LÀM NGÀNH NGHỀ GÌ SAU KHI HỌC TÂM LÝ?
Nếu đọc qua phần 1 về tâm lý học là gì, mục “Một số nội dung” trong các quyển sách tâm lý của mình, ta có thể hình dung cánh cửa nghề nghiệp của ngành tâm lý là RẤT RỘNG. Tuy nhiên, để đi sâu, và đi lâu, vào một lĩnh vực nào đó trong tâm lý, chúng ta phải cân nhắc đến mốt số yếu tố như:
Ở mức độ cá nhân: giá trị sống, sở thích, đam mê, động lực, cơ duyên và trải nghiệm sống của ta khiến ta mong muốn theo đuổi lĩnh vực nào?
Ví dụ: mình định hướng theo tham vấn tâm lý cho người trẻ/học sinh cấp 3/sinh viên. Mình chọn tham vấn là vì mình không hứng thú với việc sử dụng thuốc trong điều trị tâm lý và các phương pháp tham vấn cũng phù hợp với tính cách của mình hơn (mình có cảm giác vậy sau khi đọc qua định nghĩa và trải nghiệm không chuyên cá nhân). Đối tượng là người trẻ là vì mình cũng từng trải qua quãng thời gian vô định với bản thân và nghề nghiệp, nên mình có sự đồng cảm với các bạn và mong có thể hỗ trợ, trao quyền cho các bạn tự tin bước đi trên hành trình cuộc đời của các bạn.
Ở mức độ cộng đồng: sự phát triển của văn hóa và xã hội của đất nước ta có đang cần đến nghề mà chúng ta theo đuổi không? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta theo học một nghề hay công việc mà xã hội đang chưa có nhu cầu hoặc nhu cầu thấp? Có các tổ chức tâm lý nào uy tín ở nước ta và nhu cầu của nghành nghề này trong xã hội đang như thế nào? (bản thân mình vẫn đang tìm hiểu phần này, nhưng mình cảm nhận nhu cầu là cao)
Ví dụ: ở Việt Nam ta hiện nay có thể có nhu cầu cao về lĩnh vực tham vấn tâm lý học đường, hướng nghiệp, hôn nhân gia đình, giáo dục tâm lý cho trẻ em (bình thường hoặc đặc biệt), và vân vân. Ví dụ về ngành không nổi có thể là bác sĩ tâm lý về gen di truyền, bác này có nhiệm vụ nghiên cứu về hành vi và gen, rồi từ đó tìm hiểu sự ảnh hưởng của gen lên sự phát triển của trẻ hoặc sự phát triển của nhân cách.
Bên dưới sẽ là các thông tin mình dịch lại từ quyển sách nhập môn Psychology (1). Lưu ý là những biểu đồ mình đính kèm không phải là khảo sát ở Việt Nam mà là ở Mỹ, mục đích là để chúng ta tham khảo các lĩnh vực thôi nhen.
7 lĩnh vực/trường phái trong tâm lý:
1. Lĩnh vực tâm động học (psychodynamic perspective): đây là phiên bản ‘hiện đại’ của thuyết phân tâm học (psycholoanalysis)
2. Lĩnh vực hành vi (behavioral perspective)
3. Lĩnh vực nhân văn (humanistic perspective)
4. Lĩnh vực nhận thức (cognitive perspective)
5. Lĩnh vực văn hóa xã hội (sociocultural perspective)6. Lĩnh vực tâm lý sinh học (biopsychological perspective)
7. Lĩnh vực tiến hóa (evolutionary perspective)Như hình bên dưới về “Các lĩnh vực nhỏ của tâm lý học” (subfields of psychology), ta có thể thấy theo khảo sát này thì ở Mỹ:
- 34% làm bác sĩ lâm sàng (clinical)
- 6% làm về tâm lý nhận thức (cognitive)
- 13% làm về tham vấn tâm lý (counseling)
- 8% làm về tâm lý trải nghiệm và nghiên cứu (experimential and other research areas)
- 4% làm về tâm lý trường học (school)
- 5% làm về tâm lý doanh nghiệp/tổ chức (industrial/organizational)
- 6% làm về tâm lý xã hội và nhân cách (social & personality)
- 12% làm về tâm lý phát triển (developmental)
- 2% làm về tâm lý giáo dục (educational)
- 4% làm lĩnh vực khác (others)
- 6% làm lĩnh vực chung chung (general)
*1 người có thể làm nhiều lĩnh vực nhenBên hình dưới về “Nơi mà các nhà tâm lý làm việc” (where psychologists work):
- 35% làm việc ở bậc đại học và bậc cao đẳng 4-năm (university & 4-year colleges)
- 7% làm ở môi trường trường học và giáo dục (schools & educational settings)
- 21% làm chủ (self-employed)
- 18% làm ở môi trường tư nhân có lợi nhuận (private for profit)
- 9% làm ở môi trường tư nhân phi lợi nhuận (private not for profit)
- 6% làm ở nhà nước theo tiểu bang (state & local government)
- 4% làm ở nhà nước liên bang (federal government)
Mình hơi bất ngờ là không thấy làm ở Bệnh Viện, nhưng có thể nó thuộc ‘private for profit’, nhưng mà hướng lâm sàng thì khi mình học bên Hà Lan ấy, hỏi 5 bạn thì đã hết 3 người bảo ‘tao sẽ học hướng lâm sàng’ rồi. Có thể do khi nhắc đến TLH thì ngành này nổi nhất, và với những người chưa tiếp xúc với hoặc đọc qua các lĩnh vực khác, họ dễ chọn lâm sàng là ưu tiên đầu tiên.Chuyên gia trong ngành và các phạm vi chuyên ngànhTheo hình bên dưới thì phạm vi chuyên ngành của nhà tâm lý học có thể chia làm 3 nhánh:
1. Bác sĩ tâm lý (psychologist): có bằng tiến sĩ (Ph.D, Psy.D., hoặc Ed.D.) và làm việc với con người hoặc động vật** và môi trường làm việc sẽ dựa vào lĩnh vực chuyên sâu của họ. Ở bên Mỹ, bác sĩ tâm lý phải được cấp bằng hành nghề, và một điều quan trọng là họ không được kê đơn thuốc (trừ một số bang ở Mỹ). Nhiệm vụ chính của họ là giúp khách hàng/bệnh nhân làm bài kiểm tra/đánh giá tâm lý, nhất là những rối loạn tâm lý cảm xúc/tinh thần dạng nhẹ, và lập nên lộ trình trị liệu tâm lý phù hợp.
2. Bác sĩ tâm thần (psychiatrist): bác này mới ‘có quyền’ kê đơn thuốc đây mọi người ạ. Bác này chuyên chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm lý dạng nặng, hoặc có liên quan đến tổn thương thần kinh và cần dùng đến thuốc để kiểm soát rối loạn. Bác này phải có bằng y/dược nữa.3. Nhân viên xã hội tâm thần (psychiatric social worker): ngành này mình đọc cũng thấy là lạ. Cơ bản họ bảo là bác này được đào tạo về lĩnh vực hoạt động xã hội và phải có bằng chuyên ngành về lâm sàng thì mới làm việc được.
** làm với động vật là vì do con người có xu hướng ‘thiên vị’ trong cách nhìn của mình (chỉ nhìn, đọc hoặc nghe những gì mình muốn), nên các nhà tâm lý phải tạo nên các khuôn mẫu hoặc hệ thống các phương pháp để giúp họ tránh sự thiên vị trong quan sát và nghiên cứu. Và một trong những cách mà các nhà tâm lý học tìm ra chân lý mới, hay ‘thử lửa’ những giả thuyết/lý thuyết của mình là thực hiện các buổi thí nghiệm (experiment). Và những đối tượng tham gia thí nghiệm tất nhiên không chỉ dừng ở con người. Vì yếu tố đạo đức, động vật cũng là một sự lựa chọn trong những thí nghiệm không-thể-thực-hiện trên con người. Ví dụ như các phương pháp xâm lấn, sử dụng dòng điện kích thích hoặc phá hủy một phần nào đó trong não bộ, để xem hành vi có bị ảnh hưởng không.
Túm lại là, chậc chậc, mình thấy vì tâm lý là về nhận thức (tư duy, suy nghĩ, động lực, giá trị sống, niềm tin, v.v.) và hành vi nên nhìn đâu cũng thấy có việc để làm luôn á, chỉ sợ người ta không tuyển hoặc không có vị trí đó thôi (haha).
Ví dụ, nếu thích thể thao, chăm sóc và tạo động lực cho vận động viên thì có thể làm nhà tâm lý thể thao (sport psychologist). Thích giáo dục và hỗ trợ một nhóm đối tượng trong việc học (trẻ đặc biệt chẳng hạn) thì có thể làm nhà tâm lý giáo dục. Thích môi trường doanh nghiệp, thích phát triển con người có thể vào bộ phận Quản lý nhân sự (HR).
Hoặc nếu thích chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm lý (dạng nặng) thì làm về hướng lâm sàng. Hoặc thích kinh doanh, phân tích profile của khách hàng và đưa ra lời khuyên cho các team khác như marketing/sale thì làm trong công ty nghiên cứu hay bộ phận Research của một công ty (nếu họ có). Hay thích công việc giảng dạy và làm nghiên cứu thì vô trường học/đại học làm giảng viên tâm lý hoặc nhà nghiên cứu tâm lý. Hay giống mình, làm tham vấn tâm lý.
Tâm lý tội phạm cũng khá hay ho đó. Hay trị liệu tâm lý sử dụng phương pháp nghệ thuật như nhạc, vẽ và múa cũng có thể là một sự lựa chọn. Bạn nào thích tâm linh thì có thể xem them thiền, yoga, nhiều người nói Đức Phật chính là một trong những ‘bác sỹ trị liệu tâm lý’ hay nhất quả đất á, vì những triết lý của Phật luôn hướng con người về sự an lạc, sống với hiện tại, chấp nhận bản thân, từ bi và lương thiện với bản thân và người khác.
Quan trọng là tim ta hướng về đối tượng nào, khả năng và đam mê của ta nằm ở tính chất công việc nào, sự chú tâm của ta được dành cho lĩnh vực cụ thể nào, trải nghiệm của ta thế nào, cơ duyên và điều kiện hoàn cảnh của ta thế nào, có liên quan đến những thứ ở trên không, và nhu cầu xã hội với ngành nghề này thế nào.
Mọi người cũng có thể tìm hiểu thêm về các mô tả công việc (job description) trên mạng của các nhà tuyển dụng để biết hơn về tính chất công việc của nghề mình còn thắc mắc nhé 🙂
** về mức lương của các vị trí trong ngành này ở Việt Nam thì thiệt mình chưa tìm hiểu và cũng…mù tịt luôn. Cả nhà nếu có thông tin gì thì xin chia sẻ cho mình thêm nhé 😉 Cảm ơn ạ. Theo trang collegegard.com thì mức lương trung bình một năm của một bác sỹ tâm lý là $80,370.
Kim Anh – CTV Ban biên tập NCTT.
Bài viết được viết với hình thức chia sẻ trải nghiệm, dịch và tổng hợp.
anh.nguyen@nucuoitraitim.com
Nguồn: 1. Sách “Psychology” của Saundra K. Ciccarelli và J. Noland White