TIPS CHỌN TRƯỜNG ĐỂ HỌC NGÀNH TÂM LÝ HỌC TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC
Ở phần này mình chỉ tóm tắt lại những thông tin mình tìm được trên mạng và một vài ý kiến cá nhân về việc chọn trường. Mình cũng ước gì mình có thể review nhiều trường cho mọi người nhưng mà ‘đời không như là mơ’, mình chỉ có thể nói và review những gì mình biết và đã trải qua thôi.
Mình sẽ chia bài theo những mục nhỏ với tiêu đề tương ứng. Một số mục mình có thể sẽ dùng ví dụ về trường hiện tại cho mọi người dễ hình dung nhé. Mình nghĩ với các mục này, các bạn có thể áp dụng khi lựa chọn cả trường trong hoặc ngoài nước.
Trước khi đi vào các nguồn tìm hiểu về ngành học, mình cũng muốn nói sơ qua về việc chúng ta nên học tâm lý trong nước hay ngoài nước. Việc này thật sự mang tính cá nhân và phụ thuộc vào một số yếu tố như:
a. Định hướng nghề nghiệp: bạn thích phát triển ở mảng nào trong tâm lý, muốn môi trường học như thế nào, muốn tiếp cận nguồn kiến thức nào, tiếng Anh của bạn tốt chứ, bạn muốn học văn bằng nào, bạn mong muốn có trải nghiệm quốc tế không, và v.v.
Nếu bạn chưa có định hướng rõ ràng ngay từ đầu cũng không sao cả. Vì mình nghĩ ở năm đầu, phần lớn các trường đều dạy các chủ đề tâm lý chung chung. Sau đấy khi càng học vào sâu, bạn nghiệm lại xem sở thích, thế mạnh, giá trị sống và khả năng của mình phù hợp với ngành nghề nào, rồi định hướng từ từ xem có cần phải học lên cao hơn nữa không.
Có một điều mà chúng ta nên cân nhắc là về nhu cầu của ngành đó trong xã hội và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhất là khi đi du học, có thể một số điều ta học được ở nước ngoài sẽ phải cân chỉnh khi được áp dụng ở Việt Nam. Hoặc nếu bạn muốn làm ở nước ngoài, bạn phải cân nhắc về vấn đề ngôn ngữ, văn hóa và xã hội của họ, và đôi khi hướng chuyên sâu của bạn lại chỉ có thể phát triển ở nước ngoài, hoặc ngược lại. Chưa kể còn phải có thời gian thực tập hay học thêm bằng này bằng kia để đủ khả năng hành nghề.
Kinh nghiệm của mình là nhờ năm đầu đọc sách về lý thuyết khá nhiều, nên mình có thể mường tượng ra được một số tính chất công việc đặc thù mà tấm bằng tâm lý mang lại cho mình. Rồi từ đó mình xem mình muốn chuyên sâu cái nào.
b. Tài chánh: bạn có thể tìm hiểu mức chi tiêu ở các nước và cân nhắc với mức kinh tế của bạn/gia đình bạn. Hoặc bạn có thể tìm đến các nguồn học bổng của trường hay chính phủ các nước nếu cần sự hỗ trợ. Mình thì không có nhiều trải nghiệm trong việc xin học bổng, nhưng mình thấy có Facebook groups/công ty dịch vụ/website/sách về chủ đề này. Các bạn có thể cân nhắc và tìm hiểu thêm heng.
1. Tìm hiểu về ngành & trường qua online
Trước tiên là ở Việt Nam.
Theo như trang Tuyển sinh số thì các trường dạy tâm lý có thể chia ra ở 3 khu vực: Bắc – Trung – Nam (như hình bên dưới).
Edit: nguồn mình tìm khá hạn chế nên việc thiếu sót là không tránh khỏi, đây là một số trường mà các anh chị em đã bổ sung thêm giúp mình, cám ơn mọi người: Trường đại học Giáo dục – đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Sư Phạm Huế, Học viện quản lý giáo dục….Để tìm hiểu kỹ hơn về thông tin của từng trường, mọi người có thể truy cập trang Tuyển sinh số ở trên và bấm vào từng trường dạy tâm lý để đọc thêm nhen. Hoặc mình thấy ở trang Edu2review này cũng có một số thông tin cơ bản về 1 số trường nè.
Trường ở nước ngoài.
Trước mình hay lên Google gõ từ khóa ‘famous university for psychology’ và đọc thử một số trường. Đợt trước do mình không thích học ở Mỹ và Úc nên mình chọn Châu Âu, nhưng mình cũng nghe là Mỹ nổi tiếng với nhiều trường dạy hay, học bổng và môi trường thực hành đa dạng. Cũng nhiều người hỏi sao mình chọn Hà Lan (haha). Do hồi đó đọc qua giáo án của trường Twente hay quá, nên mình mê rồi chọn luôn.Nếu mọi người muốn tìm hiểu về thông tin cơ bản của các trường thì có thể tham khảo website Top Universities heng. Trên trang này có cho chúng ta chọn các trường theo khu vực, rồi chọn theo văn bằng (đại học, sau đại học, v.v.), rồi sẽ có 1 số thông tin cơ bản về trường đó như thứ hạng của trường trên thế giới, số lượng khóa học, trường có thế mạnh về nghiên cứu hay không, và v.v.
Ngoài trang này thì mọi người cũng có thể coi qua trang Hot Course Abroad.
2. Tìm hiểu ngành và trường qua cựu sinh viên
Ngoài phần tự tìm hiểu online thì việc tìm đến các cựu sinh viên để hỏi về trải nghiệm của họ cũng hay các bạn ạ. Những nhận xét này có thể mang tính chủ quan nhưng ít nhất họ là người trải nghiệm thì ít nhiều cũng sẽ có thể chia sẻ một ít thông tin về ngành/trường/thầy cô/môn học/ và vân vân. Tuy nhiên cũng nên cân nhắc việc tin tưởng vào nguồn này hoàn toàn các bạn nhe.
3. Tìm hiểu ngành và trường qua bộ phận tuyển sinh của trường
Đây, với mình thì đây là một bộ phận ‘quyền lực’ (haha) vì họ là người, ít nhất là theo lý thuyết, hiểu nhất về những gì mà họ cung cấp cho người học.Mình tin dù là trường trong hay ngoài nước, thì việc người học chủ động tìm hiểu thông tin để đưa ra quyết định là cần thiết, và từ phía nhà trường, cũng phải đưa ra hoặc giải thích rõ cho người học về những gì họ cung cấp.Hồi lúc mình học truyền thông, thật sự là hơi lơ là quy trình tìm hiểu này, có thể là do mình chưa thật sự thấy thích thú với ngành đó nên bản thân không chủ động nhiều. Mãi đến khi học tâm lý thì mọi chuyện mới khác.Ở bộ phận tuyển sinh, mình nghĩ các bạn có thể khai thác được những thông tin mà chúng ta chưa thấy hoặc không thấy trên website/online.
Ví dụ như khi tìm hiểu online, chúng ta đã biết về:
a. Trường theo hướng nghiên cứu, học thuật hay ứng dụng?
b. Review về trường ra sao?
c. Giáo án của trường như thế nào?
Đợt mình chọn Twente là do giáo án của họ. Mình cũng đã đọc qua website của một trường trông cổ cổ bên Ý, nhưng mà website trường ý cũng cổ luôn. Nhìn vô không rõ là trong 3 năm sẽ học gì, không có môn học nào cụ thể được đưa lên trên website. Còn bên trường hiện tại thì khác, mọi thứ rõ ràng và rành mạch, chi tiết đến nỗi mục tiêu và nội dung của mỗi kỳ đều được nêu ra.
d. Phương pháp dạy của trường là gì?
Hà Lan là đất nước mà ngay từ nhỏ các bạn nhi đồng đã được dạy ‘tiếng nói của con rất quan trọng nên con phải nêu lên ý kiến của mình’. Trong brochure giới thiệu môi trường học cho sinh viên quốc tế trường có viết: “tính cách của sinh viên HL là thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình nên các bạn đừng tự ái hoặc nghĩ rằng đang bị công kích…”.Giáo viên của Hà Lan cũng nói thẳng trong ngày đầu gặp mặt “tôi với các bạn là ngang hang và không có cấp bậc gì hết, việc của chúng tôi là trao cho các bạn kiến thức và các bạn có quyền cắt ngang bài giảng để đặt câu hỏi bất cứ lúc nào các bạn muốn…”.Chính sự rõ ràng này mà ngay từ đầu mình đã hình thành một tư tưởng “Okay, đời mình ra sao là do mình rồi nè. Bị động là chết và không có cơ hội nào đến hết”.
Và đây là các chủ đề khác mà các bạn có thể hỏi thêm từ phía bộ phận tuyển sinh.
a. Đội ngũ giáo viên của trường là ai? Trên website của Twente có trang People (con người) và mình có thể tìm tất cả thông tin cần thiết của các thầy cô luôn. Thậm chí xem được số bài viết khoa học mà họ xuất bản hay lĩnh vực chuyên sâu của họ trong phần giới thiệu.
b. Trường có các CLB nào về tâm lý không? Và được dẫn dắt bởi sinh viên hay tổ chức nào?
Việc này mình không nghĩ tới cho đến khi vô học mới thấy sự hay ho của các tổ chức này. Bên Twente có nhiều club do sinh viên đứng ra tổ chức như AcCie (tiệc tùng nhảy múa các kiểu), CareerCie (chuyên tổ chức các buổi chia sẻ ngắn về trải nghiệm nghề nghiệp với sự tham dự của cựu sinh viên, người đã và đang đi làm, giảng viên hoặc giáo sư về tâm lý trong trường), Lesxy (giống CareerCie nhưng các bài giảng chủ yếu có chủ đề không liên quan đến nghề nghiệp), ConnexCie (chuyên tổ chức các sự kiện kết nối sinh viên quốc tế trong ngành tâm lý) hay Eurotrip (chuyên tổ chức các buổi đi chơi trong/nhiều ngày ở một các Châu Âu), và vân vân.
Mình có tham gia CareerCie và Lexsy, phải nói là có những trải nghiệm vui và đáng nhớ lắm.
c. Trường có kết nối với các doanh nghiệp không? Trường có kết nối với các anh chị sinh viên đã tốt nghiệp/alumni không?
Điều này liên quan đến việc hỗ trợ sinh viên sau khi ra trường ấy. Và nếu trường có kết nối mạnh và rộng thì đây sẽ là một điểm mạnh của trường. Ví dụ như hồi tháng 2 – 2020, mình vừa tham gia chạy chương trình Tuần Lễ Nghề Nghiệp (Career Week) cho ngành tâm lý ở trường, các bạn trong CLB cũng có 1 danh sách các anh chị mà họ sẽ mời về trường để chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên. Rồi có thêm những kết nối mới với những người đang đi làm trong ngành.
d. Trường có cho phép sinh viên đánh giá giáo viên hay trường không? Và đội ngũ hỗ trợ của trường có nhiệt tình với sinh viên không?
Thật ra thì giáo dục cũng là một ngành nghề kinh doanh. Thiết nghĩ chúng ta bỏ tiền ra thì cũng nên được đặt câu hỏi và có tiếng nói hay đóng góp ý kiến về những gì mà mình được học/dạy.
Mình nghĩ chắc là hơi khó với môi trường ở Việt Nam, nhưng ở bên Twente, sinh viên đều đóng góp feedback về mỗi kỳ mà tụi mình học qua. Feedback về tất cả mọi thứ: sách được ngành sử dụng, tác phong giáo viên/hỗ trợ viên, nội dung học, sự liên kết giữa các môn học và v.v…
Họ còn có một tổ chức gọi là Programme Committee (PC) và mình may mắn là một thành viên của tổ chức này trong 1 năm qua. Tổ chức này bao gồm 5 giáo viên trong ngành và 5 sinh viên từ năm 1 đến hệ thạc sĩ. Nhiệm vụ của PC là xem xét lại tất cả feedback mà sinh viên gửi về, dùng chính trải nghiệm cá nhân và khách quan để đóng góp ý kiến chỉnh sửa và cải thiện chất lượng giáo dục của ngành.
Twente cho mình cảm nhận họ thật sự ở đó vì sinh viên và cho sinh viên. Những lời đóng góp của sinh viên được giáo viên và bộ phận Coordinator tiếp nhận và có chỉnh sửa thật sự trong giáo trình của năm tiếp theo.Họ còn có bộ phận Study Advisor (cố vấn sinh viên) của từng ngành để hỗ trợ sinh viên trong các vấn đề xảy ra hằng ngày trong cuộc sống như stress hay bất kỳ lý do cá nhân nào ảnh hưởng đến việc học.
Nói tóm lại, mình thấy môi trường học rất quan trọng vì chúng ta sẽ dành một quãng thời gian gần 3-4 năm cho sự phát triển của cá nhân tại môi trường đó. Mình tin rằng nếu bạn muốn giỏi điều gì đó, bạn phải làm nó mỗi ngày. Đến một thời điểm nhất định, bạn sẽ nhuần nhuyễn trong những gì bạn làm. Vì thế hãy xác định rõ bạn muốn làm gì và GO FOR IT nhé !!! Chỉ cần nó không gây hại cho bạn và người khác về mặt tinh thần lẫn thể xác thì mình luôn ủng hộ.
Kim Anh – CTV Ban biên tập NCTT.
Bài viết được viết với hình thức chia sẻ trải nghiệm, dịch và tổng hợp.
anh.nguyen@nucuoitraitim.com