỊNH NGHĨA
Theo nhà tâm lý học Cherry (2020), bất lực học (learned helplessness) được định nghĩa là một hiện tượng diễn ra ở cả con người và động vật, khi mà tâm trí chúng ta đã bị ‘cài đặt’ rằng chúng ta sẽ không bao giờ có thể chống cự hay thay đổi những nỗi đau, sự khó chịu, sự muộn phiền, hay những điều không hay diễn ra trong cuộc đời của tôi. Sự cài đặt này không phải tự nhiên mà có, mà được tạo nên qua bao nhiêu phen thử-ngã-thử-ngã, vì thế nó mới có thêm từ ‘học’ (learned hay conditioned). Cho đến khi sự thử-ngã này đã quá đủ, cho dù có cơ hội hay khả năng trốn thoát hoặc vượt qua những thử thách, chúng ta cũng không muốn cố gắng nữa.
Điều này khiến tôi nhớ đến các từ khóa như ‘cam chịu số phận’, ‘số tôi vậy rồi’hay ‘làm gì cũng không thay đổi được’. Ngoài ra, nó còn liên quan đến suy nghĩ ‘tôi không thể kiểm soát được cuộc đời mình’.
- BUỔI THÍ NGHIỆM
Buổi thí nghiệm về bất lực học diễn ra vào cuối thập niên 1960 và đầu 1970 bởi 2 nhà tâm lý Martin Seligman và Steven Maier. Đối tượng của buổi thí nghiệm này là những chú chó, chúng được đặt vào một phòng/buồng chứa được chia làm 2 ngăn và có một vách ngăn nhỏ ở giữa, đủ để các chú nhảy qua. Sự khác nhau của 2 buồng chứa nhỏ là một bên sàn sẽ có điện còn bên kia thì không.
Sau khi shock điện, 2 nhà nghiên cứu đã nhìn thấy một hiện tượng lạ: một số chú chó khi bị shock điện đứng yên chịu trận và chẳng nhảy sang buồng bên kia. Những chú chó này thật ra đã bị shock điện nhiều lần nhưng không tài nào thoát ra được.
Để nghiên cứu sâu hơn sự quan sát này, họ đã chia một nhóm nhiều chú chó mới thành 3 nhóm:
- Nhóm 1: những chú chó này được nhốt vào buồng chứa nhưng không nhận được cú shock điện nào cả
- Nhóm 2: những chú chó này được nhốt vào buồng chứa, bị shock điện nhưng có thể thoát được bằng cách lấy mũi của mình nhấn vào một bảng điều khiển
- Nhóm 3: những chú chó này được nhốt vào buồng chứa, bị shock điện và không có cách nào thoát ra được
Kết quả cho thấy những chú chó ở nhóm 1 và nhóm 2 nhanh chóng biết rằng chúng chỉ cần nhảy qua rào chắn là sẽ thoát được cú shock điện, nhưng ở nhóm 3, các chú chó này chẳng tỏ ra cố gắng để trốn thoát mà cam chịu cú shock điện.
Vì sao? Vì các chú chó ở nhóm 3 dựa trên kinh nghiệm cũ của mình để quyết định sự cố gắng trong tương lai. Và vì những lần cố gắng trước đó không thành công, nên các chú ‘không thèm’ thử nữa.
Điều này cũng xảy ra tương tự trên các con vật khác như chuột hoặc voi, và ở cả con người nữa.
- LÝ GIẢI CHO BẤT LỰC HỌC
Seligman và đồng nghiệp (Abramson & Teasdale) đã đề xuất một lời giải thích cho hiện tượng bất lực học như sau: khi ta rơi vào một tình huống mà bản thân cảm thấy mất kiểm soát, sẽ có 3 điều trong ta bị ảnh hưởng, đó là động lực (motivation), sự nhận thức (cognition) và cảm xúc (emotion).
Sự ảnh hưởng lên nhận thức khiến chúng ta tin rằng mình không thể kiểm soát tình huống đang diễn ra. Sự ảnh hưởng lên động lực khiến ta nhận thấy ta chưa có các phương pháp thích hợp để vượt qua tình huống này. Và cuối cùng, sự ảnh hưởng lên cảm xúc khiến ta cảm thấy suy sụp, thất vọng vì sự mất kiểm soát với tình huống.
- HỆ QUẢ CỦA VIỆC CẢM THẤY BẤT LỰC
Theo một số nhà nghiên cứu, BLHĐ có thể ảnh hưởng đến chúng ta như sau:
– Tăng nguy xuất hiện các triệu chứng sức khỏe tiêu cực cũng như cảm xúc tiêu cực về một căn bệnh nào đó (Nowicka-Sauer, Hajduk, Kujawska-Danecka, Banaszkiewicz, Czuszyńska, Smoleńska, & Siebert, 2017)
– Có thể khiến ta trở nên cầu toàn một cách không phù hợp (Filippello, Larcan, Sorrenti, Buzzai, Orecchio, & Costa, 2014)
– Khiến ta muốn nghỉ việc (Tayfur, Karapinar, & Camgoz, 2013)
– Cảm thấy kiệt sức về mặt thể chất hay cảm xúc, và hoài nghi người khác (Tayfur, Karapinar, & Camgoz, 2013)
– Làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm, lo lắng, sợ hãi, nhút nhát và cô đơn, nhất là đối với những người đã chịu đựng một nỗi đau nào đó (Cherry, 2017)
- CÁC PHƯƠNG PHÁP ‘ĐẨY LÙI’ SỰ BẤT LỰC HỌC
Dựa trên mô hình phân loại sự BLHĐ ở phần 2, chúng ta có thể thấy rằng: Khi chúng ta tin rằng những kết quả mà ta kỳ vọng không thể đạt được, hay những kết quả mà ta không kỳ vọng sẽ xảy ra, ta sẽ không có một tia hy vọng nào cho việc mình có thể thay đổi được vấn đề hay thử thách hiện tại.
Theo như Ackerman (2020) chia sẻ, vào năm 1978, các nhà nghiên cứu như Abramson, Seligman và Teasale đã vạch ra 4 chiến lược để giúp chữa trị chứng trầm cảm liên quan đến BLHĐ.
- Chiến lược 1: Thay đổi khả năng xảy ra của các kết quả. Thay đổi môi trường bằng cách tăng khả năng xảy ra của những sự kiện mong muốn và giảm khả năng xảy ra của các sự kiện không mong muốn.
- Chiến lược 2: Giảm sự khao khát vào kết quả của sự việc nào đó, bằng cách giảm suy nghĩ tiêu cực về kết quả được tạo ra mà mình không thể kiểm soát được, hay giảm sự kỳ vọng với những thứ viễn vông, khó xảy ra.
- Chiến lược 3: thay đổi kỳ vọng của mình từ không-thể-kiểm-soát sang kiểm-soát-được nhất là khi kết quả trông có vẻ như sẽ đạt được. Nói một cách khác, hãy giúp những người bất lực nhận ra rằng những việc mà họ nghĩ là họ không làm được, thật ra là nằm trong tầm với của họ.
- Chiến lược 4: thay đổi những lời giải thích không thực tế cho sự thất bại, bằng cách nhìn đến các yếu tố hoàn cảnh bên cạnh các yếu tố cá nhân (yếu tố hoàn cảnh/bên ngoài có thể là những yếu tố không phải do lỗi sai xuất phát từ cá nhân; sự bất lực tạm thời hay sự bất lực ở một vấn đề cụ thể nào đó). Tương tự, ta cũng nên thay đổi những lời giải thích không thực tế cho sự thành công, bằng cách nhìn đến các yếu tố cá nhân bên cạnh các yếu tố hoàn cảnh (yếu tố cá nhân/bên trong có thể là những yếu tố di truyền; sự bất lực mãn tính hay toàn cầu).
SỰ HỖ TRỢ TỪ XÃ HỘI
Nếu người bất lực không thể vượt qua và cảm thấy họ không thể tự mình làm việc đó, NHƯNG rất muốn thay đổi, chúng ta – những người tích cực, lạc quan, tử tế hoàn toàn có thể giúp họ. Bởi vì khi họ MUỐN thay đổi, họ sẽ hành động hay làm gì đó chứ không ngồi yên và than vãn. Có chăng họ cần một người dẫn dắt và đồng hành cùng họ, dù chỉ là trên một đoạn đường ngắn.
Chúng ta có thể:
- Cho họ mượn đôi vai và đôi tai để họ mở lòng và nói ra điều mà bao lâu họ thầm giấu kín.
- Đừng phán xét họ dù ta chưa từng, hay đã từng, ở trong tình huống của họ, họ có thể đang cần một người khiến họ cảm thấy an toàn để chia sẻ. Sự phán xét sẽ làm họ thêm e sợ, vì họ vốn dĩ rất nhạy cảm.
- Chia sẻ câu chuyện của ta để họ cảm thấy họ không một mình.
- Ôm hay vỗ vai họ khi cần thiết vì hành động này thể hiện sự đồng cảm, quan tâm và nó sẽ giúp cơ thể tiết ra những hormone khiến tâm trạng cảm thấy nhẹ nhõng, giải tỏa.
Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra lợi ích của việc hỗ trợ từ mọi người xung quanh đến những người bị rối loạn tâm lý từ nhẹ đến nặng. Và bác sĩ tâm thần học kiêm tác giả của quyển sách ‘Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành’ – van Der Kolk (2014), cũng đã viết rằng, khi chúng ta rơi vào nguy hiểm hoặc căng thẳng, điều đầu tiên ta làm là tìm đến sự trợ giúp từ một ai đó.
Đây là những điều mà ta có lẽ đã nghe và đọc qua rất nhiều, nhưng câu hỏi đặt ra là ta đã thực hành nó chưa? Ta có kiên nhẫn chưa? Ta có linh hoạt trong cách tiếp cận với người bị bất lực chưa? Và ta thật sự sẵn sàng để tiếp cận họ chứ?
Chúc cho tâm của chúng ta rồi một ngày sẽ như mặt hồ tĩnh lặng, để người khác có thể soi chiếu chính bản thân họ. Và ta cũng đón nhận mọi thứ, về ta, về họ, như nó vốn thế.
Bài viết được viết bởi Kim Anh – CTV Ban biên tập NCTT
anh.nguyen@nucuoitraitim.com
*Bản quyền bài dịch/bài viết/bài tổng hợp này thuộc về Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ là “Nguồn: Tên tác giả bài viết (nếu có) + Văn phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Nụ Cười Trái Tim + đường link của bài viết từ trang website hoặc từ trang Facebook fan page của Nụ Cười Trái Tim”. Các bài đăng lại từ bài này nếu trích nguồn không đầy đủ theo yêu cầu như đã nêu trên thì sẽ hoàn toàn không được chấp nhận và yêu cầu cần phải gỡ bỏ.
Nguồn tham khảo:
1. Ackerman, C. E., (2020, January 09). Learned Helplessness: Seligman’s Theory of Depression (+ Cure). Retrieved from https://positivepsychology.com/learned-helplessness-seligman-theory-depression-cure/
2. Cherry, K. (2014, June 07). What is learned helplessness and why does it happen? Retrieved from https://www.verywellmind.com/what-is-learned-helplessness-2795326
3. Nowicka-Sauer, K., Hajduk, A., Kujawska-Danecka, H., Banaszkiewicz, D., Czuszyńska, Z., Smoleńska, Z., & Siebert, J. (2017). Learned helplessness and its associations with illness perception, depression and anxiety among patients with systemic lupus erythematosus. Family Medicine & Primary Care Review, 19, 243-246. doi:10.5114/fmpcr.2017.69285
4. Sorrenti, L., Filippello, P., Costa, S., & Buzzai, C. (2014). Preliminary evaluation of a self-report tool for learned helplessness and mastery orientation in Italian students. Mediterranean Journal of Clinical Psychology, 2. doi:10.6092/2282-1619/2014.2.1024
5. Tayfur, O., Karapinar, P. B., & Camgoz, S. M. (2013). The mediating effects of emotional exhaustion cynicism and learned helplessness on organizational justice-turnover intentions linkage. International Journal of Stress Management, 20, 193-221. doi:10.1037/a0033938
6.van Der Kolk, B. (2014). Sang chấn tâm lý hiểu để chữa lành. Saigon Books.